3 tuần chiến dịch quân sự ở Ukraine: Cực kì căng thẳng - Quân Nga giờ ra sao?
Sau 3 tuần thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, quân đội Nga đang chiếm ưu thế, nhưng cũng phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Việc tiến công các đô thị là một thử thách.
"Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Tổng thống Putin
Ngày 24/02/2022 đã đi vào lịch sử thế giới với một sự kiện quan trọng: Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thực hiện cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.
Bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Điện Kremlin khẳng định không muốn chiếm đóng Ukraine, nhưng sẽ hành động để bảo vệ người dân ở hai nước Cộng hòa ly khai tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR), đồng thời sẽ "phi quân sự hóa Ukraine", và "phi phát xít hóa quân đội Ukraine".
Cùng với tuyên bố của Tổng thống Putin, các lực lượng vũ trang Nga đã đồng loạt tiến vào Ukraine từ nhiều hướng. Đồng thời Nga đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào các mục tiêu quân sự quan trọng ở Ukraine.
Như vậy là sau nhiều năm leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine, mà thực chất là giữa Nga và khối NATO do Mỹ đứng đầu, Điện Kremlin đã chọn cách dùng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề. Đây là điều gây bất ngờ, ngay cả với những nhà nghiên cứu chính trị lão luyện.
Với lí do tiến hành tập trận, Nga đã tập trung lực lượng quân sự đông đảo ở biên giới với Ukraine, và cả ở Belarus, để bất ngờ phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.
Qui mô sử dụng lực lượng của phía Nga là rất lớn, có thể lên đến khoảng 100.000 đến 150.000 quân (dựa trên ước tính của tình báo phương tây về binh lực của Nga hiện diện ở khu vực biên giới với Ukraine cuối tháng 02/2022).
Con số này nhiều hơn cả quân số tham gia các cuộc chiến tranh Chechnya hay "cuộc chiến 8 ngày" ở Nam Ossetia năm 2008. Có thể dự đoán đây là một trong những hành động quân sự lớn nhất của nước Nga thời hậu Xô viết.
Lính dù Nga đổ bộ: Lưỡi dao dí vào mạng sườn Kiev
Một sự kiện gây chấn động toàn thế giới ngay trong những ngày đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt, đó là việc lực lượng đổ bộ đường không Nga (VDV) đã dùng 200 lần chiếc trực thăng trực thăng đổ bộ lính dù xuống sân bay Antonov (còn gọi là sân bay Gostomel), nằm cách Kiev chỉ 25km về phía tây bắc.
Cuộc đổ bộ này của Nga đã uy hiếp nghiêm trọng thủ đô Kiev của Ukraine ngay từ những giờ đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt, gây ra sự hỗn loạn lớn. Một nhóm phóng viên kênh truyền hình CNN (Mỹ) đã ghi lại được hình ảnh lính dù Nga triển khai tác chiến ở sân bay, và truyền đi khắp thế giới.
Lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Vệ binh quốc gia Ukraine đã tổ chức phản công tái chiếm sân bay, sử dụng nhiều loại hỏa lực mạnh để cố gắng đánh bật lính dù Nga khỏi trận địa. Tuy nhiên, những nỗ lực này không thành công.
Liên tiếp những ngày sau đó, phía Nga sử dụng nhiều lượt máy bay trực thăng (có thông tin cho hay đã xuất kích 200 chiếc) để đổ bộ thêm nhiều lính dù xuống khu vực sân bay Antonov.
Tận dụng thời cơ phòng không - không quân Ukraine bị chế áp mạnh, phía Nga đã chuyển quân bằng trực thăng qua hành lang đại hồ Kiev. Con đường chuyển quân này đảm bảo bí mật, đồng thời hạn chế được các loại hỏa lực phòng không tầm ngắn của Ukraine bắn vào các trực thăng.
Yểm trợ cho các trực thăng Mi-8AMTSh chở quân là các trực thăng vũ trang Ka-52 "cá sấu bay".
Lính dù Nga đánh chiếm sân bay Antonov (Ukraine) ngay trước ống kính của CNN
Theo thông tin được công khai sau này, những đơn vị thuộc hàng "tinh hoa" nhất của lực lượng đổ bộ đường không Nga (VDV) đã được huy động vào việc chiếm sân bay Antonov: Đó là Lữ đoàn đặc nhiệm dù 45 và Lữ đoàn đột kích đường không 31.
Sau khi được tăng cường lực lượng, lính dù Nga ở sân bay Antonov đã phát triển rộng, tạo thành một bàn đạp nguy hiểm ở tây bắc Kiev, bắt tay với xe tăng và bộ binh cơ giới của Nga từ hướng Belarus tiến sang.
