3 tài xế 'dính' nồng độ cồn vượt ngưỡng vì món ăn quen thuộc, nhiều người bất ngờ
ẤN ĐỘ - 3 tài xế xe buýt của Tổng công ty Vận tải đường bộ bang Kerala (KSRTC) 'suýt' chút nữa dính án phạt vì nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép.
Tờ India Today hôm 23/7 đưa tin, trong lần kiểm tra nồng độ cồn mỗi sáng theo quy định của công ty tại bến xe Pandalam, quận Pathanamthitta, 3 tài xế KSRTC vô cùng sửng sốt khi thấy nồng độ cồn trong máu của họ cao hơn mức cho phép.

Ảnh minh họa: NewsX
Họ khẳng định bản thân không hề đụng đến 1 giọt rượu hay bia nào. Một tài xế trong nhóm sau đó nghi ngờ nguyên nhân bắt nguồn từ quả mít chín mà họ vừa ăn do một đồng nghiệp mang từ quê lên.
Để kiểm chứng, đại diện KSRTC đã yêu cầu một tài xế khác ăn thử một vài miếng mít trên. Không lâu sau, chỉ số trong máy đo lập tức tăng vượt mức quy định.
Theo các nhà khoa học, mít chín có chứa đường fructose. Khi mít để lâu hoặc quá chín, quá trình lên men tự nhiên có thể xảy ra, chuyển hóa một phần đường thành ethanol (rượu) – tương tự như quá trình sản xuất rượu vang hay bia.
Sau khi ăn mít, một phần ethanol có thể tạm thời tồn tại trong khoang miệng hoặc được hấp thụ vào máu, khiến máy đo phát hiện ra lượng cồn nhỏ, dù người đó không hề uống rượu bia.
Hiện tượng này cũng có thể xảy ra với một số loại quả khác như sầu riêng, xoài, chuối chín, vải thiều,... hay cả khi dùng nước súc miệng có chứa cồn.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị nên súc miệng kỹ và chờ vài phút trước khi kiểm tra nồng độ cồn nếu đối tượng vừa ăn một loại quả ngọt chín hoặc dùng nước súc miệng có cồn.