'3 tại chỗ' - những điểm khó với doanh nghiệp
TP. Phan Thiết áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 2/8 thì ngày 4/8, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu, những đơn vị được phép tiếp tục hoạt động đã có những quyết định riêng.
New Page 1
Nơi tiếp tục, nơi dừng
Trước ngày TP. Phan Thiết ban hành Phương án về đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 1 tuần thì Công ty TNHH Hải Nam đã chuẩn bị phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Lúc đó, công ty hỏi ý kiến của gần 2.000 công nhân thì khoảng 50% tự nguyện: Sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Biết là rất khó, khi phải xa gia đình nhưng thực tế, ai cũng thấy khuôn viên của công ty rộng đến 5-6 ha, thoáng đãng lại tiện nghi, vì các phân xưởng chế biến các sản phẩm hải sản được bố trí ở các vị trí phù hợp, có sẵn nhà ăn, nhà nghỉ trưa, có sân bóng, cầu lông… nên nếu ở lại thêm buổi tối thì cũng không có gì trở ngại lớn. Với quân số còn 1 nửa, công ty chia nhỏ lực lượng ra, phân mỗi xưởng khoảng 150 – 200 người, đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế. Và ngày 4/8, công ty bước vào ngày làm việc đầu tiên theo phương án “3 tại chỗ” với những thận trọng ban đầu. Nhờ sự hỗ trợ của Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh, các công nhân của nhà máy đã được test nhanh Covid trước khi bước vào môi trường sản xuất sạch hoàn toàn.
Trong khi đó, cũng ngày 4/8, Công ty cổ phần may xuất khẩu Phan Thiết chính thức dừng hoạt động, chờ TP.Phan Thiết hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sẽ bắt đầu lại. Vì công nhân đều ở trong thành phố Phan Thiết nhưng không thể ra đường đến xưởng được. Trong khi công ty lại không thể tổ chức hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, dù trước đó đã chuẩn bị các bước cụ thể. Tuy nhiên, sau khi phân tích hết mọi khía cạnh, ban giám đốc nhận thấy không thể sắp xếp chỗ giặt giũ vệ sinh, chỗ ngủ nghỉ cho 750 công nhân cả nam lẫn nữ theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế nên không dám triển khai.
May xuất khẩu ở Công ty may Thuận Tiến (ảnh tư liệu). Ảnh Ngọc Lân
Cùng tính chất hoạt động may mặc, cùng điều kiện hạ tầng cho “3 tại chỗ” không bảo đảm, Công ty TNHH may Thuận Tiến nằm trong Khu công nghiệp Phan Thiết nhưng lại thuộc xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc nên ngày 4/8 đã cho 400 công nhân ở TP.Phan Thiết nghỉ làm. Còn công nhân ở địa bàn Hàm Thuận Bắc không vướng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì vẫn có thể đến nhà máy nên các dây chuyền này vẫn hoạt động. Đây được xem là hy vọng của công ty để góp phần thực hiện các đơn hàng cho các đối tác.
Nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng
Quyết định dừng hoạt động nhà máy, ông Huỳnh Văn Nghi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần may xuất khẩu Phan Thiết cho rằng mọi chuyện liên quan đến đơn hàng không thể kịp tiến độ nên rất lo việc bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian tới. “Nếu cung ứng không kịp thời hạn như đã ký trong hợp đồng thì khách hàng sẽ bỏ qua mình mà tìm đến công ty khác có hàng. Sau đó, có thể cũng mất luôn thị trường đó. Biết thiệt hại là vậy nhưng nếu tiếp tục sản xuất, không khéo lại tạo ra ổ dịch như tình trạng ở một số doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trong những ngày qua. Kiểu nào doanh nghiệp cũng thiệt hại nặng”- ông Nghi nói.
