30 năm quan hệ Việt Nam-EU: Đối tác tin cậy, lâu dài và phát triển mạnh mẽ
Báo TG&VN trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Liên minh châu Âu (28/11/1990-28/11/2020)
Sau 30 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (28/11/1990 – 28/11/2020), quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU đang phát triển mạnh mẽ, mang tính chất của một mối quan hệ tin cậy và chia sẻ tầm nhìn lâu dài trên nhiều phương diện. Từ các lĩnh vực truyền thống như chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, hợp tác giữa hai bên đã mở rộng sang các lĩnh vực song phương tiềm năng khác như khoa học - công nghệ, an ninh quốc phòng, cũng như trong nhiều khuôn khổ đa phương quan trọng, góp phần nâng cao tầm vóc và chất lượng của quan hệ Việt Nam-EU.
Đối với Việt Nam, EU là một trong những đối tác hàng đầu, mang tính chiến lược, có vai trò quan trọng trên quốc tế, trong các vấn đề an ninh, hòa bình cũng như kinh tế và phát triển. Về phần mình, với tiềm lực và vị thế ngày càng tăng sau 35 năm đổi mới và hội nhập, Việt Nam trở thành một trong những đối tác EU có quan hệ toàn diện nhất trong ASEAN và tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU (PCA), có hiệu lực từ năm 2016 tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho hợp tác ở nhiều lĩnh vực mới, phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của mỗi bên. Cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về triển khai PCA được thành lập năm 2019 với 4 tiểu ban Chính trị, Thương mại và Đầu tư, Phát triển Bền vững, và Quản trị tốt, Pháp quyền và Quyền con người đang được triển khai tích cực, thúc đẩy thực thi hiệu quả các cam kết, đóng góp vào việc củng cố quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU.
Cùng với Hiệp định PCA, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Hiệp định khung về việc Việt Nam tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA), Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VGA/FLEGT) đều là những bước tiến có ý nghĩa to lớn, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn, thúc đẩy tự do hóa thương mại, phát triển bền vững, củng cố liên kết, cùng đóng góp cho hòa bình, an ninh, qua đó làm sâu sắc quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU trên cơ sở các lợi ích chung.
Quan hệ kinh tế thương mại luôn là một trụ cột quan trọng và có dấu ấn lớn trong hợp tác Việt Nam-EU. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ năm, thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, nhà đầu tư lớn tại Việt Nam và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại hàng đầu cho Việt Nam. Với thuận lợi là tính bổ sung cao trong cấu trúc ngành nghề kinh tế, việc triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA góp phần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, mang lại triển vọng tích cực về mở rộng thị trường cho cả Việt Nam và EU, nhất là đối với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của mỗi bên như nông sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản của Việt Nam và máy móc, thiết bị công nghệ cao của EU.
Chỉ trong mấy tháng đầu thực thi EVFTA, kết quả đã cho thấy những tín hiệu đáng khích lệ. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 8/2020 đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019; trong tháng 9/2020 đạt 3,1 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019. Về trung và dài hạn, Hiệp định EVFTA được mong đợi mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực hơn nữa cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả hai bên.
Cụ thể, theo tính toán, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 42,7% vào năm 2025; GDP của EU ước tính sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu tăng 29% vào năm 2035. Trong thời gian tới, khi Hiệp định EVIPA hoàn tất phê chuẩn và có hiệu lực, sẽ tạo thêm động lực cho hoạt động thương mại và đầu tư, mở đường cho luồng vốn chất lượng cao của EU vào Việt Nam.
Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, Hiệp định khung về việc Việt Nam tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA) ký năm 2019, thể hiện cam kết và quan tâm chung của Việt Nam và EU về việc gìn giữ hòa bình và an ninh trên thế giới, phù hợp với các chủ trương của Việt Nam về đóng góp nhiều hơn vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam và EU đang ngày càng là đối tác quan trọng trên lĩnh vực an ninh quốc phòng. Hai bên cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ trong việc ứng phó với các thách thức an ninh chung trong đó có an ninh phi truyền thống như tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu thuyền, tội phạm có tổ chức và buôn lậu, phù hợp với luật pháp quốc tế.
