3 tình huống pháp lý trong vụ CLB Bình Dương trừ lương cầu thủ

Theo luật sư, cần làm rõ 2 vấn đề mấu chốt là Tấn Lộc đã đi nghĩa vụ quân sự chưa và CLB có biết việc cầu thủ này đi nghĩa vụ quân sự hay không.

Tối 15/11, trung vệ Đào Tấn Lộc (CLB Bình Dương) chia sẻ trong giai đoạn 15/2 - 10/3, anh thực hiện nghĩa vụ quân sự theo dạng dự bị. Khi quay lại, anh phát hiện bị đội bóng chủ quản trừ 80% lương từ tháng 4 và đẩy xuống tập cùng đội U13. Còn CLB Bình Dương cho rằng Tấn Lộc rời đội không phép và đưa ra án phạt này.

Ngày 2/11, VFF ra quyết định yêu cầu CLB Bình Dương phải hủy quyết định kỷ luật và trả đủ tiền lương theo hợp đồng cùng khoản tiền lãi của số tiền lương trả thiếu cho cầu thủ. Tới sáng 16/11, Chủ tịch CLB Bình Dương cho biết đã làm đơn khiếu nại quyết định này.

Theo lãnh đạo đội bóng, Tấn Lộc bị trừ lương vì vi phạm quy chế CLB, không phải vì đi nghĩa vụ quân sự. Vị lãnh đạo cho biết cầu thủ 24 tuổi nghỉ tập không lý do từ 7/2 đến 15/3. Làm việc với lãnh đạo đội, Lộc thừa nhận do không được đi tập huấn nên đã tự ý rời CLB.

Trường hợp này, những tình huống pháp lý nào có thể xảy ra?

 Trung vệ Đào Tấn Lộc. Ảnh: NVCC.

Trung vệ Đào Tấn Lộc. Ảnh: NVCC.

Theo dõi sự việc, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho biết Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và Bộ luật Lao động 2019 đều có quy định về việc cầu thủ bóng đá được tạm hoãn hợp đồng lao động để thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Cụ thể, Điều 25 Quy chế quy định cầu thủ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật. CLB, đội bóng có trách nhiệm tạo điều kiện để cầu thủ thực hiện nghĩa vụ quân sự kể cả khi hợp đồng ký giữa cầu thủ với câu lạc bộ, đội bóng còn hiệu lực. Trong khi, Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 quy định việc người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ dân quân tự vệ thì được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

"Nếu thuộc một trong các trường hợp trên, hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ được đương nhiên tạm hoãn thực hiện, bất chấp ý chí của người sử dụng lao động. Hết thời hạn tạm hoãn, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động 2019. Trong thời hạn 15 ngày từ ngày hết thời hạn tạm hoãn, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở nếu hợp đồng lao động còn thời hạn", ông Giáp phân tích.

Từ các căn cứ nêu trên, luật sư nhìn nhận có thể xảy ra 3 tình huống như sau:

Thứ nhất, cầu thủ đi nghĩa vụ quân sự, đội bóng biết nhưng vẫn xử phạt. Khi đó, CLB Bình Dương đã sai khi trừ lương cầu thủ bởi đây là trường hợp cầu thủ chỉ tạm nghỉ việc do bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự chứ không phải tự ý nghỉ việc vì chuyện cá nhân, không vi phạm quy định về nghĩa vụ của người lao động theo Bộ luật Lao động.

Thứ hai, cầu thủ phải đi nghĩa vụ quân sự nhưng tự ý rời đội, không thông báo với đội bóng. Đây vẫn là trường hợp cầu thủ được tạm hoãn thực hiện hợp đồng, không vi phạm quy định tại Bộ luật Lao động 2019 cũng như Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, việc cầu thủ rời đội mà không thông báo đã vi phạm kỷ luật đội bóng. Khi đó, cầu thủ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy chế đội.

Thứ ba, cầu thủ không đi nghĩa vụ quân sự nhưng rời đội vì vấn đề cá nhân. Đây là hành vi vi phạm kỷ luật lao động, đội bóng chủ quản có quyền xử lý kỷ luật lao động với cầu thủ vi phạm theo trình tự thủ tục xử lý kỷ luật lao động tại Điều 122 Bộ Luật Lao động 2019.

Cũng theo luật sư Giáp, nếu cầu thủ vi phạm kỷ luật lao động nhưng đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của đội bóng thì còn có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc thậm chí hình sự, tùy thuộc mức độ và tính chất của hành vi đó.

Hoàng Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/3-tinh-huong-phap-ly-trong-vu-clb-binh-duong-tru-luong-cau-thu-post1375760.html