3 thời điểm không nên tắm nếu không muốn đột quỵ, mất mạng, nhất là khi giao mùa trở lạnh

Với các tình trạng sức khỏe liên quan tới tim mạch như cao huyết áp thì nắm rõ thời điểm không nên tắm rất quan trọng, nhất là khi thời tiết đang giao mùa. Vậy đâu là thời điểm không nên tắm?

Tắm như thế nào để không bị đột quỵ, bị cao huyết áp có tắm nước lạnh hay nước nóng được không, thời điểm không nên tắm là gì... là rất nhiều băn khoăn liên quan tới thói quen vệ sinh cá nhân này.

Thời điểm không nên tắm để phòng ngừa đột quỵ, đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh

Thời điểm tắm không phù hợp là một trong nhiều nguyên nhân góp phần tăng nguy cơ đột quỵ. Một nghiên cứu được công bố bởi Học viện Tim mạch Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng người bệnh tăng huyết áp bước ra khỏi phòng tắm ấm áp có xu hướng tăng huyết áp trung bình cao hơn khoảng 15 mmHg so với mùa nóng. Huyết áp tăng đáng kể có liên quan chặt chẽ đến sự xuất hiện của cơn nhồi máu não.

Dưới đây là thời điểm không nên tắm, nhất là với người bị cao huyết áp, giúp phòng ngừa đột quỵ mà bạn có thể tham khảo:

1. Không nên tắm khi vừa ngủ dậy

Nhiều người cho rằng việc tắm vào sáng sớm, ngay khi vừa ngủ dậy sẽ giúp cơ thể loại bỏ mồ hôi, tế bào chết tích tụ trên da sau một đêm ngủ dài cũng như giúp cải thiện tâm trạng và nhanh chóng tỉnh táo hơn.

Bị cao huyết áp hay bệnh tim mạch không nên tắm khi vừa ngủ dậy (Ảnh: ST)

Bị cao huyết áp hay bệnh tim mạch không nên tắm khi vừa ngủ dậy (Ảnh: ST)

Tuy nhiên, đối với người mắc các bệnh lý tiềm ẩn như tăng huyết áp thì thời điểm từ 6 - 10 giờ sáng hàng ngày là thời gian huyết áp có thể tăng đạt đỉnh và việc tắm vào thời điểm này có thể khiến mao mạch giãn ra, huyết áp giảm mạnh, dễ dẫn đến thiếu máu cục bộ tim, từ đó tăng nguy cơ đột quỵ hay nhồi máu não.

Còn theo Đông y Trung Quốc, buổi sáng là thời điểm sinh dương khí, tắm buổi sáng ngay khi vừa ngủ dậy dễ làm tổn thương dương khí và ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Nhất là vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ buổi sáng thường thấp hơn, nếu tắm buổi sáng sớm dễ gây ra các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, nghiêm trọng hơn cả là đột quỵ.

2. Không tắm sau 10 giờ tối

Bên cạnh thời điểm không nên tắm là vào sáng sớm thì một thời điểm không nên tắm khác là tắm sau 10 giờ tối. Tắm sau 10 giờ tối hay còn gọi là tắm đêm đã được chứng minh có liên quan chặt chẽ với nguy cơ đột quỵ. Tắm đêm gây đột quỵ, đặc biệt là khi tắm nước lạnh ảnh hưởng tới những người có thể trạng nhạy cảm với sự thay đổi tuần hoàn máu.

Tắm đêm có thể khiến cơ thể bị thay đổi nhiệt độ nhanh chóng, khiến cơ thể phải điều chỉnh bằng cách co hoặc giãn mạch máu để giữ hoặc thoát nhiệt dễ gây ra tình trạng mạch máu co thắt đột ngột, đau đầu, mỏi vai gáy và làm tăng huyết áp hay ảnh hưởng tới các bệnh lý như tim mạch vành. Từ đó gây ra đột quỵ hay nhồi máu não.

