3 năm liên tiếp Trường Đại học FPT tuyển sinh vượt chỉ tiêu
Theo Đề án tuyển sinh được Trường ĐH FPT công bố, những năm gần đây đều có số sinh viên nhập học cao hơn chỉ tiêu, riêng năm 2020 là 809 sinh viên.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã xử phạt hành chính 78 trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu năm 2021.
Đáng chú ý, trong số 78 trường nói trên, một số cơ sở giáo dục vi phạm điển hình được vị này đề cập đến như: Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học cả trình độ thạc sĩ; hay Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Nguyễn Trãi đều tuyển vượt và đã bị xử lý…
Vậy trên thực tế, số lượng tuyển sinh vượt chỉ tiêu của các cơ sở này là bao nhiêu để khiến Thanh tra Bộ phải ra quyết định xử phạt?. Tại sao đã từng có các trường đại học bị xử phạt trước đó nhưng mùa tuyển sinh vừa qua, vẫn có trường đi vào "vết xe đổ" này?.
Đây là những câu hỏi đang được rất nhiều độc giả quan tâm.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu từ đề án tuyển sinh công khai của những cơ sở bị xử phạt được Thanh tra Bộ nêu tên vừa qua, để độc giả có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.
Tìm hiểu tại Đề án tuyển sinh những năm gần đây của Trường Đại học FPT cho thấy, ở một số khối ngành số lượng sinh viên trúng tuyển, nhập học được trường này công bố cao hơn nhiều so với chỉ tiêu được đề ra trước đó.
Cụ thể, trong Đề án tuyển sinh năm 2022 Trường Đại học FPT thống kê, tổng chỉ tiêu năm 2021 là 9.900 sinh viên, nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học lên tới 10.392 sinh viên.
Như vậy, tổng số chênh lệch giữa sinh viên nhập học so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 của trường này là 492 sinh viên.
Trong đó, Khối ngành (III) với ngành Quản trị kinh doanh (mã 7340101) có sự chênh lệch giữa số sinh viên trúng tuyển nhập học (3.289 sinh viên) so với chỉ tiêu tuyển sinh (3050 sinh viên) là 239 sinh viên.
Bên cạnh đó, ở Khối ngành (V) với ngành Công nghệ thông tin (mã 7480201) có sự chênh lệch giữa số sinh viên trúng tuyển nhập học (6.574 sinh viên) so với chỉ tiêu tuyển sinh (6.250 sinh viên) là 324 sinh viên.
Không chỉ vậy, theo Đề án tuyển sinh năm 2022 của trường này công bố, trong 2 năm gần nhất là năm 2020 và 2021, số lượng chênh lệch giữa chỉ tiêu và số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học ở một số khối ngành vào trường này cũng được thể hiện rõ nét.
Trong đó, năm tuyển sinh 2020, trường này công bố 7.800 chỉ tiêu tuyển sinh nhưng có số sinh viên trúng tuyển nhập học là 8.609. Như vậy, trong năm 2020, tổng số sinh viên trúng tuyển nhập học vào trường này chênh lệch so với chỉ tiêu công bố là 809 sinh viên.
Đặc biệt, ở Khối ngành (III), có ngành Quản trị kinh doanh (mã 7340101) có số sinh viên nhập học là 2.720, trong khi chỉ tiêu công bố là 2.150, chênh lệch 570 sinh viên.
Bên cạnh đó, cũng trong năm tuyển sinh 2020 của trường này, phóng viên ghi nhận được tại Khối ngành (V), có ngành Công nghệ thông tin (mã 7480201) có số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học là 5.416 sinh viên, trong khi chỉ tiêu công bố là 5.000 sinh viên, chênh lệch 416 sinh viên.
Chưa kể, trong Đề án tuyển sinh năm 2021 của Trường đại học FPT thể hiện, năm 2019 tổng số sinh viên trúng tuyển nhập học của trường này cũng vượt hơn so với chỉ tiêu công bố lên đến hàng trăm sinh viên.
Hiện tượng chênh lệch về số sinh viên nhập học so với chỉ tiêu tuyển sinh được công bố cũng chủ yếu ở các ngành như Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh.
Cụ thể, ở Khối ngành (III), ngành Quản trị Kinh doanh (mã 7340101) có chỉ tiêu công bố là 1.000 sinh viên nhưng số số sinh viên nhập học là 1.701, chênh lệch 701 sinh viên.
Với Khối ngành (V), ngành Ngôn ngữ Anh (mã 7220201) có chỉ tiêu là 125 sinh viên nhưng số sinh viên nhập học được công bố là 219, chênh lệch 94 sinh viên.
Như vậy, theo thống kê trong đề án, tổng số sinh viên trúng tuyển nhập học trong năm 2019 của trường này là 6.059 sinh viên, so với tổng chỉ tiêu trường này công bố là 5.300 sinh viên, tức là có sự chênh lệch 759 sinh viên.