'30 chưa phải Tết' - chỉ nỗ lực từ Trường Giang là chưa đủ

Chàng 'Mười Khó' có nhiều tiến bộ về mặt diễn xuất kể từ 'Siêu sao siêu ngố' (2018). Tuy nhiên, tổng thể bộ phim '30 chưa phải Tết' của đạo diễn Quang Huy còn rối rắm, phi lý.

Trailer bộ phim '30 chưa phải Tết' Bộ phim Tết lấy đề tài vòng lặp thời gian do Quang Huy làm đạo diễn, với Trường Giang và Mạc Văn Khoa trong hai vai chính.

Thể loại: Giả tưởng, tâm lý, hài hước
Đạo diễn: Quang Huy
Diễn viên: Trường Giang, NSND Việt Anh, NSND Hồng Vân, Mạc Văn Khoa, Tấn Beo, Huỳnh Kiến An, Phương Thanh
Zing.vn đánh giá: 5/10

Nhân vật chính trong 30 chưa phải Tết là Hân (Trường Giang) - một thanh niên mồ côi mẹ ngay từ khi sinh ra. Do thường xuyên bị cha đánh đập, anh quyết định bỏ quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Sau 12 năm, Hân trở thành sếp lớn trong một công ty bất động sản có tiếng.

Lúc này, để cưới con gái chủ tịch, Hân tình nguyện nhận nhiệm vụ lấy miếng đất ở Hồ Tràm của chính cha ruột là ông Hai Chữ (NSND Việt Anh). Song, trở về quê hương sau nhiều năm, anh bỗng nhiên bị mắc kẹt trong vòng lặp thời gian bí ẩn, cứ thế phải sống đi sống lại ngày 30 Tết.

Ban đầu, Hân vẫn tìm mọi thủ đoạn để cướp lấy sổ đỏ nhằm hướng tới tương lai xán lạn. Song, anh dần phát hiện ra nhiều sự thật đau lòng liên quan đến cả quá khứ lẫn tương lai của bản thân.

Vòng lặp thời gian rối rắm

Vòng lặp thời gian (time loop) là đề tài tương đối quen thuộc của điện ảnh thế giới qua các tác phẩm nổi tiếng như Source Code (2011), Edge of Tomorrow (2014) hay loạt kinh dị Happy Death Day. Dẫu vậy, đây thực tế là đề tài khó nhằn, không dễ thuyết phục người xem, và ê-kíp thực hiện 30 chưa phải Tết đã chọn nước cờ đầy rủi ro.

 Chuyện vòng lặp thời gian được xử lý tốt ở nửa đầu, nhưng dần trở nên thiếu thuyết phục, mơ hồ ở nửa sau tác phẩm.

Chuyện vòng lặp thời gian được xử lý tốt ở nửa đầu, nhưng dần trở nên thiếu thuyết phục, mơ hồ ở nửa sau tác phẩm.

Trên thực tế, bộ phim đầu tiên của đạo diễn Quang Huy kể từ sau Chàng trai năm ấy (2014) còn nhiều chi tiết chưa thuyết phục. Phim xử lý tương đối tốt những vòng lặp đầu tiên khi Hân cứ thế trải qua hàng loạt tình huống xảy ra ngay từ ban đầu. Nhưng càng về cuối, 30 chưa phải Tết càng trở nên mập mờ, khó hiểu.

Việc chuyển đổi giữa các vòng lặp chưa được giải thích rõ ràng khi Hân chẳng cần “chết” hay ngủ tại thời điểm giao thừa vẫn có thể thức lại vào sáng 30 Tết. Anh chỉ mất chút ít thời gian để tìm ra cách công chứng sổ đỏ ngày cuối năm, nhưng rốt cuộc lại chẳng thể tìm ra cách đạt được mục tiêu tiếp theo trong hàng nghìn vòng lặp sau đó.

Ngoài ra, kịch bản rối rắm khiến khán giả khó lòng phân biệt rạch ròi các sự kiện diễn ra ở vòng lặp hay mốc thời gian nào trong ngày. Ngày 30 Tết thường là thời điểm chộn rộn, tất bật, và bộ phim không tái hiện được bầu không khí khẩn trương vốn có của ngày cuối năm.

Hài hước và tình cảm gia đình đều chơi vơi

Nếu nhìn poster hoặc theo dõi trailer 30 chưa phải Tết, nhiều khán giả sẽ nghĩ rằng đây là một tác phẩm hài, bởi sự chiếm sóng của Trường Giang cùng Mạc Văn Khoa. Song, đạo diễn Quang Huy không muốn bộ phim của mình chỉ dừng lại ở những mảng miếng hài hước đơn thuần, mà còn phải mang sức nặng về mặt thông điệp tình cảm gia đình.

 Yếu tố hài hước trong phim ít đến bất ngờ và chủ yếu tập trung ở đầu phim. Còn mảng tâm lý bỗng chốc tỏ ra nặng nề ở nửa sau.

Yếu tố hài hước trong phim ít đến bất ngờ và chủ yếu tập trung ở đầu phim. Còn mảng tâm lý bỗng chốc tỏ ra nặng nề ở nửa sau.

