30 công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán được xuất viện sau 21 ngày cách ly
Các đơn vị quân đội nâng cao năng lực ứng phó với dịch Covid-19; Sắp dừng thời gian cách ly xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); Tạm ngừng miễn thị thực cho công dân Italy bắt đầu từ 0 giờ ngày 3-3.
Các đơn vị quân đội nâng cao năng lực ứng phó với dịch Covid-19: Sáng 2-3, Ban chỉ đạo (BCĐ) Diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng (BQP) đã tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai nhiệm vụ diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 tại sở chỉ huy và các điểm cầu trong toàn quân. Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ diễn tập chủ trì hội nghị. Cùng dự có: Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó trưởng BCĐ diễn tập; các thành viên BCĐ BQP và lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Đề mục của diễn tập được xác định là “BQP tổ chức phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19)”. Mục đích diễn tập nhằm thống nhất trình tự nội dung, phương pháp phòng, chống khi có tình huống dịch Covid-19 ở các cấp độ; nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng, tổ chức chuẩn bị và thực hành phòng, chống dịch Covid-19. Thông qua diễn tập đánh giá khả năng các nguồn lực, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch, quy trình; sẵn sàng đối phó với một số tình huống phi truyền thống xảy ra. Nội dung diễn tập gồm 5 vấn đề huấn luyện, tương đương với 5 cấp độ. Về nội dung thực hành, sẽ triển khai huấn luyện ở hai cấp: Cấp BQP và cấp trực thuộc BQP.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Phương Nam đã đưa ra những vấn đề cần nghiên cứu trong diễn tập như: Khả năng dịch Covid-19 có thể lây lan, phát triển và những tình huống, tác động liên quan khác ở trong nước cũng như trên thế giới thời gian tới; những yếu tố có thể lây lan dịch trong các đơn vị; hoàn thiện các quy trình chuyên môn và biện pháp phòng, chống dịch trong quân đội và trong cộng đồng. Trước yêu cầu cấp thiết do diễn biến của dịch Covid-19, Thượng tướng Nguyễn Phương Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tích cực, khẩn trương chuẩn bị, thực hành diễn tập sát thực tế, phù hợp với điều kiện và tình hình diễn biến của dịch Covid-19 hiện nay. Quá trình diễn tập, vẫn phải tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch và sẵn sàng xử trí hiệu quả tình huống dịch ở cấp độ cao hơn. Cần hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia, bảo đảm an toàn tuyệt đối mọi mặt, không để diễn tập làm ảnh hưởng đến tâm lý của bộ đội và nhân dân. Đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng cũng yêu cầu Binh chủng Thông tin liên lạc cần chuẩn bị tốt phương tiện, trang bị phục vụ diễn tập, bảo đảm thông suốt, chất lượng; phối hợp với Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội tổ chức sản xuất các clip làm tư liệu phục vụ tuyên truyền, rút kinh nghiệm và nghiên cứu sau này.
Theo kế hoạch, từ chiều ngày 2 đến 3-3, các đơn vị diễn tập vận hành cơ chế tại sở chỉ huy; sáng 4-3, tổ chức diễn tập thực binh tại một số đơn vị. Chiều 4-3, BCĐ sẽ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm trực tuyến và kết thúc diễn tập. Báo Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc diễn tập này. (VĂN CHIỂN)
*68 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm Covid-19: Thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 18 giờ ngày 2-3, thế giới đã ghi nhận 89.212 trường hợp mắc bệnh Covid-19 tại 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số trường hợp mắc ghi nhận tại Trung Quốc là 80.026, chiếm 89,7% tổng số trường hợp mắc trên toàn thế giới. Tính đến ngày 2-3, cả nước có 16 trường hợp mắc Covid-19, cả 16 trường hợp đều đã được điều trị khỏi bệnh và ra viện. Việt Nam đã qua 19 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ: 1.668. Tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly: 75 (trong đó: số mới trong ngày: 48, số cũ đang theo dõi, cách ly: 27). Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 13.949 (trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện-353; cách ly tập trung tại cơ sở khác-5.548; cách ly tại nhà, nơi lưu trú-7.949). Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 1.753 (số mẫu dương tính: 16, số mẫu âm tính: 1.737).
