30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam - Bài 3: Đỉnh cao lao dốc 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'
Các nhà nghiên cứu và những nhân chứng sau khi Liên Xô sụp đổ đã gọi đây là cú 'tự sát chính trị'. Cách gọi đó thật đúng và cũng nói lên một nguyên nhân cốt tử khác, Đảng đã không chăm lo phòng, chống suy thoái, 'tự diễn biến, tự chuyển hóa' để rồi không có nước nào có thể cứu được lửa cháy từ... trong nhà.
>>> Bài 1: Khi Đảng Cộng sản tự xóa bỏ chính mình
>>> Bài 2: Khi “then chốt của then chốt” bị…gài chốt
Năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu đổi mới cũng là lúc Liên Xô sau khi Gorbachev lên nắm quyền bắt đầu tích cực “cải tổ”. Cùng năm ấy, tại Liên Xô từng xuất bản cuốn sách CIA chống lại Liên Xô với số lượng vô cùng lớn. Hay như cuốn sách “Thách thức thế kỷ” và được chuyển thể thành phim với những lời cảnh báo vang đi toàn quốc: “Nhân vật Lonox vạch ra chương trình phá hoại và tiêu diệt đất nước chúng ta, đưa đất nước chúng ta vào cảnh hỗn loạn”.
Nhưng phim và sách không thay đổi được cuộc đời. Ít ai ngờ Lonox giữa đời thường lại nằm ở tận giới chóp bu và dẫn đường cho sự chệch hướng chính trị từ rất sớm.
Tháng 11 năm 1987, càng gần đến ngày kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Gorbachev càng có nhiều “đổi mới”. Thay vì ca ngợi Lênin và cuộc cách mạng vĩ đại, họ khuyến khích xét lại những câu chuyện sau khi Lê nin từ trần, những cuộc “đàn áp”, cho phép “điều tra và khôi phục danh dự” cho “những người đã chịu đau khổ”…Báo cáo của Gorbachev tại sự kiện này đã "bật đèn xanh" cho cuộc tự diễn biến, cơ hội xét lại. Toàn Đảng đã bị đánh lừa bởi những khẩu hiệu hào nhoáng như “Tôi không thể từ bỏ nguyên tắc”, “Công khai hơn nữa”, “dân chủ hơn nữa”, “CNXH hơn nữa”…
Mùa xuân năm 1988, bắt đầu những cuộc hội thảo xét lại, phê phán Xtalin. Tháng 12 năm ấy, Gorbachev công khai “khuyến khích các giá trị phổ quát của con người”, đồng nghĩa với xét lại chủ nghĩa Mác – Lênin.
Các Mác từng viết: “Những tư tưởng... chiếm lĩnh ý nghĩ của chúng ta, bắt lòng tin tưởng của chúng ta phục tùng và được lý trí cột chặt lương tâm của chúng ta vào chúng - đó là những sợi dây ràng buộc mà người ta không thể bớt ra được nếu không xé nát trái tim mình” (C.Mác - Ph.Ăngghen Toàn tập, NxbCTQG, 1995. T.l,tr.l73) .
Nhưng sự suy thoái tư tưởng chính trị có thể khiến người ta dứt bỏ tất cả. Mác cũng cảnh báo: “Sự ngu dốt là sức mạnh ma quỷ và chúng ta lo rằng nó sẽ còn là nguyên nhân của nhiều bi kịch khác nữa". (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb CTQG, 1995.T.l, tr.167). Song, với Đảng Cộng sản Liên Xô, người ta đã coi thường công tác phát triển lý luận, thậm chí lợi dụng nó để “xoay trục” ý thức hệ.
Hội nghị lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô họp năm 1988 theo sáng kiến của cá nhân Gorbachev đã “đem lại điều tốt, đã “bật đèn xanh” cho cải cách (cải tổ) hệ thống chính trị, đã làm tan rã và phá vỡ cả nền tảng tư tưởng của Đảng.
