30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ: Từ cựu thù đến Đối tác Chiến lược toàn diện

Cách đây 30 năm, đêm 11-7-1995 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Rạng sáng 12-7-1995 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Hành trình xây dựng lòng tin

Việc hai nước Việt Nam và Mỹ chuyển từ đối đầu sang đối thoại, từ cựu thù thành Đối tác chiến lược toàn diện được xem là hình mẫu trong nỗ lực vượt qua khác biệt, thúc đẩy hòa bình, hợp tác hướng tới tương lai.

Theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, 30 năm qua là hành trình Việt Nam và Mỹ liên tục xây dựng lòng tin và tăng cường hiểu biết.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink (nhiệm kỳ 2017-2021) nhận định, hai nước đã trải qua một giai đoạn lịch sử phi thường, xây dựng mối quan hệ song phương đạt được những tiến triển đầy ý nghĩa và đáng tự hào.

Ông Kritenbrink nhấn mạnh, Việt Nam và Mỹ đã vượt qua quá khứ để hướng tới tương lai hợp tác và hữu nghị tốt đẹp, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc và người dân hai nước. Ông đánh giá cao sự cởi mở và chính sách đối ngoại chủ động, đa phương, hòa bình của Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình hòa giải và bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Còn đối với cựu Đại sứ Mỹ Michael Michalak (nhiệm kỳ 2007-2011), giáo dục gần như là trọng tâm trong hành trình của ông ở Việt Nam. Vào thời điểm ông rời Việt Nam, số lượng sinh viên Việt Nam sang Mỹ đã tăng gấp 3 và con số đó tiếp tục tăng. Tại Mỹ, Việt Nam là nguồn sinh viên lớn nhất từ ASEAN và là nguồn sinh viên lớn thứ 5 trên thế giới.

Theo cựu Đại sứ Michalak, trong lễ kỷ niệm 1 năm hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, việc cung cấp đào tạo tiếng Anh cho sinh viên STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và thành lập Quỹ công nghệ, an ninh và đổi mới quốc tế (ITSE) đã được đề cập tới.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ là một dấu mốc rất có ý nghĩa. Đối với Việt Nam, đây là kết quả của đường lối đối ngoại nhất quán: độc lập, tự chủ, đa phương hóa, hội nhập sâu rộng vì hòa bình và phát triển.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh, quan hệ Việt Nam - Mỹ vẫn giữ được sự ổn định và đà phát triển tích cực. Theo ông, hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng là điểm nhấn mới, đặc biệt trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng sạch và y tế. Ngoài ra, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, quốc phòng, an ninh, giao lưu nhân dân và khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ tiếp tục là những trụ cột quan trọng.

 Một Hội chợ du học Mỹ được tổ chức tại TPHCM. Ảnh: TLSQ Mỹ

Một Hội chợ du học Mỹ được tổ chức tại TPHCM. Ảnh: TLSQ Mỹ

Điểm nhấn thương mại

Vẫn theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, điểm nhấn trên hành trình xây dựng và nâng tầm quan hệ hai nước phải kể đến thành tựu về hợp tác kinh tế. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, từ 500 triệu USD tại thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ, thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ sau 30 năm đã tăng khoảng 300 lần.

Cùng quan điểm này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định, hai nước có nhiều trụ cột hợp tác, trong đó, quan hệ kinh tế là rất quan trọng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo Đại sứ Knapper, việc Việt Nam sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ thúc đẩy việc ra quyết định, cấp phép và phê duyệt các dự án đầu tư hiệu quả hơn.

Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam - TPHCM (AmCham) vừa thực hiện cuộc khảo sát với hơn 550 doanh nghiệp và 2.500 thành viên cá nhân, cung cấp một bức tranh tổng quan quan trọng về tâm lý kinh doanh của các công ty thành viên đang hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2025 cho thấy gần 1/5 công ty (18%) báo cáo kết quả vượt kỳ vọng, dẫn đầu là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực logistics, một số phân khúc sản xuất, các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống quy mô lớn. Các công ty nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những công ty khác chỉ ra sự mở rộng của nền kinh tế số, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và sự phát triển của cơ sở hạ tầng là những dấu hiệu của một động lực tăng trưởng trong nước vững mạnh.

“Cột mốc 30 năm cho chúng ta cơ hội nhìn lại hành trình trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Câu chuyện của chúng ta là câu chuyện về sự kiên cường và hy vọng. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục tôn vinh thành tựu đáng kinh ngạc này trong suốt năm 2025, với một loạt các hoạt động để đánh dấu những tiến bộ chung và định hướng cho 30 năm tới. Mỹ cam kết hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập và kiên cường” - ông Brian Nocella, người phát ngôn Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM.

THỤY VŨ tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/30-nam-binh-thuong-hoa-quan-he-viet-my-tu-cuu-thu-den-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-post803462.html