3 việc Tây Nguyên có thể làm ngay để bứt phá
Kết nối giao thông, liên kết phát triển du lịch và chia sẻ thu hút đầu tư là 3 việc các tỉnh Tây Nguyên có thể làm ngay để bứt phá, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên gợi mở tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3 diễn ra chiều 23/6.
Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế
Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23. Mới đây nhất, ngày 5/5/2024, Thủ tướng đã ký Quyết định số 377/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo của Bộ KHĐT, qua 1 năm triển khai Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 152, quy mô kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) vùng Tây Nguyên đạt 416,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,01% GDP cả nước (tăng so với năm 2022); GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 67,58 triệu đồng/người, tăng 15,7% so với năm 2022; Cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách cũng được quan tâm, đã thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; thực hiện chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường áp dụng cho Dự án cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1…
Đối với các hoạt động hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, thời gian qua, Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đã hoàn thành được 16/25 nhiệm vụ. Đối với 9 nhiệm vụ còn lại, các bộ, địa phương đang khẩn trương triển khai do đây là các nhiệm vụ cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian triển khai trong năm tiếp theo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Tăng trưởng kinh tế năm 2023 thuộc nhóm thấp của cả nước và chưa đạt mức bình quân mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030; GRDP bình quân đầu người của vùng còn thấp; Phát triển kinh tế chưa có tính đột phá; Tăng trưởng về nông nghiệp, lâm nghiệp chưa thật sự bền vững; phát triển công nghiệp - xây dựng còn thấp, hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến;
Ngoài ra, du lịch Tây Nguyên dù có bước phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc; tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2023 thuộc nhóm thấp của cả nước; thu hút FDI chưa có bước tiến đáng kể; môi trường kinh doanh chưa thật sự hấp dẫn.
Cùng với đó, thể chế liên kết vùng chưa đủ tính pháp lý để đảm bảo hiệu lực thực thi. Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực các địa phương trong vùng còn thấp; Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thu nhập của người dân trong vùng còn thấp.
Chồng lấn quy hoạch khoáng sản là vướng mắc lớn nhất
Tại hội nghị, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã nêu lên những khó khăn, đưa ra kiến nghị để Chính phủ, các bộ, ngành xem xét giải quyết. Đáng chú ý như quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 chồng lấn các quy hoạch khác, bao phủ lên phần lớn diện tích đất các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng gây khó khăn cho việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các tuyến cao tốc trọng điểm kết nối liên vùng…
Ngoài ra, các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hoàn thiện chính sách về cho thuê môi trường rừng, phát triển kinh tế rừng; bổ sung và nâng cấp các tuyến giao thông kết nối nội vùng Tây Nguyên và giữa Tây Nguyên với cả nước; đề xuất đầu tư bệnh viện quốc tế ở TP Pleiku (Gia Lai). Đồng thời, các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng kiến nghị Chính phủ rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù hiệu quả trên cả nước để áp dụng cho Tây Nguyên…
Đại diện Bộ TNMT cũng thừa nhận việc chồng lấn quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản là vấn đề lớn ở khu vực Tây Nguyên bởi chỉ riêng 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước đã chiếm tới hơn 98% trữ lượng bô xít của cả nước. Hiện Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại, báo cáo Bộ Công thương.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên ghi nhận những chuyển biến tích cực vùng Tây Nguyên, thể hiện qua các số liệu tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải ngân đầu tư công…Lãnh đạo Chính phủ cũng chia sẻ, Trung ương nhìn nhận Tây Nguyên không chỉ qua các con số nói trên mà còn với góc nhìn vùng đất này đang giữ “lá phổi” cho cả nước, là vùng phên dậu phía Tây của Tổ quốc.
Với những tiềm năng, lợi thế đang có, sẽ có, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tin tưởng Tây Nguyên có thể dễ dàng bứt phá vươn lên với tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng; nhất là khi Tây Nguyên đã có sự quan tâm của Trung ương, của cả hệ thống chính trị và thực tế đã có những mô hình, cách làm hay.
Đối với vấn đề quy hoạch vùng Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh đây là khung pháp lý có tính định hướng để các tỉnh liên kết phát triển một cách bài bản trên tinh thần hợp tác, hay nói cách khác là “phát triển trong hợp tác, hợp tác trong phát triển”. Thời gian tới, Bộ KHĐT và các tỉnh vùng Tây Nguyên chủ động rà soát, sớm hoàn thiện kế hoạch triển khai quy hoạch vùng, điều chỉnh những bất cập. Bên cạnh nguồn lực tài chính, các địa phương cần chú trọng tới nguồn nhân lực, nhân tố “dám nghĩ dám làm”.
Với khung pháp lý là quy hoạch vùng, Phó Thủ tướng gợi ý 3 việc mà các tỉnh Tây Nguyên có thể làm ngay: Thứ nhất, phát triển giao thông kết nối; Thứ hai, phát triển du lịch theo chuỗi, theo tour nhưng cần lưu ý mỗi khu du lịch phải có nét độc đáo riêng, tránh “đụng hàng”; thứ ba, chia sẻ thu hút đầu tư với tinh thần có lợi cho bình diện chung.
Đối với mắc liên quan tới quy hoạch khoáng sản, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tỉnh Tây Nguyên chủ động rà soát lại các bất cập, báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ Công thương. Quá trình rà soát cần chú ý xem có liên quan tới Luật Khoáng sản hay không để thống nhất phương án tháo gỡ dứt điểm.
Nhắc nhở các tỉnh Tây Nguyên lưu ý triển khai 3 chương trình MTQG, mặc dù có tốc độ giải ngân cao nhưng chưa mạnh dạn thí điểm cơ chế đã được Quốc hội cho phép, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên nâng cao hơn nữa tính chủ động. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề cập tới các vấn đề vùng Tây Nguyên cần chú trọng như công tác cán bộ, chuyển đổi số: “Chuyển đổi số không chỉ dành cho người giàu, thế giới văn minh bởi có địa phương nghèo nhờ chuyển đổi số đã vươn lên vượt bậc”, ông Trần Lưu Quang nói.