3 vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khiến giấc ngủ gián đoạn, cần đến gặp bác sĩ ngay

Giấc ngủ gián đoạn khiến một người dễ bị tỉnh giấc một hoặc nhiều lần trong đêm, ảnh hưởng tới cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Nguyên nhân khiến một người thường xuyên bị gián đoạn giấc ngủ là gì?

Giấc ngủ chất lượng giúp cơ thể phục hồi, tái tạo năng lượng và củng cố hệ miễn dịch. Ngủ đủ giờ và sâu giấc sẽ hỗ trợ quá trình chuyển hóa, giảm stress và tăng cường trí nhớ. Ngược lại, giấc ngủ gián đoạn, ngủ chập chờn không sâu giấc (ngay cả khi những lần thức giấc này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn) có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần như trầm cảm, lo âu.

1. Giấc ngủ gián đoạn là gì?

Đúng như tên gọi, giấc ngủ gián đoạn chỉ tình trạng giấc ngủ khiến một người dễ tỉnh dậy một hoặc nhiều lần trong đêm. Thời gian và độ dài của những cơn thức giấc này có thể khác nhau.

Một người có thể chỉ có một vài lần ngủ hoặc nhiều lần. Họ có thể chỉ thức trong vài phút hoặc trong một thời gian dài trước khi ngủ lại. Một người có thể trải qua giấc ngủ không yên, trằn trọc hoặc chỉ cảm thấy nửa ngủ nửa tỉnh (ngủ chập chờn) mà không chìm vào giấc ngủ sâu hơn.

Giấc ngủ gián đoạn chỉ tình trạng giấc ngủ khiến một người dễ tỉnh dậy một hoặc nhiều lần trong đêm (Ảnh: Internet)

Giấc ngủ gián đoạn chỉ tình trạng giấc ngủ khiến một người dễ tỉnh dậy một hoặc nhiều lần trong đêm (Ảnh: Internet)

2. Tại sao giấc ngủ gián đoạn là một vấn đề sức khỏe cần chú ý?

Những người bị gián đoạn giấc ngủ có xu hướng không ngủ đủ giấc. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa tính liên tục của giấc ngủ và tổng thời gian ngủ.

Theo đó, những người bị rối loạn giấc ngủ có nguy cơ không ngủ đủ giờ cần thiết hàng ngày cao hơn. Thiếu ngủ có thể gây buồn ngủ vào ban ngày, làm giảm hiệu suất học tập hoặc làm việc và làm tăng nguy cơ tai nạn khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

Ngay cả khi giấc ngủ gián đoạn không làm giảm tổng thời gian ngủ thì các giai đoạn ngủ cũng bị ảnh hưởng. Một giấc ngủ thông thường sẽ trải qua năm giai đoạn: Ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu, ngủ rất sâu và ngủ mơ. Khi bị thức giấc ở một trong năm giai đoạn này sẽ gây ra những tác động sâu rộng do giấc ngủ bị gián đoạn đến chức năng não, sức khỏe thể chất và tinh thần.

Giấc ngủ gián đoạn có liên quan tới bệnh thoái hóa thần kinh bao gồm chứng mất trí nhớ và bệnh Parkinson. Giấc ngủ bị "phân mảnh" được coi là triệu chứng sớm của những tình trạng này và cũng góp phần vào sự phát triển của bệnh.

Giấc ngủ bị gián đoạn cũng có thể gây ra những tác động bất lợi đến sức khỏe thể chất. Những người trưởng thành khỏe mạnh được phát hiện có độ nhạy cảm cao hơn với cơn đau chỉ sau hai đêm ngủ không trọn giấc.

Những người bị gián đoạn giấc ngủ có xu hướng không ngủ đủ giấc (Ảnh: Internet)

Những người bị gián đoạn giấc ngủ có xu hướng không ngủ đủ giấc (Ảnh: Internet)

Việc không liên tục trải qua từng giai đoạn ngủ trong thời gian dài kết hợp với việc kích hoạt nhiều hệ thống của cơ thể trong quá trình thức giấc liên tục đã được chứng minh là có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, tăng cân và các vấn đề về chuyển hóa cao hơn, bao gồm cả bệnh tiểu đường type 2, theo một nghiên cứu trên NCBI năm 2017.

3. Nguyên nhân gây ra tình trạng ngủ chập chờn, gián đoạn giấc ngủ là gì?

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng ngủ gián đoạn mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý, những thông tin này không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ, ngay khi cảm thấy giấc ngủ có vấn đề và ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt thường ngày, bạn cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.

- Cơn đau

Đau là cảm giác bạn cảm thấy khi các dây thần kinh bị kích thích ở mức độ mạnh. Sự kích thích này kích hoạt não bộ khiến bạn trở nên tỉnh táo hơn.

Theo National Sleep Foundation, các loại đau có thể khiến một người ngủ gián đoạn hoặc các rối loạn giấc ngủ khác thường gặp nhất là đau lưng; đau đầu và hội chứng khớp thái dương hàm (TMJ), gây đau quanh tai và cơ hàm. Đau cơ xương, bao gồm viêm khớp và đau xơ cơ, cũng có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Đau do ung thư, do bản chất của chính căn bệnh và quá trình điều trị, cũng dẫn đến khó ngủ.