Trên hướng bắc, từ lãnh thổ của Belarus, các lực lượng quân sự Nga đã tiến song song hai hướng ở tả ngạn và hữu ngạn đại hồ Kiev, để phong tỏa hai nửa của thủ đô Ukraine.
Ngoài ra, nhiều thành phố lớn trên hướng bắc như Chernihiv và Sumy cũng bị quân đội Nga phong tỏa chặt chẽ. Phía Nga kiểm soát thành công nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Ngày 28/02/2022, hãng Maxar Technologies công bố hình ảnh vệ tinh gây sốc: Đoàn quân xa khổng lồ của Nga gồm nhiều loại xe tăng, xe bọc thép, xe tải chở quân, v.v… kéo dài 64km, từ biên giới Belarus kéo về đến sát thủ đô Kiev.
Việc một đoàn quân xa lớn của Nga hành quân giữa ban ngày ở ngay sát thủ đô của Ukraine đã gây xôn xao trong dư luận. Tuy nhiên, sau khi tập trung lực lượng, quân đội Nga vẫn chưa đánh mạnh vào Kiev, mà chỉ thiên về bao vây, phong tỏa thành phố thủ đô của Ukraine.
Các đoàn xe của Nga bị phục kích: Thiệt hại không nhỏ!
Tuy nhiên, chiến sự ở Ukraine không phải là một cuộc dạo chơi với các quân nhân Nga. Quân đội Ukraine vẫn là một lực lượng vũ trang chính quy, có tổ chức, với quân số lên đến 245.000 người, chưa kể 220.000 quân dự bị, cùng nhiều trang bị khí tài tương đối hiện đại.
Trong các trận chiến trên bộ, đặc biệt là ở các đô thị, các đoàn xe quân sự của Nga thường xuyên bị tập kích.
Mặc dù lực lượng quân sự được Nga huy động vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là khá lớn, nhưng quân số này đang trải ra tác chiến ở nhiều hướng chiến trường, nên thực ra rất mỏng.
Vì vậy, Nga rất thiếu lực lượng hộ tống, bảo vệ các đoàn xe tải hậu cần, các khí tài kĩ thuật (công binh, phòng không, tác chiến điện tử, v.v…) đi sau các mũi tiến công.
Sau đó, việc thiếu thốn hậu cần hay bảo đảm công binh lại ảnh hưởng không nhỏ đến sức chiến đấu của các mũi tiến công.
Không chỉ các đoàn xe tải hậu cần, mà ngay cả các xe tăng và xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân Nga cũng bị tấn công và phải hứng chịu thiệt hại.
Cũng có nhiều trường hợp binh lính Nga phải bỏ xe vì mũi tiến công của họ đã bị cô lập với hậu quân phía sau.
Các nước phương Tây đã viện trợ rộng rãi cho Ukraine các loại tên lửa chống tăng như Javelin hay NLAW, cũng như các loại tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) để chống trực thăng, đe dọa nghiêm trọng đến các cánh quân Nga.
Phía Ukraine đã tuyên bố kèm theo hình ảnh xác thực về nhiều cuộc phục kích tương đối lớn, như cuộc phục kích đoàn xe của lính đổ bộ đường không Nga (VDV) ở Bucha, Irpin, cuộc phục kích đoàn cơ giới Nga ở Brovarsky, ngoại ô Kiev v.v…
Đặc biệt, trên hướng đông, Nga đã triển khai các đơn vị mạnh của Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 1, đó là Sư đoàn xe tăng cận vệ 4 Kantemirovskaya và Sư đoàn bộ binh cơ giới cận vệ 2 Tamanskaya. Đây được coi là những đơn vị "ngự lâm quân" bảo vệ thủ đô Moscow, được huấn luyện kĩ lưỡng và trang bị khá hiện đại.
Tuy nhiên, các đơn vị này đã bị mất nhiều xe cơ giới ở Kharkov, Sumy, Chernihiv, v.v…, trong đó có nhiều xe tăng hiện đại loại T-80 và T-90.
"Ngày thứ Bảy rực lửa" trên bầu trời Ukraine
Khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, chỉ trong hai ngày đầu tiên, ước tính phía Nga đã sử dụng đến 160 tên lửa các loại để bắn phá các mục tiêu quân sự quan trọng của Ukraine, như các sở chỉ huy, trung tâm thông tin liên lạc, sân bay, hệ thống phòng không, kho tàng, điểm tập trung quân v.v…
Đặc biệt, các cơ sở của lực lượng phòng không và không quân Ukraine đã bị tập trung chế áp mạnh. Tuy nhiên, đòn chế áp này chỉ có thể làm gián đoạn khả năng chiến đấu, chứ không thể hủy diệt hoàn toàn sức mạnh của phòng không và không quân Ukraine.