Dẫu vậy, tham vọng của nhà làm phim xem ra đã đổ bể bởi cấu trúc kịch bản chưa hợp lý. Loạt chi tiết hài hước tập trung ở nửa đầu, chủ yếu đến từ loạt chiêu trò của Hân khi anh tìm cách chiếm lấy mảnh đất của cha đẻ. Chàng trai cứ thế lợi dụng vòng lặp thời gian để vượt qua các thử thách như tai nạn giao thông trên đường, học bơi, lấy lòng trưởng ấp…

Chúng cứ thế diễn ra trôi tuột, với không nhiều lời thoại hay tình huống hài hước đắt giá, có thể đọng lại lâu trong tâm trí khán giả. Ngạc nhiên thay, vai thầy Thích Tu của Mạc Văn Khoa tỏ ra nhạt nhòa và chàng trai người Hải Dương tỏ ra “dưới sức” nếu so với các vai diễn điện ảnh trước đó của anh.

Bước sang nửa sau, 30 chưa phải Tết tập trung khai thác cảm xúc thông qua câu chuyện về tình phụ tử, đồng thời gần như bỏ qua nhiệm vụ gây cười còn chưa hoàn thành ở nửa đầu. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Hai Chữ với con trai tỏ ra hơi đơn giản, phần nào đó bị bi kịch hóa quá mức với nhiều chi tiết sắp đặt ngay từ đầu.

Sự chuyển biến tâm lý của nhân vật Hân cũng chưa đủ mượt mà, khi anh từ chỗ thù oán cha nhưng bỗng thay đổi 180 độ sau khi biết về câu chuyện quá khứ. Hậu quả là công thức hài hước pha trộn tình cảm gia đình rốt cuộc không thể phát huy hiệu quả như mong muốn.

Sự nỗ lực của Trường Giang

So với Siêu sao siêu ngố (2018), 30 chưa phải Tết đánh dấu sự tiến bộ của Trường Giang trong khâu diễn xuất. Ban đầu, nhân vật của anh tỏ ra xấc xược khi gặp lại bà con thôn xóm và người thân trong gia đình. Đôi lúc, Hân thực sự nhẫn tâm khi cười cợt, mong muốn cha ruột là ông Hai Chữ mau qua đời để sớm có cơ hội thừa kế tài sản.

Kế đến, nhân vật bày ra đủ chiêu trò trong việc lấy lòng người khác để có thể sang tên sổ đỏ trong ngày 30 Tết. Nhưng về sau, Hân ngày một trở nên tình cảm hơn, đặc biệt sau khi giải tỏa khúc mắc với cha và hiểu rõ mọi chuyện. Thậm chí, chàng trai còn vô cùng đau khổ và suy sụp khi bi kịch ập tới.

 Trường Giang có nhiều tiến bộ về mặt diễn xuất trong 30 chưa phải Tết.

Trường Giang có nhiều tiến bộ về mặt diễn xuất trong 30 chưa phải Tết.

Diễn xuất của “Mười Khó” có sự chuyển biến một cách rõ rệt trong cả biểu cảm lẫn lời thoại, từ một “nghịch tử” lếu láo cho đến đứa con hiếu thuận, giàu tình thương.

Nhân vật Hai Chữ như được “đo ni đóng giày” cho NSND Việt Anh. Sau khi Hân bỏ đi, ông càng cảm thấy có lỗi và luôn sống trong dằn vặt. Ngôi sao gạo cội đã chia sẻ một vài phân cảnh cảm xúc với Trường Giang.

So với mẹ nội trong Gái già lắm chiêu 3, vai dì Hương của NSND Hồng Vân tuy ít đất diễn, nhưng lại mang đến nhiều cung bậc cảm xúc hơn hẳn. Nhân vật của cô cũng chất chứa nhiều niềm tâm sự và nỗi đau không kém gì Hân hay Hai Chữ.

 Cả NSND Việt Anh và Hồng Vân đều chứng tỏ khả năng diễn xuất giàu kinh nghiệm của họ, bất chấp đất diễn không qua nhiều.

Cả NSND Việt Anh và Hồng Vân đều chứng tỏ khả năng diễn xuất giàu kinh nghiệm của họ, bất chấp đất diễn không qua nhiều.

Còn lại, Mạc Văn Khoa gây thất vọng khi mang đúng nét diễn ngây ngô từ Cua lại vợ bầu (2019), Lật mặt: Nhà có khách (2019) sang 30 chưa phải Tết. Công bằng mà nói, vai trò của nhân vật Thích Tu không đủ rõ ràng, thậm chí có thể lược khỏi tác phẩm mà không gây ảnh hưởng quá lớn. Và rất khó để Mạc Văn Khoa có thể tạo đột phá với “mảnh đất” như vậy.

Còn những cái tên như Tấn Beo, Oanh Kiều và Lãnh Thanh có quá ít đất diễn, dù họ đều sở hữu những nhân vật tiềm năng, có thể được khai thác thêm.

Nhìn chung, 30 chưa phải Tết là nước đi táo bạo của điện ảnh Việt khi lựa chọn đề tài vòng lặp thời gian cho mùa phim Tết Nguyên đán. Trường Giang đã tiến bộ, nhưng kịch bản phim rõ ràng chưa đạt đến hiệu quả như mong muốn.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Hạ Tuyết

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/30-chua-phai-tet-chi-no-luc-tu-truong-giang-la-chua-du-post1039621.html