3 vấn đề thường gặp ở phụ nữ sau sinh và cách xử trí tại nhà
Phụ nữ sau sinh có thể sẽ phải đối mặt với một loạt những thay đổi về thể chất và tinh thần...
Một số triệu chứng phổ biến sau sinh bao gồm tiết dịch hoặc chảy máu âm đạo, đau ngực, thay đổi tâm trạng và mệt mỏi, các dấu hiệu mất sữa, trầm cảm hoặc lo lắng sau sinh…
Đối mặt với những thay đổi về thể chất và tinh thần sau sinh, người mẹ cần phải nhận thức được cũng như tìm kiếm sự chăm sóc từ nhân viên y tế khi cần thiết.
Dưới đây là một số trục trặc phụ nữ sau sinh thường gặp và cách xử trí:
1. Tắc tia sữa ở phụ nữ sau sinh
Tắc tia sữa là một tình trạng khá phổ biến, có thể gặp phải ngay trong tuần lễ đầu tiên sau khi em bé chào đời. Nếu không điều trị tắc tia sữa tốt, có thể làm cho bệnh nặng hơn gây viêm tuyến vú, áp xe vú rất nguy hiểm.
Theo Y học cổ truyền, tắc tia sữa – viêm tuyến vú thuộc phạm vi chứng nhũ ung. Để điều trị triệt để, cần phải thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, lợi sữa.
Các sản phụ nên nhận biết sớm những dấu hiệu tắc tia sữa như vú đau, sưng tấy, sờ vào có cục cứng, ấn vào đau, người phát sốt, đau tức ngực… ngay từ khi mới khởi phát để điều trị kịp thời, tránh bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn, điều trị khó khăn.
Giai đoạn khởi phát này cũng là giai đoạn duy nhất mẹ có thể điều trị tại nhà và khỏi hẳn bằng cách đơn giản từ các vị thuốc gần gũi quanh ta như dùng củ gai, hành, lá bồ công anh… Cụ thể:
- Củ gai tươi giã nhuyễn hoặc xay rồi cho một chút muối vào trộn đều xong đắp vào bầu vú, đắp cả đầu ti, ngày thay 4-5 lần. Làm đến khi khỏi thì dừng.
- Lấy 1 nắm hành tươi, rửa sạch, dùng cả rễ xay hoặc giã nát. Sau đó nặn thành bánh, đắp lên vú. Dùng chai sành đựng nước nóng khoảng 70 độ hoặc dùng đèn hồng ngoại chườm lên bánh hành đến khi cảm thấy ấm nóng là được. Ngày làm 2 lần, làm đến khi khỏi hẳn thì thôi.
- Dùng 100g lá bồ công anh tươi rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước uống, bã đắp tại chỗ vú bị đau. Hoặc dùng lá bồ công anh hơ nóng trên ngọn lửa đèn cồn, đắp thử trên da nóng vừa phải thì đem đắp vào quanh bầu vú. Làm liên tục 15-20 phút. Mỗi ngày làm 2-3 lần, duy trì đến khi khỏi thì dừng.
2. Đối phó với sản dịch
Sau khi sinh con, theo cơ chế thông thường cơ thể sẽ tự đào thải các chất cặn bã, máu xấu, sản dịch... ra ngoài. Khi cơ thể không thải trừ hết, sau một thời gian "thấm ngược" vào cơ thể, vào hệ thống kinh lạc - mạch máu mà gây ra các bệnh hậu sản. Đông y thường gọi là ác huyết, ác lộ hoặc huyết hôi.
Có một vài vị thuốc, món ăn dễ chế biến, hiệu quả cao giúp các mẹ nhanh hết sản dịch như dùng nghệ, các món ăn từ ngải cứu, rau ngót…
3. Chân tay lạnh
Nhiều chị em phụ nữ sau sinh gặp phải tình trạng bị lạnh chân tay. Hiện tượng này không chỉ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của các mẹ mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe.
Theo Y học cổ truyền thì chứng này chủ yếu là do khí huyết hư cùng huyết ứ làm cho khí huyết nơi ngọn chi không đầy đủ gây ra chứng sợ lạnh, chân tay lạnh.
Để điều trị có thể sử dụng các phương pháp như thoa dầu khuynh diệp, dầu tràm; chườm nước nóng; ngâm chân bằng nước thảo dược. Các loại thảo dược thường được dùng để chế bột ngâm chân như gừng, hương nhu, bạch chỉ, dây đau xương, bạc hà, quế chi, ngải cứu, thương truật, hồng hoa...
Những điều không nên trong ăn uống của phụ nữ sau sinh
Một chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với tinh thần thoải mái sẽ giúp phụ nữ sau sinh nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau cuộc vượt cạn vất vả.
Một số thực phẩm các sản phụ nên tránh ăn quá nhiều như trứng gà, tinh bột lúa mạch non, sô cô la, canh nhiều mỡ… Bởi lẽ ăn quá nhiều các loại thực phẩm này đều không tốt cho sức khỏe của mẹ cũng như chất lượng sữa từ mẹ cho con.
Tóm lại, thời kỳ hậu sản các sản phụ cần hết sức chú ý trong vấn đề sinh hoạt và ăn uống, cần có sự tư vấn của các bác sĩ để thực hành nuôi con bú tốt, đảm bảo sản phụ có sức khỏe tốt, nguồn sữa giàu dinh dưỡng, dồi dào, phong phú, con nhận đủ sữa tốt, khỏe mạnh, chóng lớn…