Vì vậy, các lực lượng phòng không và không quân của Ukraine đã có điều kiện để tổ chức lại lực lượng, củng cố đội hình, bố trí lại trên các sân bay và trận địa dự bị. Vào ngày 05/03/2022, phòng không và không quân Ukraine đã tung ra một đợt đánh lớn, khác hẳn với sự phản ứng rời rạc những ngày trước đó.
Ngày thứ bảy 05/03/2022 đã trở thành "ngày thứ bảy đẫm máu" trên bầu trời Ukraine: Phía phòng không và không quân Ukraine tuyên bố đã bắn rơi 10 máy bay của Nga trong ngày 05/03, gồm 5 máy bay phản lực, 4 máy bay trực thăng, và 1 UAV. 03 phi công Nga cũng bị bắt làm tù binh.
Cùng với việc đánh trả máy bay Nga, không quân Ukraine cũng đã thực hiện một số cuộc oanh kích vào lục quân đối phương.
Đáng chú ý, là trong số các máy bay Nga bị bắn hạ có cả loại máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 "thú mỏ vịt", và loại tiêm kích Su-30SM hiện đại của Hạm đội Biển Đen.
Về phía Nga, Điện Kremlin tuyên bố chỉ riêng trong ngày 05/03, đã có trận không chiến lớn ở vùng Zhytomyr và phía Ukraine đã mất 4 chiếc Su-27.
Cũng trong ngày 05/03, phòng không Nga đã bắn rơi 1 chiếc Su-25 của Ukraine ở vùng Nezhin, cũng như bắn rơi máy bay trực thăng Mi-8 và máy bay không người lái Bayraktar TB-2 của Ukraine. 5 đài radar và 2 hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1 bị phía Nga phá hủy.
Sau đợt đánh lớn của phòng không - không quân Ukraine ngày 05/03, Nga đã tập trung chế áp các sân bay và các tổ hợp phòng không của quân đội chính quyền Kiev. Hoạt động chế áp bao trùm cả khu vực miền tây Ukraine.
Đến ngày 09/03, phía Nga tuyên bố đã phá hủy 89 máy bay chiến đấu và 57 trực thăng, chiếm gần 60% số đầu máy bay của không quân Ukraine. Điện Kremlin còn tự tin khẳng định đã "quét sạch" các phi công quân sự cấp 1 và cấp 2 của chính quyền Kiev. 90% sân bay của Ukraine cũng đã bị vô hiệu hóa bằng tên lửa tầm xa.
Về chế áp phòng không, Nga tuyên bố phá hủy 137 hệ thống tên lửa phòng không S-300, Buk M-1 và S-125, chiếm hơn 90% các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung đang được phía Ukraine sử dụng.
81 trạm radar phòng không cũng bị Nga phá hủy, dẫn đến việc Ukraine mất quyền kiểm soát chiến đấu của phòng không và không quân. Nga tuyên bố phòng không Ukraine chỉ còn mang tính chất phòng thủ điểm, và không có khả năng phản công đáng kể đối với không quân Nga.
"Nồi hầm" Mariupol: Giành giật từng góc phố!
Trên hướng nam, các lực lượng quân sự Nga và cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) đã chiếm được nhiều vị trí quan trọng.
Ngay trong tuần đầu của chiến dịch, dân quân DPR đã "bắt tay" được với mũi tiến công từ bán đảo Crimea của Nga, khống chế hoàn toàn đường bờ biển Azov. Quân đội Ukraine và các đơn vị dân tộc chủ nghĩa chỉ còn giữ được một số đô thị lớn.
Ngày 02/03/2022, quân đội Nga tuyên bố đã kiểm soát thành phố Kherson, và đến ngày 15/03/2022 đã làm chủ toàn bộ tỉnh Kherson, miền nam Ukraine.
Ngày 08/03/2022, Vệ binh quốc gia Nga tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Trước đó, ngày 04/03, đã xảy ra hỏa hoạn tại khu nhà huấn luyện của nhà máy này, gây lo lắng trong dư luận vì nguy cơ mất an toàn hạt nhân.
Phía Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân hỏa hoạn, nhưng sau đó tình hình nhà máy đã ổn định.
Ngày 11/03, dân quân DPR tuyên bố đã làm chủ thành phố Volnovakha. Tất cả sự chú ý lúc này dồn về thành phố cảng Mariupol bên bờ biển Azov.
Mariupol cũng chính là căn cứ chính của "tiểu đoàn Azov", một đơn vị tư nhân, có qui mô như lữ đoàn chiến thuật của Ukraine, thậm chí còn hơn thế, được Mỹ hỗ trợ đào tạo và vũ khí.
Các lực lượng quân sự Nga và DPR đã đồng loạt tấn công thành phố từ nhiều hướng, song chỉ có thể tiến rất chậm vì sức kháng cự mạnh của phía Ukraine.
