30 'người nhái' tinh nhuệ của bộ đội đặc công tham gia tìm kiếm vụ sập cầu Phong Châu

Chiều 30-9, tại khu vực cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, 30 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 cùng phương tiện chuyên dụng do Trung tá Phạm Ngọc Tuấn Anh, Phó Lữ đoàn trưởng có mặt tại hiện trường để chuẩn bị tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Sau khi xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu vào khoảng 10 giờ ngày 9-9, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các lực lượng khắc phục sự cố, tìm kiếm nạn nhân bị tử vong, mất tích, trục vớt phương tiện.

 Các chiến sĩ đặc công chuẩn bị phương tiện

Các chiến sĩ đặc công chuẩn bị phương tiện

Đến nay, các lực lượng đã đã tìm kiếm được 4 nạn nhân, trục vớt được 1 xe đầu kéo; hiện còn 4 nạn nhân và 7 phương tiện chưa tìm thấy.

Hiện nay, Cục Đường bộ (Bộ GTVT) đã phê duyệt khoản kinh phí 9,13 tỷ đồng để triển khai trục vớt cầu Phong Châu và các phương tiện gặp nạn trong vụ sập cầu.

Để tăng cường lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị mất tích và phương tiện, Quân chủng Hải quân điều động 30 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 126 đến phối hợp với địa phương để tìm kiếm.

Đơn vị sử dụng 30 thợ lặn, 15 bộ máy lặn hở đồng bộ, 3 máy nén khí cơ động, 2 xuồng cao su, 1 buồng tăng giảm áp cá nhân, 3 bộ thông tin thủy âm đồng bộ và các trang bị bảo đảm khác.

Dự kiến, sáng 1-10, thợ lặn thuộc Lữ đoàn 126 Đặc công dùng khí tài lặn kết hợp với các phương tiện hiện có, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tại hiện trường thực hành lặn tìm kiếm cứu nạn ở khu vực cầu Phong Châu. Các kíp thợ lặn luân phiên lặn tìm kiếm theo ca. Khu vực tìm kiếm từ vị trí cầu Phong Châu về hạ lưu sông Hồng đến khu vực cầu phao mới.

Trong ngày 30-9, sau khi Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh hoàn thành việc lắp đặt, kiểm tra kỹ thuật cầu phao dã chiến thay thế cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), các phương tiện ở đôi bờ sông Hồng (huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao) đã được phép lưu thông qua cầu.

Từ 6 giờ cùng ngày, đông đảo người dân và phương tiện từ 2 huyện Lâm Thao và Tam Nông di chuyển qua cầu, tuân thủ các yêu cầu của lực lượng chức năng. Có thời điểm, lượng phương tiện qua đây nối đuôi nhau.

 Các phương tiện ở đôi bờ sông Hồng (huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao) đã được phép lưu thông qua cầu

Các phương tiện ở đôi bờ sông Hồng (huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao) đã được phép lưu thông qua cầu

Trước đó, như Báo SGGP đã thông tin, sáng 29-9, sau khoảng hơn 1 giờ lắp đặt, lực lượng công binh đã hoàn thành việc ghép nối 26 đốt khơi và 2 đốt mố cầu phao.

Để đảm bảo an toàn trong việc vận hành cầu, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát đi thông báo: Các phương tiện xe thô sơ, xe máy, xe gắn máy, mô tô 3 bánh được phép lưu thông 2 chiều, vận tốc không quá 5 km/giờ. Chỉ cho phép ô tô con, xe bán tải lưu thông 1 chiều khi qua cầu, thời gian mỗi chiều lưu thông 10 phút, khoảng cách giữa các xe trên cầu không dưới 30m, vận tốc không quá 10 km/giờ.

Ngay sau khi cầu phao đưa vào hoạt động, lực lượng công an thuộc 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao đã phối hợp triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông giúp cho người và phương tiện lưu thông qua cầu được thuận lợi, an toàn.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/30-nguoi-nhai-tinh-nhue-cua-bo-doi-dac-cong-tham-gia-tim-kiem-vu-sap-cau-phong-chau-post761446.html