30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống AIDS, Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2020 sẽ diễn ra trên phạm vi toàn quốc từ 10/11- 10/12/2020 với chủ đề '30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam'.

 Truyền thông về HIV cho phụ nữ mang thai -Ảnh: P.T

Truyền thông về HIV cho phụ nữ mang thai -Ảnh: P.T

Mục tiêu của Tháng hành động năm nay nhằm huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để đạt được các mục tiêu 90-90-90, tạo đà cho giai đoạn mới với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/ AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.

Năm 2020 là năm có nhiều dấu mốc đánh dấu các sự kiện quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, do vậy, Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2020 tập trung vào chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Tại tỉnh Quảng Trị, do tình hình COVID-19, Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 sẽ được triển khai tại tất cả các địa phương trong tỉnh theo hình thức truyền thông gián tiếp, truyền thông trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống HIV/AIDS và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng.

Hướng đến mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam năm 2030, trong 9 tháng đầu năm, nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh trên phạm vi toàn tỉnh. Trong công tác điều trị, hiện toàn tỉnh đang điều trị ARV cho 136 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó 120 bệnh nhân là người nội tỉnh, 15 bệnh nhân là phạm nhân của Trại giam Nghĩa An và 1 Bệnh nhân tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Trị.

Công tác tư vấn xét nghiệm HIV được thực hiện hiệu quả tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải và các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố. 9 tháng qua, các đơn vị trên đã thực hiện tư vấn lấy mẫu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại cộng đồng 37 điểm của 9 huyện, thị xã, thành phố với hơn 820 phụ nữ mang thai tham gia tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm HIV. Giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS 6 tháng đầu năm tại 9 huyện, thị xã, thành phố và 27 trạm y tế các xã trọng điểm và không trọng điểm HIV/AIDS. Tham mưu Sở Y tế ban hành kế hoạch Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn tỉnh, triển khai và thực hiện công tác giám sát kế hoạch tháng cao điểm.

Công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh thông qua việc thực hiện chuyên đề truyền thông tháng cao điểm lên trên chuyên trang của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, treo các pa nô chứa nhiều nội dung thông điệp tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, thiết kế, in ấn và treo băng rôn tuyên truyền trong tháng cao điểm trên nhiều trục đường lớn của TP. Đông Hà. Triển khai khám, chăm sóc và điều trị cho phạm nhân nhiễm HIV tại Trại giam Nghĩa An. Tư vấn xét nghiệm HIV cho phạm nhận, can phạm nhân trong các trại giam và trại tạm giam khác trên địa bàn tỉnh.

Cấp 2.200 test xét nghiệm HIV cho tuyến huyện. Mua thẻ bảo hiểm cho bệnh nhân từ nguồn kinh phí không thường xuyên cho hoạt động điều trị ARV do UBND tỉnh cấp, đảm bảo 100% bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Xây dựng kế hoạch tập huấn cho mạng lưới chương trình phòng, chống HIV/ AIDS tuyến cơ sở. Cùng với đó, ngành y tế đã thực hiện công tác thống kê báo cáo tình hình HIV/AIDS, đưa ra các đánh giá, nhận định về dịch để giúp địa phương có phương án xử trí kịp thời.

Từ những hoạt động trên, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay đã thu được những kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Quảng Trị hướng đến mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Nam, Phụ trách Khoa Phòng chống HIV/ AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, nổi bật nhất trong công tác điều trị HIV/AIDS là một vài năm trở lại đây, phần lớn những bệnh nhân nhiễm HIV khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, trẻ tuổi. Bệnh nhân khi được phát hiện xét nghiệm khẳng định HIV sẽ được đưa vào chương trình điều trị ARV sớm nhất có thể, gần như việc điều trị sẽ được tiến hành ngay tức thì nên hiệu quả điều trị thường rất khả quan.

Tỉ lệ bệnh nhân đang điều trị đã khống chế được vi rút dưới ngưỡng cho phép cao, năm 2020 có đến 97,06% bệnh nhân được điều trị khống chế tải lượng vi rút dưới ngưỡng. Thời gian gần đây, phác đồ điều trị dành cho bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS rất tốt, giúp khống chế được tải lượng vi rút dưới ngưỡng cho phép chỉ trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, một lực cản lớn, mới xuất hiện thời gian gần đây trong công tác phòng chống lây nhiễm HIV/ AIDS hiện nay ở tỉnh ta chính là thực trạng quan hệ đồng tính nam. Trong 3 năm trở lại đây, số người nam có quan hệ đồng giới chiếm đến 50% trong số những người mới được phát hiện nhiễm HIV trên địa bàn.

Do đó, để giữ vững những thành quả đã đạt trên và hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AID vào năm 2030 của cả nước, điều quan trọng nhất trong thời gian tới là Quảng Trị cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng chống HIV/ AIDS một cách đồng bộ. Trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng tại cộng đồng để nâng cao ý thức chủ động phòng bệnh của người dân, nhất là những nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao tại cộng đồng, xóa bỏ sự kỳ thị với người bệnh và những đối tượng dễ bị tổn thương vì HIV/AIDS nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Đồng thời tăng cường công tác xét nghiệm HIV với phương châm tất cả những đối tượng có yếu tố nguy cơ phơi nhiễm HIV cần được xét nghiệm sớm, phải xét nghiệm thường xuyên, định kỳ để sớm phát hiện và sớm đưa vào điều trị, ngăn ngừa các nguồn lây cho cộng đồng và bảo đảm sức khỏe cho người nhiễm HIV.

Phương Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153418