3 ngày sau thảm họa núi lửa, quốc đảo Thái Bình Dương vẫn gần như 'biệt vô âm tín'
Nhiều thiệt hại đáng kể đã được báo cáo tại khu vực dọc theo bờ biển phía tây của hòn đảo chính của Tonga sau vụ phun trào núi lửa và sóng thần cuối tuần qua, sân bay bị đóng cửa và thông tin liên lạc bị cắt đứt đang cản trở nỗ lực cứu trợ quốc tế, theo Reuters.
Cao ủy của New Zealand ngày 18/1 đưa ra báo cáo sơ bộ về thiệt hại dọc theo bờ biển phía tây của đảo Tongatapu, nơi tọa lạc thủ đô Nuku’alofa của Tonga.
Quần đảo Nam Thái Bình Dương này hầu như vẫn bị cắt liên lạc với thế giới kể từ vụ phun trào trên đảo núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai hôm 15/1.
Theo Cao ủy New Zealand, một lớp tro dày đã bao phủ toàn bộ hòn đảo, đồng thời, họ đang ưu tiên tái lập liên lạc với những hòn đảo nhỏ hơn của Tonga.
Cho đến nay, ít nhất một trường hợp thiệt mạng đã được ghi nhận. Đó là một người phụ nữ quốc tịch Anh, Angela Glover, 50 tuổi. Theo người thân của bà Glover, bà đang cố gắng giải cứu các chú chó tại một trại cứu hộ động vật ở Tonga do hai vợ chồng bà thành lập thì cơn sóng thần ập đến.
Hiện chưa có báo cáo chính thức về số người bị thương hoặc tử vong nhưng liên lạc qua internet và điện thoại rất hạn chế, các khu vực xa xôi vẫn “biệt vô âm tín”.
Bộ trưởng phụ trách Thái Bình Dương của Australia, Zed Seselja, cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 18/1 rằng đến nay vẫn “chưa có thêm thông tin cho thấy có thương vong lớn, nhưng đây chưa hẳn là một tin vui vì chưa thể cập nhật số liệu cụ thể”. Ông Seselja nói thêm, “ưu tiên hiện nay là tiếp tế cho Tonga, và hạn chế lớn nhất đối với nỗ lực cứu trợ vào thời điểm này là sân bay địa phương vẫn bị tro bụi bao phủ”. Sớm nhất là vào ngày 19/1 sân bay Tonga mới có thể mở cửa trở lại.
Hình ảnh vệ tinh được đăng tải bởi Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho thấy nhiều công trình kiến trúc trên đảo Nomuka bị thiệt hại nặng nề. OCHA cũng không loại trừ khả năng sẽ còn có các hoạt động núi lửa khác.