Khi hệ tư tưởng, hoạt động, lịch sử của Đảng Cộng sản Liên Xô đã bị xét lại, xuyên tạc, bị bóp méo một cách kinh khủng, khi hàng triệu người cộng sản và những người cùng chí hướng với họ lâm vào tình trạng của những người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì những kẻ men-sê- vích và đồng bọn không cần phải thông minh và khó khăn nhiều để kết liễu Đảng Cộng sản Liên Xô.
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị đã lên đến đỉnh điểm khi ở nhiều cuộc mít tinh và trên báo chí, người ta công khai các khẩu hiệu “Vì các Xô viết không có cộng sản”, “tự do cho kinh doanh cá thể”, “không nên sợ có những người giàu và người nghèo”, “Hãy để cho con người kiếm tiền bằng mọi giá”, “Đả đảo Đảng Cộng sản Liên Xô”…Thậm chí, người ta coi “CNXH là một trạng thái phản tự nhiên của xã hội”, “chủ nghĩa Mác – Lê nin là “một dạng của chủ nghĩa phát xít”(!?).
Một nhà nghiên cứu Trung Quốc sau này đã hệ thống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị: Thời kỳ Gorbachev cầm quyền (năm 1985 - 1991), ở Đại hội XXVII ông ta nêu ra: Tác phong của Đảng nhất thiết phải mưu cầu chân thật, phải dân chủ hóa trong việc quản lý, mở rộng tính công khai của Đảng và nhà nước.
Từ hội nghị tháng giêng năm 1987 đến hội nghị lần thứ 19 vào tháng 6-1988, ông ta đưa ra lý luận và quan điểm “CNXH dân chủ nhân đạo”, “tư duy mới”. Nhấn mạnh “tính công khai”, “thuyết đa nguyên” XHCN. Từ hội nghị lần thứ 19 năm 1988 đến năm 1991, ông ta đã hoàn toàn thay đổi lý luận và đường lối trước kia: nêu ra: tòa cao ốc của Liên Xô cần cải tạo và xây dựng lại hoàn toàn; ngày 6-1-1989, ông ta gọi cải tổ là một cuộc cách mạng; các nước không can thiệp vào nội chính của nhau, “tư duy chính trị mới là đặt giá trị chung của nhân loại lên hàng đầu”.
Ngày 24-11-1989, nói chuyện với Tổng biên tập “Báo sự thật”, ông ta chỉ rõ: “Chức năng của Đảng không phải là lực lượng lãnh đạo, mà là người tiên phong của xã hội, hiện nay sẽ lấy nó làm cương lĩnh chính trị mới để xác đinh lại, ... “không thể dừng lại trong sự giải thích hạn hẹp của chủ nghĩa Mác, ... chủ nghĩa Mác chỉ là trường phái triết học của các mô hình hành chính độc tài chuyển sang mô hình chủ nghĩa dân chủ”.
Ngày 3-11-1990, ông ta tán thành Liên Xô thực hành chế độ đa đảng, nhận thức lại nguyên tắc chế độ tập trung dân chủ. Tháng 7 năm 1990, trong báo cáo chính trị của Đại hội XXVIII ông ta xác định: “Đảng Cộng sản hôm nay là tổ chức chính - dân, có tác dụng của đảng nghị viện”. Tháng 8-1991, Gorbachev từ chức Tổng Bí thư, tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô, ngừng hoạt động của Đảng trong quân đội, cơ quan nhà nước…
Lênin từng cảnh báo: Trong lịch sử, nhiều lần người chiến thắng đã bị tha hóa khi tiếp thu tập quán của kẻ chiến bại. Sự cảnh báo ấy có từ rất sớm ở những năm đầu thế kỷ XX, khi thế hệ những người cộng sản đầu tiên thực sự “sáng trong như ngọc”. Một nhà thơ đã viết về họ:
Đderginxki làm đến kiệt sức
Goocki ho đến rách ngực
Vladimia Ilich suốt đời
Vì cuộc sống con người – hạnh phúc.