Sau nhiều ngày bao vây và tấn công thành phố, tính đến hết ngày 16/03/2022, phía Nga và DPR tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn vùng ngoại ô Mariupol.
Mũi thọc sâu nhất của quân Nga đã kiểm soát được hoàn toàn quận Livoberezhnyi ở trung tâm thành phố.
Nhưng tại 3 quận trung tâm còn lại của Mariupol vẫn đang diễn ra giao tranh quyết liệt, cả hai bên đều đang giành giật từng tòa nhà, từng con phố.
Mặc dù chiến tranh đô thị không phải điều dễ dàng cho phía Nga, nhưng thành phố Mariupol đã bị bao vây cô lập từ đầu tháng 3/2022 mà không được chi viện, tiếp tế.
Các mũi tiến công của Nga và DPR chỉ còn khoảng cách rất gần để "bắt tay" nhau trong nội thành, chia cắt lực lượng Ukraine phòng thủ ở đây thành nhiều phần.
Các chỉ huy lực lượng DPR cho biết mục tiêu của họ là sẽ kiểm soát hoàn toàn thành phố chiến lược này trong vòng 7 ngày tới. Nếu quyết tâm này biến thành hiện thực thì ngày 21 hoặc 22/03, Mariupol có thể sẽ thất thủ.
Trong khi Mariupol vẫn đang giằng co, thì 14 tàu chiến Nga, trong đó có nhiều tàu đổ bộ cỡ lớn đang uy hiếp thành phố cảng Odessa. Mặc dù vậy, phía Ukraine đã tập trung đến 6 lữ đoàn về hướng này, để quyết tâm phòng thủ thành phố.
Từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt đến nay, hải quân Nga mà nòng cốt là Hạm đội Biển Đen đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phong tỏa đường biển, khống chế và tiêu diệt lực lượng hải quân Ukraine.
Ngày 03/03/2022, đã xuất hiện hình ảnh và thông tin tàu hộ vệ 3.500 tấn Hetman Sahaidachny - soái hạm của Hải quân Ukraine đã phải tự đánh chìm ở cảng Mikolaiv.
Đây được coi như hình ảnh biểu tượng cho sự sụp đổ của hải quân Ukraine!
Hé lộ thiệt hại của hai bên sau 3 tuần lễ
Tính đến hết ngày 16/03/2022, sau 3 tuần lễ tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Điện Kremlin tuyên bố đã phá hủy của đối phương 180 máy bay và trực thăng, 166 máy bay không người lái (UAV), 1.367 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 132 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS), 502 pháo dã chiến và súng cối, cũng như 1.156 đơn vị xe quân sự đặc chủng của lực lượng vũ trang Ukraine.
Hải quân Ukraine coi như đã bị xóa sổ. Phòng không và không quân Ukraine bị thiệt hại nặng nề bởi đòn chế áp của quân đội Nga, mất khả năng tác chiến tập trung.
Về lục quân, các lực lượng chủ lực của Ukraine ở miền đông nước này tuy chưa bị tiêu diệt, nhưng đang bị cô lập, buộc phải phòng ngự thụ động trong các vị trí đã chuẩn bị sẵn, không thể hành quân cơ động để chi viện cho các hướng.
Các đơn vị còn lại ở miền tây Ukraine đều đang được huy động về phòng thủ Kiev và Odessa.
Chính quyền Kiev cũng đã tính toán đến việc phát rộng rãi vũ khí cho người dân, cũng như kêu gọi các chiến binh từ nước ngoài, nhưng điều này là không đủ bù đắp cho quân đội chính quy bị tổn thất.
Trên đường tiến quân, phía Nga và DPR, LPR cũng đã thu giữ nhiều kho tàng, dự trữ trang bị khí tài của quân đội Ukraine. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tác chiến lâu dài, cũng như khả năng phục hồi quân đội Ukraine sau chiến sự.
Trong khi đó, đến rạng sáng ngày 17/03/2022, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến đấu 14.000 quân nhân Nga.
Về vũ khí, khí tài, phía Ukraine tuyên bố đã phá hủy 444 xe tăng, 1.435 phương tiện chiến đấu bọc thép, 201 khẩu pháo và súng cối, 72 hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS), 43 hệ thống phòng không, 86 máy bay, 108 trực thăng, 864 xe quân sự đặc chủng, 3 tàu nhỏ, 60 téc nhiên liệu, 11 UAV chiến thuật, và 10 thiết bị đặc chủng khác của Nga.
Mặc dù những số liệu của cả hai phía nêu ra có thể bị phóng đại do tuyên truyền, nhưng không thể phủ nhận diễn biến chiến sự Ukraine đang rất căng thẳng. Tuy quân đội Nga đang chiếm ưu thế, nhưng việc chiếm giữ các đô thị lớn của Ukraine vẫn là trở ngại lớn.
Tình hình Ukraine dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong những ngày tới.