Còn theo tính toán của ông Nguyễn Thanh Diệp, Giám đốc Công ty TNHH may Thuận Tiến, với lượng công nhân còn lại của công ty ở huyện Hàm Thuận Bắc không thể đáp ứng được các đơn hàng phải giao cho công ty mẹ trong thời gian tới nhưng có vẫn hơn là dừng. Đã giảm đến 400 công nhân nên nhà máy bảo đảm được các yêu cầu trong phòng chống dịch, nhất là giữ khoảng cách. Ông Diệp cho biết, ngày 4/8, bên Công ty Thuận Tiến đã họp trực tuyến với công ty mẹ, nắm tình hình các đơn hàng với đối tác bên châu Âu. Nếu không kịp tiến độ thì khách hàng có thể sẽ chuyển đơn hàng đến các công ty khác ở Trung Quốc hoặc Panlades. Vì vậy, ông mong ước giãn cách xã hội tại TP. Phan Thiết dừng ở 14 ngày. Sau đó, nhà máy đi vào hoạt động trong điều kiện bình thường, chắc phải tăng ca liên tục thì mới mong hoàn tất các đơn hàng. “Nếu được vậy, phải sắp xếp vận chuyển hàng bằng máy bay thay vì đi tàu biển như lâu nay thì may còn kịp thời gian đã ký với khách hàng. Dù chi phí tăng cao nhưng vậy còn hơn bị phạt hợp đồng do vi phạm hợp đồng theo Luật Quốc tế và còn mất thị trường”- ông Diệp hy vọng.
Là tạm thời thì được
Đó là điều ông Nguyễn Tất Thạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam tình thiệt khi nói đến việc duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” mà công ty đang khởi động. Sản phẩm của công ty là hàng thiết yếu và nhu cầu của thị trường rất cao nên công ty quyết tâm thực hiện “3 tại chỗ”. Trước hết, vì phải cung cấp hàng hóa cho các khách hàng theo kế hoạch, giải quyết tồn đọng hàng và tiếp nữa, giúp công nhân có việc làm và được làm việc trong môi trường sạch.
Tuy nhiên, ông Thạnh cũng băn khoăn: “Tính ra chi phí tăng cao gấp đôi, còn giá bán sản phẩm không thể tăng khi mà mọi hợp đồng đã được ký từ đầu năm. Đó là vấn đề lớn của doanh nghiệp nên chỉ áp dụng tạm thời, tức 14 ngày thì được. Còn nếu kéo dài như tình hình ở một số tỉnh, thành khác thì công ty khó có thể tiếp tục”.
Công ty có tiềm lực mạnh như Hải Nam nhưng đã lo ngại như thế. Nên cũng dễ hiểu vì sao, nhiều doanh nghiệp ở TP.Phan Thiết đăng ký hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” đều hy vọng trong 14 ngày giãn cách. Nếu kéo dài thì doanh nghiệp không còn nguồn lực để tiếp tục. Đây cũng là thực tế đã diễn ra tại các tỉnh, thành phía Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh, khi giãn cách lần 1, lần 2… kéo dài cả tháng, các doanh nghiệp triển khai “3 tại chỗ” vốn nhộn nhịp ban đầu đã lần lượt dừng hoạt động, vì không đủ sức, vì có F0. Thực ra, “3 tại chỗ” có đem lại kết quả khả quan ở một số tỉnh phía Bắc nhưng khi phân tích ra thì đều có sự hỗ trợ, giúp sức từ chính quyền các tỉnh trong các khâu cần thiết cho doanh nghiệp. Điều các doanh nghiệp đang quan tâm từ mô hình mới xuất hiện ở TP. Hồ Chí Minh là TP. Thủ Đức xây dựng lực lượng bảo vệ những vùng không có ca F0 hoặc đã sạch F0 liên tục trong vòng 7 ngày trở lên. Từ đây suy ra TP. Phan Thiết cũng có nhiều vùng xanh, vì không có ca F0 nên các công ty mong đó là căn cứ để sàn lọc, tuyển lựa công nhân để nhà máy được hoạt động bình thường, nhằm tránh đứt gãy sản xuất. Rồi tiếp đó mới tiếp cận vắcxin cho công nhân, bảo đảm cho sản xuất lâu dài...
“3 tại chỗ” là doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ, trong thời điểm nâng cao việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid- 19. Khi tình hình dịch được kiểm soát và ổn định thì không thực hiện phương án này.
Bích Nghị