30 năm gắn kết hàng triệu trái tim vì dòng máu Việt | Hà Nội tin mỗi chiều
30 năm gắn kết hàng triệu trái tim vì dòng máu Việt; Các giải pháp để Hà Nội đạt mục tiêu đón được 27 triệu lượt khách năm 2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
30 năm gắn kết hàng triệu trái tim vì dòng máu Việt
Từ lời kêu gọi “hiến máu nhân đạo” cách đây 30 năm, đến nay phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành một hoạt động thường xuyên, lan tỏa sâu rộng. Đó cũng là hành trình trao yêu thương, sẻ chia và gắn kết giữa hàng triệu trái tim người dân Việt Nam để giữ dòng máu luôn chảy; mang lại sự sống và hạnh phúc cho biết bao gia đình người bệnh. Ngày 24/1 là dấu mốc kỷ niệm 30 năm ngày phát động phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam. Đây là một hành trình dài mà những người vận động hiến máu gọi là "Hành trình 30 năm giữ dòng máu luôn chảy".
Những ngày đầu tiên vận động rất khó khăn, khi đó mỗi năm cả nước chỉ tiếp nhận được 100.000 đơn vị máu, rất ít ỏi so với nhu cầu điều trị. 90% lượng máu này từ người cho máu chuyên nghiệp. Sau những nỗ lực, Hà Nội và nhiều tỉnh thành bắt đầu có cán bộ công nhân viên, y bác sĩ, sinh viên, người dân hiến tặng máu. Năm 2008, Thủ tướng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia hiến máu tình nguyện, từ đó những chương trình vận động hiến máu "Lễ hội xuân hồng", "Ngày chủ nhật đỏ", "Hành trình đỏ"... được tổ chức thường xuyên và thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Sau 30 năm phát động phong trào, đến nay cả nước đã có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu. Từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm chúng ta đều tiếp nhận được hơn một triệu đơn vị máu. Đáng chú ý, lượng máu tiếp nhận được năm 2023 đã cao gấp hơn 11 lần so với năm 1994, tỷ lệ máu được hiến tình nguyện đã đạt 99%. Đồng thời, Việt Nam đã xây dựng và phát triển được hệ thống Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện từ Trung ương đến địa phương; thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu. Nhờ vậy, người bệnh cần truyền máu ở các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng các chế phẩm máu chất lượng như các bệnh viện ở tuyến trung ương.
Theo PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, phong trào hiến máu tình nguyện thực sự là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân. Nếu như trước đây, người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên thì hiện nay lực lượng người hiến máu được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo… Nhờ có nguồn máu an toàn và chất lượng được tình nguyện hiến tặng nên công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh kịp thời, giúp ngành y tế có thể triển khai, áp dụng nhiều kỹ thuật mới hiện đại như ghép tạng, ghép tế bào gốc…
Tham gia hiến máu tình nguyện không chỉ là việc cho đi mà các tình nguyện viên còn nhận về được rất nhiều điều ý nghĩa. Ngay trong sáng nay, dưới thời tiết mưa lạnh của Hà Nội, tại Bảo tàng Hà Nội vẫn có đông đảo các thế hệ lãnh đạo, hội viên Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đến dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội và rất nhiều hội viên đã trực tiếp tham gia hiến máu. Anh Trịnh Xuân Thủy - Chủ tịch Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội - người gắn bó với Hội từ ngày còn là sinh viên năm thứ nhất và đã có hơn 40 lần tham hiến máu cho rằng, đây đã là môi trường tốt cho anh và các hội viên đóng góp, trải nghiệm và rèn luyện những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển, tổ chức Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã phối hợp cùng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức tiếp hơn 750 nghìn đơn vị máu. Đặc biệt, từ môi trường hoạt động của Hội đã có hàng chục vạn thanh niên, sinh viên rèn luyện, trường thành là các nhà khoa học, nhà quản lý, những doanh nhân thành đạt. Họ là minh chứng rõ nét cho thấy sự hiệu quả của một môi trường tình nguyện bền vững vì sự tiến bộ của tuổi trẻ, vì sức khỏe cộng đồng.
