3 vấn đề 'nóng' được đề cập trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh vận tải
Nghị định gồm 07 chương 37 điều, tăng 02 chương và tăng 01 điều so với Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Trong đó có một số nội dung quan trọng đáng chú ý với mục tiêu giải quyết được những vấn đề bất cập mà dư luận đang hết sức quan tâm.
Trưa 3/3, Bộ Giao thông vận tải đã phát đi thông báo chính thức về một số điểm mới trong Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (Nghị định 10) vừa được Chính phủ ban hành ngày 17/1/2020, thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá, Nghị định 10 được ban hành phù hợp với những quy định mới của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định 86 cũng như tiếp thu những bài học từ Quyết định 24/QĐ-BGTVT (thí điểm ứng dụng phần mềm kết nối để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử đối với xe ô tô dưới 9 chỗ tại 5 tỉnh, thành phố) để tạo lập khuôn khổ pháp lý chính thức cho việc ứng dụng các phần mềm kết nối trong kinh doanh vận tải.
Đặc biệt, Nghị định 10 đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng, thuận lợi, hiện đại tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh hoạt động ổn định, phát triển; thuận tiện cho nhu cầu đi lại của nhân dân; đồng thời vẫn duy trì siết chặt những yêu cầu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải.
Phân định rõ giữa các khái niệm
Theo Bộ Giao thông vận tải, nhóm vấn đề thứ nhất, Nghị định 10 đã hoàn thiện quy định để phân định rõ giữa khái niệm Đơn vị kinh doanh vận tải (kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi), và Đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải).
Như vậy, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định (có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, hoặc là đơn vị vận tải). Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận, đây là quy định rất mở để đơn vị tự lựa chọn và xác định hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với các điều kiện kinh doanh của Nghị định.
Ví như, chiếu theo quy định trên, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải hiện nay nếu thực hiện các công đoạn (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) thì sẽ phải đăng ký kinh doanh vận tải, và hoạt động theo những quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, và chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là Đơn vị kinh doanh vận tải. Còn nếu đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định tại khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 10; Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải quản lý và hướng dẫn đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải quy định tại điều 35.
Kỳ vọng xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”
Tiếp đó, Nghị định 10 đã bổ sung hoặc điều chỉnh một số nội dung quy định nhằm xử lý hiệu quả hơn tình trạng “xe dù, bến cóc”, và “xe hợp đồng hoạt động trá hình xe tuyến cố định”.
Bộ Giao thông vận tải thông tin thêm, theo quy định tại khoản 5 Điều 7 và khoản 5 Điều 8 của Nghị định 10, đến ngày 1/1/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải; trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị GSHT, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và điểm b khoản 2 Điều 16 của Nghị định 10 đã có quy định đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến hành khách, người thuê vận tải và gửi thông tin hóa đơn điện tử về cơ quan thuế để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Việc xử lý hoạt động “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhiều quy định đã được bổ sung để quản lý chặt chẽ đối với xe hợp đồng, du lịch tại Điều 7, Điều 8 của Nghị định số 10, trong đó có quy định như: Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm; Phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe…
Ô tô kinh doanh vận tải phải lắp camera
Nhóm vấn đề thứ ba, Nghị định 10 đã bổ sung nội dung quy định lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải.
Bộ Giao thông vận tải nêu dẫn chứng, theo quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 2 Điều 14 của Nghị định, trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh từ camera sẽ được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Việc lắp đặt camera theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa lái xe vi phạm đồng thời giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải ô tô.