3 lý do Mỹ có thể chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Theo tờ Economist mới đây, việc Mỹ chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ xảy ra vì một số yếu tố.
Sau gần sáu tháng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, lạm phát và giá nhiên liệu cao làm suy yếu sức mua của người Mỹ. Với bối cảnh này, đảng Cộng hòa có khả năng sẽ đạt được những thành tựu quan trọng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới: họ dự kiến sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện và có thể cả Thượng viện.
Do đó, Economist lưu ý rằng việc Mỹ tài trợ cho Ukraine có thể chấm dứt do bất ổn kinh tế và chính trị trong chính nước Mỹ.
Nhìn chung, hiện có ít người Mỹ sẵn sàng trả một cái giá kinh tế để hỗ trợ Ukraine hơn so với thời điểm bắt đầu nổ ra xung đột. Một cuộc thăm dò gần đây do Đại học Maryland thực hiện cũng cho thấy rằng khoảng cách giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về vấn đề này đang ngày càng rộng ra. Trong số các thành viên đảng Dân chủ, 78% chấp nhận giá nhiên liệu đắt hơn và 72% sẽ chịu lạm phát cao hơn để giúp Ukraine; trong số các thành viên Cộng hòa, chỉ có 44% và 39% tương ứng sẽ làm như vậy.
Tờ báo dẫn lời Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Koons: "Tôi lo ngại về cam kết của các nhà lãnh đạo và phản ứng của người dân Mỹ về việc duy trì tiến trình khi xung đột kéo dài". Ông cho rằng viện trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài đến cuối năm tài chính, tức là đến ngày 30/9 tới.
Sau khi khoản ngân sách bổ sung với số tiền 40 tỷ USD vào tháng 5 được phê duyệt, giới chính trị gia thuộc đảng Dân chủ không hài lòng với khoản chi khổng lồ để hỗ trợ Kiev. Hiện chỉ có một số ít trong Quốc hội Mỹ tin rằng một gói viện trợ lớn khác cho Ukraine có thể được thông qua trước cuộc bầu cử giữa kỳ.
Economist cho rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine có thể bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố. Thứ nhất, khả năng chiến thắng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Hiện tư tưởng của cựu Tổng thống Donald Trump về “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” vẫn có ảnh hưởng nhất định trong đảng Cộng hòa. Ông Trump cũng từng chỉ trích gói viện trợ mới nhất dành cho Ukraine, nói rằng: “Đảng Dân chủ đang gửi thêm 40 tỷ USD cho Ukraine, nhưng các bậc phụ huynh ở Mỹ đang phải vật lộn để nuôi con cái của họ”.
Quan điểm này của ông Trump có thể được tiếp thêm năng lượng nếu trong những tuần tới, ông thông báo ý định tranh cử tổng thống một lần nữa vào năm 2024.
Yếu tố thứ hai là các đồng minh của Mỹ có sẵn sàng tiếp tục giúp Ukraine đối đầu với Nga và giúp với mức độ thế nào.
Nhưng có lẽ quan trọng nhất là yếu tố thứ ba, đó là diễn biến trên thực địa. Mặc dù Ukraine đã thành công nhất định trong sử dụng những loại vũ khí do Mỹ cung cấp, nhưng các lực lượng Ukraine vẫn đang bị tấn công mạnh và ở thế phòng thủ, nếu không muốn nói là bị động.
Trong khi đó, mục tiêu của ông Biden trong cuộc xung đột là không rõ ràng. Chính quyền của ông đã ngừng nói về việc giúp Ukraine giành chiến thắng, thay vào đó nói về việc ngăn chặn nước này bị đánh bại. Nhưng mối quan tâm chính của ông Biden là tránh xung đột trực tiếp giữa NATO và một nước Nga có vũ khí hạt nhân. Mỹ đã yêu cầu đảm bảo rằng các loại vũ khí sát thương tầm xa 84 km được cung cấp sẽ không được bắn vào lãnh thổ Nga. Cho đến nay, Washington đã từ chối cung cấp loại đạn pháo/tên lửa có tầm bắn khoảng 300km.
Với yếu tố này, nếu Chính quyền của ông Biden có thể chứng minh rằng Ukraine đang đạt có động lực và không sa lầy vào một cuộc xung đột kéo dài vô tận, thì Mỹ sẽ dễ dàng hơn trong huy động sự ủng hộ dành cho nước này. Tuy nhiên, tờ Economist cho rằng một cuộc xung đột kéo dài dường như rất dễ xảy ra.