Đau là cảm giác bạn cảm thấy khi các dây thần kinh bị kích thích ở mức độ mạnh (Ảnh: Internet)

Đau là cảm giác bạn cảm thấy khi các dây thần kinh bị kích thích ở mức độ mạnh (Ảnh: Internet)

Dù là cơn đau liên tục hay đau ngắt quãng thì đều có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ, đặc biệt là vào ban đêm. Cơn đau có thể khiến người bệnh tỉnh giấc và khó khăn để trở lại giấc ngủ; nó có khả năng lặp lại nhiều lần trong nhiều đêm dẫn tới thiếu ngủ lâu dài. Hơn nữa, thiếu ngủ cũng có thể khiến cơ thể tăng sản xuất các chất hóa học gây viêm trong cơ thể gọi là cytokine khiến họ trở nên nhạy cảm hơn với cơn đau. Mối quan hệ qua lại này sẽ tiếp diễn cho tới khi có được biện pháp kiểm soát phù hợp.

Ngoài ra, thuốc giảm đau như codeine và morphine, có thể gây ra một số rối loạn giấc ngủ chẳng hạn như ngủ gián đoạn, ngủ chập chờn hay thậm chí là mất ngủ.

- Trầm cảm, căng thẳng

Căng thẳng, lo âu và trầm cảm có tác động đáng kể tới giấc ngủ của một người. Bất kỳ một sự kiện hoặc trải nghiệm căng thẳng nào cũng có thể khiến một người bị gián đoạn giấc ngủ. Khi căng thẳng càng lớn thì mức độ mất ngủ lại càng tăng lên.

- Ngưng thở khi ngủ

Không phải tất cả các trường hợp giấc ngủ bị gián đoạn đều dễ dàng nhận thấy khi ngủ. Ví dụ, những người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) có những lần ngừng thở lặp đi lặp lại khiến họ thức giấc ngắn ngủi khi đang ngủ sâu. Những lần thức giấc do hô hấp gián đoạn này đủ ngắn để những người bị OSA thường không biết rằng chúng đang xảy ra, nhưng có khả năng họ sẽ bị buồn ngủ quá mức vào ban ngày do thiếu ngủ vào đêm hôm trước.

Tình trạng này phổ biến hơn ở nam giới với triệu chứng điển hình như ngáy to, trằn trọc khi ngủ.

Ngoài 3 tình trạng sức khỏe kể trên thì một số thói quen trong lối sống cũng có thể khiến giấc ngủ gián đoạn, có thể kể đến như:

- Uống rượu bia

Rượu bia có thể khiến nhiều người nhầm tưởng là thức uống giúp dễ ngủ; điều này chỉ xảy ra trong thời gian đầu sau khi uống nhưng tiếp đó bạn có thể cần phải thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu, uống nước,... điều này khiến giấc ngủ bị gián đoạn và khó ngủ trở lại, ảnh hưởng tới sự phục hồi của cơ thể vào ban đêm.

- Caffeine

Trà, cà phê hoặc bất kỳ đồ uống nào có chứa caffeine nếu được tiêu thụ ngay trước khi đi ngủ (hoặc trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ) đều có thể khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng. Do caffeine khiến hệ thần kinh trung ương bị kích thích, tăng cường sự tỉnh táo và trì hoãn việc đi vào giấc ngủ theo nhịp sinh học thông thường.

Sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính trên giường khi đi ngủ; quá nhiều ánh sáng trong phòng ngủ; tiếng ồn quá mức; tuổi cao cũng là một vài yếu tố thúc đẩy sự gián đoạn giấc ngủ.

4. Gián đoạn giấc ngủ khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Nếu giấc ngủ bị gián đoạn xảy ra thường xuyên, trong thời gian dài hoặc ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày, cảm giác buồn ngủ vào ban ngày khiến bạn không làm việc và học tập được, tâm trạng thường xuyên thay đổi thất thường kèm theo ngủ ngáy, đặc biệt là ngáy to kèm theo thở hổn hển thì đã đến lúc cần thăm khám bác sĩ sớm.

Việc theo dõi triệu chứng và ghi lại nhật ký giấc ngủ sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh hơn.

Cuối cùng, để ngăn ngừa hoặc giải quyết tình trạng giấc ngủ bị gián đoạn, cần dựa vào nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì. Đồng thời chú ý tới việc vệ sinh giấc ngủ bao gồm: Đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm trong ngày, đọc sách hoặc nghe nhạc trước khi ngủ, tránh rượu cùng các chất kích thích trước khi ngủ, giảm sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ, giữ phòng ngủ đủ tối và đủ mát,...

Nguồn: Tổng hợp

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/3-van-de-suc-khoe-tiem-an-khien-giac-ngu-gian-doan-can-den-gap-bac-si-ngay-20240829111913894.htm