Ngày ấy, lịch sử từng ghi câu chuyện có thật về một Bộ trưởng Dân ủy lương thực Churuva đã ngất xỉu vì đói vì ông nắm cả nghìn kho cao lương mĩ vị. "Rồi sẽ có bánh mì và sẽ có tất cả" - câu nói của Vasili trong bộ phim "Lênin trong Tháng Mười" trở thành câu nói thịnh hành một thời ở Liên Xô. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về Churuva.
Năm 1918, chính quyền Xô viết gặp phải cuộc khủng hoảng lương thực. Tại một cuộc họp của ủy ban nhân dân, Churuva bất ngờ bị ngất xỉu vì đói! Là quan chức cao nhất phụ trách lương thực, ông có thể điều động hàng chục triệu tấn lương thực, nhưng bản thân lại bị đói.
Ngay sau đó, Lênin kiến nghị xây dựng nhà ăn điều dưỡng để bảo đảm cho những đồng chí như Churuva. Nhưng cùng với nhà ăn này, Lê nin vẫn tận tay viết dự thảo nghị quyết Hội nghị của Đảng để ngăn ngừa sự bất bình đẳng về sinh hoạt, mức lương, không để uy tín các đảng viên cộng sản bị giảm sút.
Thế nhưng sau này, người ta đã lãng quên tất cả những điều đó. Nạn tham nhũng, độc quyền, đặc quyền đặc lợi trong đội ngũ cán bộ tràn lan, làm suy thoái cán bộ, người dân mất lòng tin, dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của “tòa thành trì” kiên cố, vĩ đại. GS, TSKH Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Liên bang Nga) nhận định: Liên Xô bị sụp đổ vì thua trong cuộc chiến tham nhũng, vì cán bộ thoái hóa, biến chất.
Mô hình nhà ăn điều dưỡng do Lênin khởi xướng để “bảo đảm cho những đồng chí đang ngày đêm lo lắng cho nhân dân được ăn no” như Xiurup lại dần dần biến thành những nơi chỉ dành cho cán bộ đặc biệt cao cấp của Liên Xô. Ở đây có đủ các loại hàng hóa xa xỉ của nước ngoài, như rượu Pháp và Scotland, thuốc lá thơm Mỹ, sôcôla Thụy Sĩ, cà phê Italy, giầy da của Áo, len dạ Anh, máy thu thanh Đức, máy ghi âm Nhật Bản... hay nhiều loại mặt hàng đắt đỏ đang khan hiếm ở Liên Xô lúc đó. Báo chí Liên Xô khi ấy đã “mỉa mai” rằng đối với những nhân vật thuộc tầng lớp trên thì CNXH đã được xây xong từ lâu.
Chế độ “cán bộ lãnh đạo suốt đời” cũng rất phổ biến thời Liên Xô những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80. Trong hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng cấp tỉnh từ năm 1978 đến năm 1981, chỉ có 5 trong số 156 vị trí bí thư tỉnh ủy có sự thay đổi về nhân sự. Đến mùa xuân năm 1978, độ tuổi bình quân của 58 vị phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng và bộ trưởng là 70. Hậu quả của chế độ cán bộ này là vừa tạo ra một đội ngũ lãnh đạo già nua, khiến cho tầng lớp lãnh đạo thiếu đi sức sống vừa dễ hình thành một lực lượng hạt nhân trong tầng lớp đặc quyền.
Chính phủ Liên Xô trong thời gian dài lại không chịu thừa nhận chữ “tham nhũng” tồn tại trong xã hội Xô viết. Thuật ngữ này mới sử dụng cuối những năm 80, nghĩa là ít năm trước khi Liên Xô sụp đổ. Vào năm 1980 đã xác định hơn 6.000 trường hợp hối lộ (con số thực tế cao hơn nhiều), đã xuất hiện các nhóm có tổ chức (ví dụ: hơn 100 người trong Bộ Hải sản Liên Xô, đứng đầu là Thứ trưởng). Từ năm 1983 đến 1989, các điều tra viên đã khởi tố thành công 800 vụ án hình sự, kết quả đã kết án hơn 4.000 người.