Máu là chế phẩm đặc biệt, chưa sản xuất nhân tạo được, toàn bộ máu dùng cho người bệnh cần máu vẫn từ người hiến tặng, đặc biệt là bệnh nhân tan máu bẩm sinh, bệnh nhân phẫu thuật, chấn thương... cần truyền máu đều chờ đợi máu hiến tặng. Đã có rất nhiều người bệnh được duy trì sự sống nhờ nguồn máu hiến trong nhiều năm. 30 năm qua, sự thay đổi ý thức của người dân trong việc "hiến giọt máu đào, trao đi sự sống" đã giúp Việt Nam xây dựng được Trung tâm máu Quốc gia. Việc hiến máu trước nay chỉ tập trung ở thành phố lớn, giờ đã vươn được tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xây dựng được lực lượng hiến máu dự bị.
Các giải pháp để Hà Nội đạt mục tiêu đón được 27 triệu lượt khách năm 2024
Năm 2023 được xem là năm khởi sắc của du lịch Thủ đô ở cả góc độ quảng bá, tuyên truyền và xây dựng sản phẩm mới. Năm qua, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 25 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 93 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 142% so với năm 2022. Dấu ấn nổi bật của du lịch Thủ đô năm qua là việc liên tiếp được vinh danh trong nhiều giải thưởng uy tín quốc tế cũng như được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Điển hình như thành phố Hà Nội được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới trao hai giải thưởng thế giới và ba giải thưởng châu Á đó là: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày; Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023; Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á; Top 10 điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á…
Không chỉ nổi bật về điểm đến, lĩnh vực ẩm thực Hà Nội cũng là điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới. Hà Nội có 48/103 nhà hàng Việt Nam được Michelin Guide - cẩm nang ẩm thực danh giá nhất thế giới tuyển chọn; trong đó có ba nhà hàng đạt 1 sao Michelin. Mới đây nhất, Giải thưởng Ẩm thực thế giới vinh danh Hà Nội là “Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023”. Ngay đầu tháng 1, Hà Nội được độc giả trên nền tảng du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor bình chọn là một trong 20 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023, đứng thứ 17/25 địa danh du lịch nổi tiếng. Ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc công ty du lịch Travelogy cho biết, sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội thể hiện rõ ở việc công ty đã có những đoàn khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội tới 7 ngày với mức chi tiêu cao.
Có thể thấy năm qua, Hà Nội đã chủ động mở rộng các sản phẩm du lịch ven đô, ra mắt 15 sản phẩm du lịch về đêm. Năm 2024, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng và đổi mới sản phẩm để khai thác độ mở của chính sách thị thực mới nhằm nâng thời hạn lưu trú của khách quốc tế tại Thủ đô. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, năm 2024, Hà Nội vẫn đặt mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả, là “cửa ngõ” đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước; là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”. Về mục tiêu gia tăng lượng khách quốc tế, Hà Nội sẽ tập trung vào những thị trường trọng điểm như: Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ và từng bước khai thác hiệu quả các thị trường mới, tiềm năng như: Ấn Độ, các quốc gia Halal (theo đạo Hồi), Nam Mỹ, Australia…
Để làm được điều đó, Hà Nội sẽ tập trung các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn bao gồm: Du lịch văn hóa, du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf.
Chỉ đạo công việc năm 2024 cho ngành Du lịch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan cần tích hợp quy hoạch các khu, cụm du lịch trọng điểm gắn với Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; thúc đẩy triển khai xây dựng các dự án vui chơi, giải trí lớn phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố; nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các đơn vị xây dựng, triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, đặc trưng của thành phố; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá; tổ chức các sự kiện chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang dấu ấn thương hiệu du lịch Thủ đô./.