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, trong ngày 2-3, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện khai báo y tế và cách ly y tế người nhập cảnh Việt Nam đến từ và đi qua Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italy; tham gia họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức họp trực tuyến giao ban hằng ngày giữa Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (PHEOC) Việt Nam với các văn phòng PHEOC khu vực để cập nhật thông tin đáp ứng với dịch Covid-19; duy trì đường dây nóng của Bộ Y tế về dịch Covid-19; tổ công tác thường trực phòng chống dịch của Bộ Y tế (thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia) tiếp tục thường trực hỗ trợ địa phương về giám sát, cách ly, điều trị bệnh nhân tại Vĩnh Phúc. (CÙ HƯƠNG)
Khẩn trương nghiên cứu các test thử SARS-CoV-2: Liên quan đến tín hiệu khả quan trong công tác nghiên cứu các test thử virus SARS-CoV-2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương làm việc trên tinh thần “tính bằng giờ” để sớm có các kit thử; đồng thời sớm đưa vào sản xuất nhằm mở rộng diện xét nghiệm. Hiện Việt Nam có hơn 10.000 người đang được cách ly. Việc có các test thử sớm bảo đảm người được cách ly và cộng đồng yên tâm hơn trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. (HẢI AN)
Tạm ngừng miễn thị thực cho công dân Italy bắt đầu từ 0 giờ ngày 3-3: Tại cuộc họp ngày 2-3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất kiến nghị tạm ngừng chế độ đơn phương miễn thị thực đối với công dân Italy từ 0 giờ ngày 3-3. Trước đó, ban chỉ đạo cũng đã kiến nghị tạm ngừng chế độ đơn phương miễn thị thực từ 0 giờ ngày 29-2 đối với công dân Hàn Quốc, áp dụng cách ly y tế tất cả những người bay từ Hàn Quốc về, hoặc ở Hàn Quốc trong vòng 14 ngày và bay từ nơi khác về Việt Nam. Các con số do Bộ Y tế Italy công bố trong tối 1-3 cho thấy, tốc độ lây lan hằng ngày của virus SARS-CoV-2 tại nước này đã ở mức ngang với 2 ổ dịch lớn nhất tại châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc, với 1.694 ca nhiễm (tính đến 7 giờ ngày 2-3), trong đó có 83 người đã hồi phục, số ca tử vong đã tăng lên 34 trường hợp. (AN AN)
Sắp dừng thời gian cách ly xã Sơn Lôi: Ngày 2-3 đã bước sang ngày thứ 20, Việt Nam không xuất hiện ca bệnh mới (từ ngày 13-2 đến nay). Tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã cách ly toàn xã được 20 ngày, còn 1 ngày nữa là có thể dừng cách ly theo quy định. Dự kiến khi Sơn Lôi hết cách ly (0 giờ ngày 4-3), các lực lượng quân đội, công an, y tế cũng sẽ rút khỏi 12 chốt chặn bao quanh xã trong những ngày cách ly. Ông Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên cho biết, trong những ngày thực hiện cách ly, trung tâm đã tổ chức 30 tổ khám, chữa bệnh đi từng hộ gia đình, từng thôn để kiểm tra y tế hằng ngày. Sau khi kết thúc cách ly, cuộc sống của người dân Sơn Lôi sẽ trở lại bình thường như trước đây, bao gồm việc đi lại ngoài địa bàn. Tuy nhiên, huyện Bình Xuyên vẫn cử cán bộ y tế giám sát xã Sơn Lôi để phòng dịch tái phát. (QUANG MINH)
30 công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) được xuất viện: Chiều 2-3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương làm thủ tục cho 30 công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán ra viện sau 21 ngày cách ly. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, 30 công dân trở về từ Vũ Hán được cách ly, chăm sóc, theo dõi tại bệnh viện. Đến nay, trải qua 21 ngày cách ly, tất cả các công dân đều khỏe mạnh, âm tính với Covid-19. Trong tổng số 30 công dân, có 3 trường hợp sốt, ho. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, tiến hành các xét nghiệm, kết quả đều âm tính với Covid-19. Các công dân này đã được điều trị bằng các thuốc sốt, ho thông thường. Ngoài 30 công dân được xuất viện, hiện vẫn còn 40 trường hợp cách ly, theo dõi Covid-19 tại bệnh viện, sức khỏe của 40 trường hợp đều ổn định.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nguyện vọng của công dân, ngày 10-2, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tiến hành đưa 30 công dân Việt Nam (gồm các sinh viên và người thân, khách du lịch Việt Nam...) từ thành phố Vũ Hán trở về nước. Sau khi chuyến bay HVN68 hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), lúc 5 giờ 4 phút ngày 10-2, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng làm thủ tục khử trùng và kiểm tra y tế theo đúng quy định phòng dịch cho 30 công dân. (Tin, ảnh: DIỆP CHÂU)
Không chủ quan, lơ là trước tình hình dịch Covid-19: Ngày 2-3, Thường trực Thành ủy Hà Nội có cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo của thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tham dự và chủ trì cuộc làm việc có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Theo báo cáo tại cuộc làm việc, đến thời điểm 6 giờ ngày 2-3, thành phố chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Thành phố giám sát tại bệnh viện 96 trường hợp nghi ngờ; tất cả các trường hợp đã xét nghiệm âm tính với Covid-19. Ngành y tế phối hợp với Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội cách ly tập trung 2.240 trường hợp; phối hợp với Công an thành phố cách ly tập trung 68 trường hợp.
Chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh thần không được lơ là, chủ quan trước tình hình dịch bệnh để tránh bị động, bất ngờ. Đồng thời, cũng không được hoang mang, lo lắng quá mức. Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý cần có sự hỗ trợ, bảo vệ an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ tham gia phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, khử khuẩn nơi công cộng, công sở, trường học,… Phải bảo đảm an toàn tuyệt đối môi trường trường học trước khi học sinh đi học trở lại. Đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố kết hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội lựa chọn những giáo viên có năng lực để chuẩn bị phương án dạy học trên truyền hình, dự phòng trường hợp dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, cần xác định “giới hạn đỏ” số lượng ca nhiễm bệnh trên địa bàn để thành phố có phương án chuẩn bị đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị,... (NGUYỄN VŨ)
Nghệ An đang thực hiện cách ly 345 trường hợp về từ vùng dịch: Thông tin từ Bộ Y tế, Nghệ An đang thực hiện cách ly, theo dõi tại gia đình và cộng đồng 345 trường hợp. Trong đó có 175 trường hợp về từ Hàn Quốc, 10 trường hợp về từ lục địa Trung Quốc, 53 trường hợp về từ Đài Loan (Trung Quốc), 3 trường hợp về từ Malaysia, 6 trường hợp về từ Ma Cao, 1 trường hợp về từ Singapore, 7 trường hợp về từ tỉnh Vĩnh Phúc, 90 trường hợp tiếp xúc với người về từ vùng dịch. (ĐẶNG ANH)
Các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội sẵn sàng ứng phó với Covid-19: Trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới và diễn biến ngày càng phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống ở mức cao nhất. Thời điểm này, các bệnh viện đều phân công y, bác sĩ ứng trực 24/24 giờ, tổ chức khu khám cách ly, bảo đảm kiểm soát tốt nhiễm khuẩn để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Các đơn vị y tế thường xuyên rà soát khu vực cách ly, khu vực cấp cứu, bảo hộ chống dịch, trang thiết bị y tế, thuốc men, dịch truyền… Nếu có khó khăn phải báo cáo và đề xuất ngay với Sở Y tế. Các đơn vị không chủ quan, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, khống chế, điều trị thật tốt nếu có ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan và đặc biệt không để xảy ra trường hợp tử vong. (THU TRANG)
Trao tặng 100.000 khẩu trang cho ngành y tế TP Hồ Chí Minh: Ngày 2-3, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã trao tặng 100.000 khẩu trang cho ngành y tế và đưa 10 triệu khẩu trang vải sát khuẩn cung ứng ra thị trường, góp phần phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh việc tặng hơn 100.000 khẩu trang y tế cho ngành y tế TP Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 3-2020, Saigon Co.op cũng tung ra thị trường sản lượng lớn khoảng 10 triệu khẩu trang vải sát khuẩn đạt chuẩn cho người tiêu dùng thông qua hệ thống bán lẻ. Đặc biệt, 10 triệu khẩu trang vải thương hiệu Co.op Select bán không lợi nhuận với giá trung bình chỉ 7.000 đồng/cái. (Tin, ảnh: HÙNG KHOA)
Trong tháng 3, Vinatex sẽ cung ứng ra thị trường 12 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn: Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho biết, tính đến ngày 29-2, các đơn vị thành viên Vinatex đã cung ứng hơn 5,5 triệu khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn ra thị trường. Đáng chú ý, trong tuần qua đã có tới 6 đơn vị trong tập đoàn tích cực sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn để cung ứng cho các doanh nghiệp may khẩu trang phòng, chống dịch. Sản lượng sản xuất đạt tới gần 35 tấn vải dệt kim kháng khuẩn/ngày và 9 tấn vải không dệt/ngày. Dự kiến trong tháng 3, Vinatex và các đơn vị thành viên sẽ cung ứng ra thị trường 12 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn cũng như tiếp tục duy trì công suất gần 35 tấn vải dệt kim kháng khuẩn/ngày để cùng góp sức trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Trong công tác thiện nguyện, Vinatex và các đơn vị thành viên đã trao tặng 540.000 chiếc khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn ra cộng đồng. (VŨ DUNG)