3 thách thức ngăn cản Nga và Ukraine tạo bước đột phá lớn trên chiến trường
Cả quân đội Nga và Ukraine đều có thế mạnh và hạn chế riêng trong cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua, nhưng các lực lượng của hai nước đều đối mặt với những thách thức chung khi giao tranh tiếp diễn vào mùa Xuân.
Phát biểu với Newsweek, giáo sư Mark N. Katz, Trường Chính sách và Chính phủ của Đại học George Mason cho rằng: “Cuộc xung đột đã đạt đến giai đoạn đỉnh điểm khi cả hai bên đều đối mặt với nhiều thách thức”. Ông Katz viện dẫn những vấn đề liên quan trên thực địa cũng như sự hỗ trợ về chính trị.
Số lượng binh sỹ thương vong quá lớn
Sau khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, giao tranh giữa hai bên vẫn tiếp diễn đến thời điểm hiện tại. Cả Nga và Ukraine đã phải chịu thiệt hại đáng kể về nhân lực và vũ khí. Cuộc xung đột đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đến mức chưa bên nào có thể khởi động điều mà các nhà phân tích dự đoán là một cuộc tấn công lớn vào mùa xuân năm nay.
Guy D McCardle, tổng biên tập trang web SOFREP chuyên về các chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm của Mỹ cho rằng: “Một điểm chung giữa hai bên ở thời điểm này là số binh sỹ thương vong quá lớn”.
Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết sẽ ảnh hưởng đến quân đội của Nga và Ukraine vì hiện tượng băng tan trong mùa xuân, còn được gọi là “Rasputitsa” hay “Tướng Bùn” sẽ khiến mặt đất trở nên lầy lội, do đó việc di chuyển xe bọc thép rất khó khăn. Bên cạnh đó, rất khó để kéo những máy móc hạng nặng bị mắc kẹt trong lớp bùn dày.
Ngoài bùn lầy, xe bọc thép còn đối mặt với những thách thức khác. Ông McCardle lưu ý, Nga sẽ thiếu phụ tùng để sửa chữa thiết giáp nếu xung đột kéo dài do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, còn với Ukraine, khi những phương tiện chiến đấu mà phương Tây cung cấp cho nước này bị hỏng, họ sẽ gặp khó khăn khi đưa chúng ra khỏi đất nước để sửa chữa ở các quốc gia bên ngoài.
Trong khi đó, những xe tăng chiến đấu chủ lực mà phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine, chẳng hạn như xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất hay M1 Abram do Mỹ chế tạo vẫn đang được chuyển giao một cách chậm chạp.
Với những khí tài quân sự mà Ukraine đang sử dụng ở thời điểm hiện tại, rất khó cho họ để thực hiện một cuộc tấn công trực diện nhằm chống lại dàn xe tăng chiến đấu chủ lực hùng hậu của Nga. Chưa kể, phụ tùng thay thế cho các loại vũ khí của Ukraine có từ thời Liên Xô cũng đang trở nên khan hiếm và Ukraine phần lớn phải phụ thuộc vào những gì mà phương Tây cung cấp, nhà phân tích McCardle nhấn mạnh.
Vấn đề trong sản xuất và thay thế vũ khí
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia Mark N. Katz cho rằng, cả Nga lẫn Ukraine đều đối mặt với vấn đề lớn trong việc sản xuất hoặc thay thế những vũ khí bị mất.
“Nga cả Mỹ hay châu Âu – những nước ủng hộ Ukraine cũng đang gặp khó khăn trong sản xuất vũ khí. Họ lo ngại không thể duy trì đủ nguồn cung cấp vũ khí cho nhu cầu của chính họ. Nga cũng đang gặp vấn đề về sản xuất. Chưa kể nước này ngày càng có ít nguồn cung cấp phụ tùng, nguyên vật liệu hơn do lệnh trừng phạt của phương Tây. Hiện các nhà cung cấp vũ khí cho Nga chủ yếu là Iran và Triều Tiên. Nếu Trung Quốc quyết định xuất khẩu vũ khí sang Nga thì điều này có thể tạo ra sự khác biệt lớn, nhưng Bắc Kinh vẫn ngần ngại vì lo lắng hậu quả nghiêm trọng mà họ không muốn xảy ra”.
Giáo sư khoa học chính trị William Reno tại Đại học Northwestern, cho rằng, tỷ lệ thương vong cao đã làm giảm sức chiến đấu của quân đội hai nước. “Tổn thất đối với Nga khá lớn và điều này đã cản trở họ tạo ra bước đột phá dọc theo chiến tuyến. Trong khi tỷ lệ thương vong của Ukraine cũng khá cao. Không rõ bên nào giành được nhiều lợi thế hơn, nhưng rõ ràng một cuộc xung đột tiêu hao sẽ không có lợi cho Ukraine. Nga vẫn có thể triển khai thêm nhiều binh sỹ tham gia các cuộc giao tranh”.
Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Hoh nói với Newsweek rằng, quân đội hai nước có lẽ "đã mất rất nhiều sĩ quan và chỉ huy, trong đó có cả những chỉ huy cấp cao. Đây là những người có vai trò rất quan trọng và cũng có rất nhiều kinh nghiệm trên chiến trường”.
Duy trì sự ủng hộ
Ngoài những thách thức trên, ông Matthew Hoh nhận định, việc duy trì sự ủng hộ về mặt chính trị và sự ủng hộ của công chúng cũng đặt ra trở ngại lớn đối với cả hai nước. “Thách thức của Nga là làm sao để duy trì sự ủng hộ của người dân trong nước đối với chiến dịch quân sự đặc biệt, cũng như ngăn các quốc gia khác hỗ trợ Ukraine, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là đối tác thương mại lớn của Nga”.
Theo ông Matthew Hoh, Ukraine cũng có chung thách thức này. “Kiev cần phải duy trì sự ủng hộ của phương Tây dành cho họ. Trước đó, kế hoạch viện trợ lâu dài cho Ukraine đã làm dấy lên những tranh cãi gay gắt ở Quốc hội Mỹ, tác động đến chiến dịch tranh cử tổng thống tại nước này và gây ra sự chia rẽ giữa các nước châu Âu”.
Một số cuộc thăm dò dư luận được thực hiện trong thời gian gần đây cho thấy, sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với việc hỗ trợ cho Ukraine đang có xu hướng giảm dần. “Chính phủ Ukraine phải chạy đua với thời gian bởi sự trợ giúp của phương Tây không phải là không có giới hạn”.
Trong khi đó, tính toán của Nga có phần khác biệt. Tổng thống Putin dường như đặt cược rằng Nga quan tâm đến việc giành chiến thắng ở Ukraine nhiều hơn là phương Tây quan tâm đến Kiev, ông Matthew Hoh lưu ý./.