30 năm phục dựng văn hóa cổ thất truyền
Nhà văn hóa dân gian Chăm, Raglai Nguyễn Hải Liên (nguyên Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Hội văn hóa Dân gian Ninh Thuận - ảnh) sẽ hiến tặng toàn bộ công trình sưu tầm, nghiên cứu hơn 30 năm của ông về Văn hóa phi vật thể Chăm, Raglai cho Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, với mong muốn văn hóa dân gian sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái.
Một chiều thu tháng 11, tôi tìm gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên tại tư gia. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn tỉ mẩn sắp xếp, phân loại lại những đứa con tinh thần của mình với số lượng hơn một ngàn cuộn băng cattset, đĩa DVD, tranh ảnh, sách vở, tài liệu… trong ánh mắt rưng rưng đầy lưu luyến.
“Tiếp lửa” hành trình nghiên cứu văn hóa
Ở tuổi 84, ông Liên vẫn còn nặng lòng với niềm đam mê nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy văn hóa các dân tộc. Ông kể, năm 1992 về làm Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Ninh Thuận, cương vị quản lý chuyên môn văn hóa đã “tiếp lửa” cho ông trong hành trình tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa sau này.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của ông là đã phát hiện và sưu tầm được bộ sử thi của đồng bào dân tộc Raglai. Đây là kho truyện lịch sử đồ sộ kể lại quá trình đấu tranh của đồng bào dân tộc Raglai với thiên nhiên, chống chọi với cái xấu để tồn tại và phát triển, trong đó có những anh hùng Raglai xuất hiện như một vị thần mang đến sức mạnh để đồng bào vượt qua thử thách, tồn tại và phát triển đến ngày nay.
Để có được bộ sử thi đó là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực bao tháng ngày. Bằng những cứ liệu sinh động, ông đã thuyết phục Ban điều hành dự án Bộ Văn hóa - Thông tin - Truyền thông công nhận bộ sử thi của người Raglai.
6 bộ sử thi đồ sộ, đặc biệt là Bộ sử thi Sa-Ea có độ dài 37 cuộn băng cattset, mỗi cuộn 90 phút, là minh chứng tuyệt vời. Để có được nó, ông đã bao đêm thức, ngồi nghe cùng nghệ nhân hát kể ròng rã hàng tháng trời. Những câu chuyện dài như những nỗi niềm của núi rừng, ngọt như ước mơ, khát vọng của con sông, cái suối, rạo rực xốn xang như cái bụng người dân Bác Ái - Raglai.
Hầu hết các lễ hội Chăm đã được ông sưu tầm, phục dựng. Tất cả các bài bản của lễ nhạc (75 bài trống ginăng, 6 giai điệu kèn saranai) đã được sưu tầm và ký âm. Đặc biệt, với nhạc cụ Chăm, ngoài trống ginăng, paranâng, kèn saranai, ông còn phát hiện ra bộ trống thiêng loại nhỏ đi với 2 chiêng núm, kèn ru hồn saranai và trống lớn thân cây. Bộ nhạc cụ này chỉ xuất hiện trong 2 lễ hội nên rất ít người biết đến.
Ông đã phục hiện lại các Lễ hội Chăm với cụm diễn xướng tổng hợp giữa Hát lễ - Nhạc lễ (2 vị chức sắc Mâduer và Kadhar) và Múa lễ (bà Bóng, ông Bóng) tạo nên nét đặc sắc. Với nhạc cụ Mã la, ông Liên cũng ghi âm và ký âm được hơn 150 bài. Đặc biệt, có nhiều loại nhạc cụ đã thất truyền được ông không chỉ phát hiện, khôi phục lại, như trống đất, chiêng nứa, kèn bầu sarakel.
Ròng rã 6 năm (1995-2001), nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên đã lặn lội khắp các buôn, làng người Raglai của 3 tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận tìm kiếm, phục dựng trang phục cổ truyền người Raglai đã bị mai một, mất mát hàng chục năm.
Bao khó khăn, thử thách tưởng chừng phải bỏ cuộc, ông tình cờ gặp một phụ nữ Raglai trên núi cao mặc một bộ đồ lạ mắt, đặc biệt. Từ manh mối đó, ông tiếp tục hành trình điền dã, sưu tầm, lấy ý kiến, dựa vào lời kể sử thi về trang phục, để đến hôm nay giúp người Raglai biết rằng trang phục cổ truyền của dân tộc mình là có thực.
Vun đắp, gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân gian
Không dừng lại ở vai trò nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, với tình yêu, đam mê của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên đã ấp ủ và trăn trở giấc mơ làm sao để ươm mầm cho cây văn hóa dân gian ra hoa kết trái. Ông đã vận động các tổ chức tài trợ địa phương và trung ương thực hiện các dự án truyền dạy văn hóa dân gian trong các làng, xã và các tộc, họ.
Cứ thế, như một mạch nguồn tự nhiên tuôn chảy, dòng sữa ngọt ngào thấm mát tâm hồn trẻ thơ, nhiều thanh niên Chăm, Raglai đã trở thành những nghệ sĩ đàn, hát không chuyên. Hơn 150 em khắp các buôn làng, cùng rất nhiều nghệ nhân đã giúp cho cây văn hóa dân gian Chăm, Raglai ra nhiều quả ngọt.
Điều ông tâm đắc nhất là chứng kiến những đứa trẻ ngồi bên mẹ, say sưa cùng hát, cùng đàn những giai điệu dân ca của dân tộc mình, người Chăm, người Raglai tự hào “tôi là người Chăm, tôi là người Raglai”. Niềm hạnh phúc nhất của ông là hàng đêm vẫn được nghe cái réo rắt của kèn saranai, cái bập bùng của paranung, trống đất, cái âm vang của mã la, chiêng nứa và dịu dàng, tha thiết của kèn bầu sarakel. Ông cảm thấy ấm áp khi nhìn người Raglai mặc trang phục cổ truyền của họ, cùng núi rừng ngân nga giai điệu Sa-Ea. Và tôi hiểu vì sao người Chăm, người Raglai luôn gọi ông bằng tiếng gọi yêu thương, ruột thịt: “Bố Liên”.
Gặp ông, trò chuyện với ông, chúng tôi hiểu chính đam mê cháy bỏng mãi không ngừng chảy trong những giai điệu dân ca gi năng, saranai, mã la, sarakel là nguồn năng lượng đưa ông vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tạo lập nên những công trình nghiên cứu có giá trị.
Nhìn ông sắp xếp những tư liệu cuối cùng trước khi bàn giao, chúng tôi nhận thấy lưng ông thêm còng xuống, nhưng ánh mắt sáng ngời, lòng thanh thản, tràn ngập niềm tin: các thế hệ mai sau sẽ gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân gian vì văn hóa là gốc rễ của con người, văn hóa dân gian là cái hồn của cả một dân tộc.
Trong 30 năm cống hiến nghiên cứu văn hóa, ông Nguyễn Hải Liên đã được tặng nhiều huân, huy chương, nhiều bằng khen, giấy khen và các giải thưởng của Nhà nước, tiêu biểu Giải thưởng Nhà nước của Chính phủ năm 2017 về Văn hóa nghệ thuật - sưu tầm nghiên cứu văn hóa phi vật thể Chăm và Raglai.