Tắm sau 10 giờ tối hay còn gọi là tắm đêm đã được chứng minh có liên quan chặt chẽ với nguy cơ đột quỵ (Ảnh: ST)

Tắm sau 10 giờ tối hay còn gọi là tắm đêm đã được chứng minh có liên quan chặt chẽ với nguy cơ đột quỵ (Ảnh: ST)

Việc gội đầu vào đêm khuya cũng sẽ khiến các dây thần kinh bị co lại. Khi mạch máu bị tắc nghẽn sẽ không cung cấp đủ máu cho các dây thần kinh mặt, dễ dẫn đến tình trạng liệt mặt và méo miệng.

Đặc biệt, không nên đi ngủ ngay sau khi tắm. Chỉ nên ngủ sau khi tắm từ 1 đến 2 giờ và lau khô cơ thể cũng như tóc khô trước khi ngủ.

3. Thời điểm không nên tắm là khi quá no hoặc đang đói

Đầu tiên, thời điểm không nên tắm là sau khi ăn no do sau khi ăn lưu lượng máu sẽ có xu hướng tăng lên ở các cơ quan tiêu hóa, giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng thuận lợi hơn. Lúc này, nếu bạn tắm sau khi ăn có thể khiến lưu lượng máu của cơ thể bị "bối rối" do việc tắm khiến da và mạch máu bị kích thích và mở rộng hơn, dẫn tới lưu lượng máu tăng lên, nhịp tim cũng tăng đồng thời cản trở quá trình lưu thông máu tới cơ quan tiêu hóa.

Đặc biệt với những người đang có sẵn các bệnh lý tim mạch thì gội đầu ngay sau ăn có thể gây thiếu máu cục bộ tim, từ đó gây các bệnh tim mạch và mạch máu não nghiêm trọng chẳng hạn như đột quỵ.

Tốt nhất chỉ nên tắm sau khi ăn xong ít nhất 30 - 40 phút hoặc tốt nhất là khoảng 1 giờ để không ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa.

Tốt nhất chỉ nên tắm sau khi ăn xong ít nhất 30 - 40 phút hoặc tốt nhất là khoảng 1 giờ để không ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa (Ảnh: ST)

Tốt nhất chỉ nên tắm sau khi ăn xong ít nhất 30 - 40 phút hoặc tốt nhất là khoảng 1 giờ để không ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa (Ảnh: ST)

Một thời điểm không nên tắm khác chính là tắm khi bụng đói. Nếu bạn tắm khi bụng đói, môi trường ngột ngạt trong phòng tắm có thể gây tiêu hao năng lượng của cơ thể, nhiệt độ cao hơn sẽ đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, khiến cảm giác đói rõ rệt hơn, thậm chí khiến bạn chóng mặt, đau đầu và ngất xỉu do lượng đường trong máu đang thấp, ảnh hưởng tới huyết áp.

Nhìn chung, với người lớn tuổi hay người mắc các bệnh lý như cao huyết áp thì thời điểm tắm thích hợp là từ 10 giờ sáng tới 12 giờ trưa hoặc từ 3 giờ chiều tới 5 giờ chiều. Tùy thuộc vào thể trạng, nhiệt độ môi trường, đặc biệt là những ngày mưa gió, thời tiết chuyển lạnh thì thời gian tắm cũng cần điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài 3 thời điểm không nên tắm kể trên thì để phòng ngừa đột quỵ, mọi người cũng không nên tắm gội ngay sau khi uống rượu bia, nhất là khi uống quá nhiều do rượu bia có thể gây mất nước nghiêm trọng nếu không được bù đủ kịp thời đồng thời, gây ra các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, làm tăng rủi ro chấn thương khi tắm gội. Tắm sau khi uống bia rượu cũng sẽ khiến các mạch máu đang giãn nở có nguy cơ bị vỡ và gây ra đột quỵ.

Hơn nữa, nếu tắm nước nóng sau khi uống rượu bia có thể khiến nhiệt độ tích tụ thêm, tăng cảm giác say. Ngược lại, tắm nước lạnh sau khi uống rượu lại khiến lượng đường glucose trong cơ thể tiêu hao nhanh khiến cảm giác hoa mắt tăng lên và tăng nguy cơ cảm lạnh.

Nguồn: Tổng hợp

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/3-thoi-diem-khong-nen-tam-neu-khong-muon-dot-quy-mat-mang-nhat-la-khi-giao-mua-tro-lanh-20241007113246262.htm