3 nguyên tắc vàng cần nhớ khi bị kẹt thang máy
Tình huống nguy hiểm nhất là thang máy rơi tự do, bạn phải biết cách để được an toàn.
Câu chuyện 21 người bị mắc kẹt trong thang máy tòa nhà văn phòng cao cấp ở TP.HCM vào ngày 5-6 vừa qua khiến nhiều người lo lắng. Nếu không may rơi vào tình huống tương tự, phải làm sao?
“Khóc lóc, hoảng loạn không giải quyết được vấn đề. Thực tế trong thang máy không kín mít, vẫn đủ lượng ôxy để thở. Việc hoảng loạn, khóc lóc chỉ khiến nạn nhân tiêu tốn năng lượng nhiều hơn, dẫn tới hiện tượng choáng, ngất xỉu. Thay vào đó, hãy cố gắng giữ bình tĩnh, thông tin bằng âm thanh ra bên ngoài, gọi cứu hộ khẩn cấp và 114” - Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM, nói.
Bình tĩnh trấn an mọi người
Việc sử dụng thang máy đã rất phổ biến. Việc kẹt thang máy là sự cố ngoài ý muốn nhưng đã không ít lần xảy ra.
“Kẹt trong thang máy không bị ngạt thở. Bởi áp suất trong thang máy và bên ngoài là như nhau, chỉ có khi lên tầng cao mới có sự chênh lệch áp suất. Bình tĩnh để trấn an mình và mọi người là điều đầu tiên cần làm nếu không may bị mắc kẹt trong thang máy. Chỉ cần một vài phút, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã có thể mở thang máy để hỗ trợ mọi người ra ngoài rồi” - Thượng tá Kháng nhấn mạnh.
Ông chia sẻ rằng để giữ bình tĩnh không phải là điều dễ dàng nhưng phải cố gắng. Không bình tĩnh chỉ khiến bản thân tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, mất sức hơn mà thôi. “Khi một nhóm người bị kẹt trong thang máy, chỉ cần một người mất bình tĩnh thì theo tâm lý đám đông, những người xung quanh cũng sẽ hoảng theo. Mất bình tĩnh, xáo động, xô đẩy, kích động sẽ khiến chính bản thân và những người xung quanh căng thẳng thần kinh, mệt mỏi, rất nguy hiểm” - Thượng tá Kháng chia sẻ.
Gọi cứu hộ khẩn cấp
Số điện thoại cứu hộ khẩn cấp thường có ngay ở trong thang máy. “Hãy bấm nút khẩn cấp và bình tĩnh đợi người tới cứu. Người dân có thể gọi đồng thời cả hai, số điện thoại của cứu hộ khẩn cấp và đường dây nóng 114” - Thượng tá Kháng nói.
“Dù gọi tới đâu, hãy cung cấp thông tin ngắn gọn và đầy đủ nhất. Cơ bản gồm ba nội dung chính: Bạn tên gì. Bạn ở đâu. Bạn nhìn thấy gì. Chẳng hạn: “Tôi là Nguyễn Thị Trà. Tôi bị kẹt thang máy lầu …, block …, tòa nhà … chung cư. 10 người đang ở trong này, có người đã ngất xỉu”. Hãy cố gắng bình tĩnh. Đừng khóc. Khóc không giải quyết được vấn đề, người tiếp nhận thông tin cũng không nghe được bạn đang nói gì sẽ hỏi lại, mất nhiều thời gian hơn” - đại diện ban chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC quận Gò Vấp chia sẻ.
“Không nên cố gắng cạy cửa. Nhiều người có thói quen dùng giày cao gót, guốc nạy, tìm cách mở cửa. Mở ở vị trí nào, dùng thiết bị nào để mở là cả vấn đề” - Thượng tá Kháng nhấn mạnh.
Cách xử lý khi thang máy vượt tốc
Theo Livescience, khi thấy thang máy chạy vượt tốc hãy nhanh chóng nhấn tất cả các nút trên bảng điều khiển, việc làm này có thể kích hoạt bộ cung cấp điện khẩn cấp, giúp thang máy không bị trôi thêm. Nếu thang tiếp tục trôi nhanh, để đảm bảo tính mạng, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) chỉ ra cách tốt nhất là nhanh chóng nằm ngửa ra giữa sàn để phân tán lực tác động lên toàn bộ cơ thể, tay có thể che mặt để tránh các mảnh vụn. Khi thang máy đông người, không thể nằm xuống, bạn nên ngồi ở tư thế bó gối.
Làm gì khi thang máy rơi tự do?
Theo đại diện chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC quận Gò Vấp, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự cố kẹt thang máy: Lỗi kỹ thuật của thang máy: Lắp không chuẩn, quá trình vận hành không thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng; ý thức người dân, số người vào thang máy vượt mức quy định dẫn tới quá tải…
“Nguy hiểm nhất là tình trạng thang máy rơi tự do. Nếu chỉ có một mình hoặc ít người, hãy nằm ngửa chính giữa sàn. Nếu có nhiều người trong thang máy, hãy ngồi ở tư thế bó gối. Việc này nhằm để giảm chấn động cơ thể ở mức thấp nhất” - vị lãnh đạo này chia sẻ.
Để tránh trường hợp mắc kẹt thang máy, ông nhấn mạnh cần lắp đúng chuẩn, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thang máy định kỳ để phát hiện lỗi kịp thời, tránh xảy ra sự cố. Ban quản lý tòa nhà, quản lý thang máy cần hướng dẫn cho lực lượng tại chỗ những kiến thức căn bản, những kỹ năng, phương tiện cần thiết.
Quan trọng không kém là người dân cần tuân thủ nguyên tắc nội dung sử dụng thang máy (thường được dán ngay trong thang máy mỗi tòa nhà), nắm được những kiến thức tối thiểu nếu thang máy không may xảy ra sự cố, không vào thang máy quá số lượng người quy định…
21 người mắc kẹt thang máy ở tòa nhà văn phòng cao cấp quận 1
Rạng sáng 5-6, Đội Cảnh sát PCCC Công an quận 1 nhận được tin báo yêu cầu cứu hộ, cứu nạn xảy ra tại Công ty TNHH Ngôi Nhà Đức (33 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1).
Tin báo cho biết có hàng chục người mắc kẹt trong thang máy ở tòa nhà được đánh giá là hạng A+ tiên tiến nhất TP.HCM.
Sau đó, cảnh sát PCCC có mặt, tiếp cận những nạn nhân mắc kẹt. Vị trí mắc kẹt là tại thang máy giữa lầu hai và lầu ba. Các nạn nhân hoảng loạn vì chôn chân trong thang máy đã 20 phút.
Cảnh sát dùng máy banh thủy lực phá cửa thang máy, đưa các nạn nhân ra ngoài sau khoảng một phút tiếp cận.
Nhiều nạn nhân được đưa ra ngoài trong trạng thái choáng. Họ hoảng loạn và đi không vững vì chấn động tâm lý. Tình huống được đánh giá là nguy hiểm vì thời gian mắc kẹt lâu, số người mắc kẹt đông.
21 người được giải cứu an toàn trong thời gian ngắn nhất.
Nguyên nhân sự cố đang được điều tra.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/3-nguyen-tac-vang-can-nho-khi-bi-ket-thang-may-838443.html