3 tuyến cao tốc qua Bình Thuận: Đẩy nhanh bàn giao mặt bằng sạch
Việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn chậm và giá vật liệu tăng là những khó khăn cho các dự án cao tốc qua tỉnh Bình Thuận.
Quang cảnh buổi làm việc tháo gỡ các vướng mắc GPMB các tuyến cao tốc qua tỉnh Bình Thuận.
Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời hạ tầng kỹ thuật các tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh.
Gấp rút di dời hệ thống điện, nước...
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Hữu Trung - PGĐ Sở GTVT Bình Thuận cho biết, đến ngày 17/12, cả 3 tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh đã bàn giao được 98% diện tích mặt bằng sạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 95%.
Hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông... có tuyến cao tốc đi qua 5 huyện cũng đang được khẩn trương di dời.
Hiện nhà thầu đã hoàn thành di dời đường nước tại hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân; di dời cáp viễn thông tại huyện Bắc Bình. Đồng thời, đã trình Cục Năng lượng Bộ Công thương thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật di dời đường dây 500kv và 220kv của 5/5 huyện.
Tỉnh cũng đề nghị các Ban QLDA hỗ trợ UBND các huyện trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán các công trình điện cao thế (500 kV, 220 kV) với Cục Năng lượng Bộ Công thương, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.
Thi công trên công trường gói thầu XL01 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Thiếu nguồn cung, giá vật liệu leo thang?
Các nhà thầu thi công tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây cho biết trong quá trình triển khai thi công đã gặp một số khó khăn phát sinh.
Đó là trong quá trình nhà thầu huy động máy móc thiết bị triển khai thi công vẫn còn tình trạng người dân cản trở, gây khó khăn. Vẫn tình trạng còn khiếu nại về đơn giá, chính sách bồi thường.
Công tác di dời hạ tầng kỹ thuận còn chậm, chưa được giải quyết. Ngoài ra nguồn vật liệu đất đắp khan hiếm, giá biến động mạnh so với dự toán được duyệt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thi công.
Ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhận định giá vật liệu biến động bất thường không ngoại trừ có khả năng chủ các mỏ vật liệu, đất, đá găm hàng đầu cơ. Theo đó, ông yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng rà soát và mời các chủ mỏ vật liệu để làm việc.
Đồng thời cập nhật biến động giá để công bố giá vật liệu xây dựng được sát với thị trường và kịp thời ban hành chỉ số giá để có đủ cơ sở xử lý các vấn đề liên quan trên cơ sở đảm bảo nguồn cung cấp nguồn vật liệu thi công các dự án cao tốc.
Ông cũng đề nghị các địa phương cần đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng sạch còn lại, di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao cho nhà thầu thi công. Các Ban QLDA, nhà thầu thi công cần có số liệu báo cáo chi tiết về khối lượng đất đắp, vật liệu để có báo cáo cụ thể và phối hợp với các đơn vị liên quan để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương đi đầu trong công tác GPMB. Các vướng mắc phát sinh sắp tới, Ban QLDA 7, Ban QLDA Thăng Long cần phối hợp chặt chẽ với các huyện nhanh chóng giải quyết di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công.
Thứ trưởng cũng lưu ý, các nhà thầu khi sử dụng đường địa phương (để làm đường vận chuyển vật liệu) phải cam kết hoàn trả sửa chữa đường công vụ sau khi mượn. Giao các Cục, Vụ của Bộ GTVT ghi nhận những kiến nghị của tỉnh để sớm đề xuất các giải pháp phối hợp với các bộ ngành liên quan để thống nhất thực hiện theo quy định pháp luật.
“Thời gian tới, các Ban QLDA cần phối hợp chặt chẽ với địa phương tập trung di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là vấn đề di dời đường điện, mỏ khoáng sản... để các nhà thầu có mặt bằng sạch, có đủ vật liệu thi công đúng tiến độ”, Thứ trưởng Đông yêu cầu.