EU có lợi ích lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khoảng 40% tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của EU là với châu Á. Trong những năm gần đây, tầm nhìn chiến lược về an ninh đối với khu vực cũng ngày càng được EU và các nước thành viên chú trọng. Với việc thông qua “Chiến lược toàn cầu” (2016), “Chiến lược kết nối Á-Âu” (2018), EU và các nước thành viên thể hiện một tầm nhìn mạnh mẽ về vai trò và các mối quan hệ đa dạng của mình tại khu vực.
Việt Nam và ASEAN, với chủ trương theo đuổi một sự hợp tác rộng mở tại khu vực, hoan nghênh và mong muốn EU có vai trò và đóng góp ngày càng tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại và một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương cũng như tại Đông Nam Á. Việt Nam cũng mong muốn quan hệ hợp tác ASEAN – EU trên các mặt ngày càng đi vào chiều sâu hiệu quả và thực chất.
Việc đưa quan hệ Việt Nam-EU tiếp tục phát triển ổn định lâu dài và ngày càng sâu sắc hơn là phù hợp với lợi ích của cả Việt Nam và EU trong những thập kỷ tới. Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU trong tương lai, hai bên cần tiếp tục định vị và dành cho mối quan hệ này một vị trí xứng đáng trong chính sách của mình, trong đường lối đối ngoại hội nhập của Việt Nam và trong các chiến lược kết nối đối tác của EU, thực hiện đồng bộ các biện pháp tăng cường quan hệ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, hợp tác phát triển, khoa học – công nghệ và an ninh theo nhu cầu và thế mạnh của mỗi bên.
Hai bên cần tiếp tục tăng cường hiểu biết và tin cậy chính trị thông qua các trao đổi sâu rộng và sự tham gia của tất cả thiết chế của EU như Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các khuôn khổ và định hướng quan hệ theo các cơ chế hợp tác trong Ủy ban hỗn hợp về triển khai Hiệp định PCA và những hiệp định hợp tác trong từng lĩnh vực.
Về hợp tác kinh tế, EU và Việt Nam đều có nhu cầu mở rộng và tiếp cận thị trường của nhau, do đó cần thực thi tốt Hiệp định EVFTA; sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định EVIPA từ phía các nước thành viên và EU nhằm tối đa hóa lợi ích, duy trì cao ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – EU.
Với ưu thế về trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ và đội ngũ chuyên gia, EU được trông đợi sẽ hỗ trợ hiệu quả Việt Nam trong các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, triển khai Hiệp định VGA/FLEGT thúc đẩy quản trị rừng và phát triển ngành chế biến gỗ bền vững tại Việt Nam và trong vấn đề chống đánh bắt cá trái phép, không quản lý và không khai báo (IUU).
Hai bên cũng cần tiếp tục coi trọng hợp tác về quốc phòng, an ninh bao gồm các hoạt động hợp tác trên biển, đề cao vấn đề an ninh hàng hải, đáp ứng lợi ích chung, góp phần bảo đảm an toàn tuyến đường vận tải thương mại từ châu Âu đến Đông Á, đồng thời thúc đẩy nỗ lực xây dựng các vùng biển ở khu vực, trong đó có Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, tự do rộng mở.
Việt Nam và EU cần thúc đẩy hợp tác đa phương và phối hợp lập trường trên cơ sở chia sẻ nhiều quan điểm chung về hòa bình và phát triển tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, ASEM và tại nhiều cơ chế hợp tác đa phương khác, góp phần nâng cao tiếng nói của cả Việt Nam và EU, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác ASEAN-EU theo các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cùng nỗ lực vì hòa bình, an ninh toàn cầu và khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam và EU cần tiếp tục triển khai các biện pháp và sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình nghị sự của Liên hợp quốc đến 2030, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống và những thách thức toàn cầu như dịch bệnh, nhất là những vấn đề hậu đại dịch Covid-19 cũng như vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, phát triển bền vững bao trùm trong thời đại số mới.
Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và tiếp tục nỗ lực thể hiện vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, là một đối tác tin cậy và hiệu quả của EU tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam và EU đã và đang tạo những tiền đề quan trọng cho một triển vọng to lớn của quan hệ giữa hai bên trong nhiều thập kỷ tới.