Đặc biệt, trong số những người bị thụ án có 10 anh hùng lao động XHCN, hơn 30 quan chức quyền lực cấp cao nhất của Bộ Nội vụ Uzbekistan và Liên Xô, 4 Bí thư Trung ương Đảng Uzbekistan và nhiều bí thư tỉnh ủy. Đến cuối những năm 1980 tham nhũng, hối lộ ở Liên Xô đã ở mức nghiêm trọng và ở cấp tầm chiến lược.
Câu chuyện ở Liên Xô đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây đã đúc kết và cảnh báo nhiều lần: Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Có chức ắt có quyền, có đặc quyền nên nạn mua quan bán chức ngày càng nở rộ. Nạn đặc quyền đặc lợi đã làm tổn hại nghiêm trọng thanh danh của chủ nghĩa xã hội (CNXH), tạo ra hố ngăn cách lớn trong xã hội. Dưới thời Gorbachev, tầng lớp đặc quyền không chỉ tìm mọi cách nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ cá nhân, mà còn mong muốn chiếm hữu lâu dài mọi đặc quyền cho con cháu đời sau.
Họ nhận ra để hợp pháp hóa các đặc quyền thì chỉ có chế độ chủ nghĩa tư bản (CNTB) mới thích hợp nhất để hợp pháp hóa những lợi ích hiện có của họ. Thế là họ không ngần ngại công khai thúc đẩy xóa bỏ CNXH, đi theo con đường của CNTB. Một bộ phận đó sau này trở thành những ông trùm tài chính mới.
Một bộ phận khác không chỉ vơ vét mà còn tiếp tục nắm giữ những cương vị cao, kiểm soát quyền lực của nhà nước với 75% số quan chức bên cạnh tân tổng thống; 57,1% lãnh tụ những chính đảng mới và 73,4% trong số những quan chức của chính phủ mới.
Với Gorbachev thì nhiều tài liệu cho thấy ông này đã ngày càng lún sâu vào vũng bùn phản bội, ngang nhiên tiếp xúc và trở thành “con ngựa thành tơ-roa” phản bội Đảng.
Trước khi Liên Xô sụp đổ ông ta còn trơ trẽn nhận giải Nobel Hòa bình mà không thấy xẩu hổ. Trong tham luận dài đến mấy chục trang, GS, TS Lịch sử Ivan Oxadchi đã nhìn thấy rõ chân tướng sự phản bội: “Vào tháng 12-1991, trong khu rừng rậm Beloregioxkư – bộ 3 chính trị gia phạm tội đã ký bản án tử hình đối với cường quốc Xô viết vĩ đại.
Trong tháng 9 và tháng 10 năm 1993, Enxin tiến đến cửa cuối cùng: Dùng xe tăng bắn vào Cung Xô viết và những người bảo vệ nó, tuyên bố giải tán cả Đại hội đại biểu nhân dân và Xô viết tối cao Liên bang Nga, thủ tiêu một cách cưỡng bức chính quyền Xô viết”.
Ngoài Gorbachev, phải kể đến một nhân vật khác. Tháng 12 năm 1985, Trưởng Ban tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Alecxandr Nicolaevich Iacovlev đệ trình Gorbachev bản phân tích (thực chất là cương lĩnh) “Mệnh lệnh nhận thức chính trị” phân chia Đảng thành Đảng xã hội chủ nghĩa và Đảng dân chủ nhân dân, được hợp nhất vào khối “Liên minh những người cộng sản”.
