3 trường hợp được ban hành văn bản rút gọn

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) quy định ba trường hợp được ban hành văn bản rút gọn.

Ngày 16-10, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Theo đó, ngày 18-6 vừa qua, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua luật này và ngày 1-7, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

Bổ sung, sửa đổi nhiều điểm mới

Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật so với luật năm 2015. Cụ thể, luật đã sửa đổi, bổ sung sáu điều, trong đó bổ sung nội dung thẩm định, thẩm tra phải bảo đảm: Sự phù hợp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Luật đã bổ sung và làm rõ quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Hiện nay, việc phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL của Mặt trận được thực hiện theo Luật MTTQ Việt Nam và Nghị quyết liên tịch số 403/2017. Tuy nhiên, việc phản biện của cơ quan này đối với dự thảo VBQPPL chưa được quy định trong Luật Ban hành VBQPPL.

Đặc biệt, luật sửa đổi đã bổ sung hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Lý do là Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 chưa quy định hình thức này nhưng trên thực tế đã phát sinh việc ban hành nghị quyết liên tịch.

Theo Bộ Tư pháp, luật còn bổ sung hình thức thông tư liên tịch giữa chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Theo quy định tại BLTTHS, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Phòng, chống tham nhũng thì Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm phối hợp khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu của tội phạm. Cơ quan này phối hợp khi chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan và kiến nghị xem xét, khởi tố vụ án hình sự.

Tuy nhiên, theo Luật Ban hành VBQPPL cũ thì tổng Kiểm toán Nhà nước không có thẩm quyền liên tịch ban hành thông tư. Vì thế, việc phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan gặp nhiều khó khăn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng nói chung và vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước nói riêng.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến ở điểm cầu tại TP.HCM. Ảnh: NGÂN NGA

Quang cảnh hội nghị trực tuyến ở điểm cầu tại TP.HCM. Ảnh: NGÂN NGA

Khi nào ban hành văn bản rút gọn?

Luật Ban hành VBQPPL 2015 đã quy định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Thời gian qua đã phát sinh một số trường hợp cần phải ban hành ngay văn bản để xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đó là trường hợp ban hành văn bản để bãi bỏ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp; kéo dài thời gian thực hiện văn bản. Ngoài ra, cần ban hành thông tư để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn như điều chỉnh giá xăng dầu, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy...

Để khắc phục, luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung Điều 146, theo đó bổ sung ba trường hợp được xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thứ nhất là bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Thứ hai là kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Thứ ba là ban hành ngay VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo Bộ Tư pháp, một vấn đề rất mới trong thủ tục rút gọn là ở trung ương hiện nay, đối với thông tư cho phép áp dụng thủ tục rút gọn, thông tư của bộ trưởng cho phép thủ tục rút gọn nhưng có sự kiểm soát.

Đối với thông tư mà quy định về những văn bản quy định vấn đề giải quyết phát sinh từ thực tiễn ở khoản 1 Điều 46 thì phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Trước khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ thì phải có ý kiến Bộ Tư pháp, đây là điểm mới.

Khuyết chủ tịch, việc ký ra sao?

Quá trình sửa đổi Nghị định số 34/2016 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL) đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, bổ sung một số tình huống như trường hợp HĐND, UBND mà khuyết chức danh chủ tịch thì việc ký như thế nào?

Ví dụ, đối với UBND thì chủ tịch ký chứng thực, tuy nhiên trong nghị quyết Văn phòng Chủ tịch Quốc hội hướng dẫn HĐND các cấp thì cũng có quy định trường hợp nào phó chủ tịch ký thực hiện theo quyền của chủ tịch. Cũng có trường hợp còn đang vướng, đặc biệt có trường hợp là VBQPPL.

Chẳng hạn, hiện nay chúng tôi đang khuyết chức danh chủ tịch HĐND tỉnh hay cũng có thời điểm khuyết chức danh chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, lại không có văn bản giao quyền của Thủ tướng Chính phủ cho một người thực hiện quyền của chủ tịch UBND tỉnh, vậy phó chủ tịch sẽ ký như thế nào?

Một đại diện của tỉnh Tuyên Quangtrao đổi tại hội nghị

NGÂN NGA

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/3-truong-hop-duoc-ban-hanh-van-ban-rut-gon-944460.html