Năm 1998, nhân vật này đã tự kể lại khi phỏng vấn Báo Tin tức của Nga: “Cần phải hành động từ bên trong. Chúng ta chỉ có một con đường duy nhất: Làm sụp đổ chế độ cực quyền từ bên trong, với sự giúp đỡ của kỷ luật của đảng cực quyền. Chúng ta đã làm xong công việc của mình”.
Năm xưa, các đảng viên cộng sản Liên Xô sau cơn địa chấn bẽ bàng đã xót xa tự hỏi: … “Một đảng với 20 triệu đảng viên - đó là một đội quân khổng lồ thậm chí tự nó, thậm chí không có sự ủng hộ của quần chúng ngoài đảng, cũng có thể tự bảo vệ mình và bảo vệ “chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng trong các trận chiến”, bảo vệ Chính quyền Xô viết và nhân dân lao động...
Và tại sao trong phút giây ngàn cân treo sợi tóc đó của Đảng Cộng sản Liên Xô, Chính quyền Xô viết, chủ nghĩa xã hội, Liên Xô không có được lời kêu gọi “Tiến lên, những người cộng sản” đã từng là khẩu lệnh của nhiều thế hệ những người cộng sản trong suốt tiến trình lịch sử Liên Xô và sự hưởng ứng thực tế lời kêu gọi đó đã đem lại sự khâm phục vô bờ bến ở hàng triệu, hàng triệu người lao động nước Nga và cả hành tinh?
Tại sao 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô lại trở thành một khối bàng quan, thờ ơ trước số phận của đảng mình, trước số phận của sự nghiệp vĩ đại thực sự có tính lịch sử - toàn thế giới của mình, trước số phận của đất nước và nhân dân mình?
Đó là chuyện ở Liên Xô. Bài học từ Liên Xô và Đông Âu là những ví dụ thực tiễn để Đảng ta luôn chủ trương phải tự xây dựng, tự chỉnh đốn và có giải pháp đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ từ rất sớm.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa lưu ý: “Nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt Đảng.
Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân”.
Ngày 25-10-2021 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm thay thế cho quy định cũ; quy định mới cũng nghiêm cấm đảng viên: Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.
Không phải ngẫu nhiên mà qua nhiệm kỳ Đại hội, 3 lần Hội nghị Trung ương lần thứ 4 của các khóa XI, XII, XIII đều đặc biệt coi trọng vấn đề trên. Chúng ta hẳn còn nhớ “giọt nước mắt rơi vào lịch sử” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, thay mặt Đảng xin lỗi toàn thể nhân dân, vì vấn nạn tham nhũng và sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên.
Quang cảnh Quảng trường Đỏ - nơi lưu dấu cả ký ức hào hùng và những biến động chính trị cuối thế kỷ XX. Ảnh: Anh Thu.
Nói đi đôi với làm, người đứng đầu Đảng ta và toàn Đảng, toàn dân đã không để nước mắt mãi rơi vào lịch sử hay chùn bước trước “giặc nội xâm” mà mỗi ngày qua đi, cuộc chiến đấu với chúng ngày càng kiên trì hơn, kiên quyết hơn, hiệu quả hơn.
Không chỉ nhận thức rõ sự nguy hiểm của thứ “giặc trong lòng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo, Đảng ta trong các nhiệm kỳ vừa qua còn chỉ rõ 27 biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng như đề ra nhiều nhóm giải pháp để phòng, chống nó. Đó là sự chủ động, là tinh thần cảnh giác cách mạng, là sự chủ động chiến đấu cần thiết, quyết không để Đảng bị “nhiễm độc”, bị rơi vào cảnh “nước xa không cứu được lửa gần”.
Nhất định toàn Đảng, toàn quân, toàn dân sẽ tiếp tục đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ không còn là khẩu hiệu, là quyết tâm mà đã trở thành mệnh lệnh của Đảng, mệnh lệnh của cuộc sống, vì sự tồn vong của Đảng ta và chế độ ta, vì sự trường tồn và hưng thịnh của dân tộc ta, đất nước ta!
Nguồn: Quân đội nhân dân