30 nhóm kiến nghị của cử tri Hà Nội gửi tới Kỳ họp Quốc hội: Vẫn 'nóng' về các vấn đề xã hội
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV (khai mạc hôm nay, ngày 21/10) của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho thấy, có 30 nhóm vấn đề được cử tri Hà Nội gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư.
Tăng giám sát các vấn đề xã hội
Đề cập đến công tác xây dựng Luật, giám sát của Quốc hội, các cử tri đề cập đến việc sửa đổi Bộ Luật Lao động, trong đó có quy định về tăng tuổi hưu, đồng thời đề nghị Quốc hội không thông qua việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non và tiểu học để phù hợp với thực tiễn.
Nêu ra các dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn Hà Nội, cử tri đề xuất Quốc hội, Chính phủ tăng các giải pháp để chấn chỉnh việc chậm tiến độ, giải ngân vốn rất chậm so với kế hoạch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đất nước và đời sống người dân. Đồng thời, đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc quản lý, sử dụng và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đề cập đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, điều chỉnh tăng hơn 200% so với tổng mức đầu tư ban đầu, 8 lần chậm tiến độ so với cam kết, cử tri cho rằng, việc này ảnh hưởng đến mục tiêu vận tải hành khách công cộng của TP Hà Nội, tiềm ẩn sự thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Từ đó, đề nghị Chính phủ giải trình về dự án trước Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng trên.
Nhiều cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng “chạy” để được hưởng chính sách người có công, gây mất công bằng trong xã hội, đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách người có công. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, công tác hòa giải ở cơ sở góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong toàn xã hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật.
Cử tri lo lắng trước nhiều thông tin xấu
Đề cập đến những vấn đề trong đời sống dân sinh, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này, nhằm khắc phục bệnh thành tích, tình trạng nâng điểm trong thi cử, nâng điểm cho học sinh học thêm hoặc tình trạng một số trường đại học chất lượng kém, không đủ chức năng cấp bằng cho sinh viên vẫn tổ chức thi tuyển.
Không ít cử tri từ các quận, huyện của Hà Nội đã phản ánh, thời gian gần đây tình trạng các trang mạng xã hội và một số báo mạng đưa tin quá chi tiết về một số vụ án giết người nghiêm trọng; một số chương trình truyền hình đã phát sóng có nội dung, hình ảnh nhạy cảm, phi văn hóa. Việc đưa tin như vậy thiếu tính nhân văn, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp chấn chỉnh tình trạng trên. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp bảo mật thông tin cá nhân của người dân.
Phản ánh việc quản lý người nước ngoài tại Việt Nam còn lỏng lẻo, xuất hiện một số vụ việc như người nước ngoài thuê nhà sản xuất ma túy, gây ra các vụ trọng án, mua đất ven biển, môi giới lấy chồng nước ngoài cho phụ nữ Việt Nam..., cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn cho xã hội và không làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của nước ta.
Trong các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri ở Hà Nội, nhiều ý kiến bức xúc trước thực trạng, hiện nay, việc sử dụng, vận chuyển, buôn bán ma túy, chất gây nghiện ngày càng diễn biến phức tạp, số lượng lớn, gây bất an cho xã hội. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Nhiều kiến nghị khác liên quan đến chính sách đối với đối tượng chính sách xã hội, cán bộ cơ sở… tiếp tục được kiến nghị. Trong đó, đề cập đến công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, cử tri cho rằng, việc tinh giản giảm về số lượng, tuy nhiên công việc thực hiện tăng lên. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chính sách về tiền lương, mức phụ cấp cho phù hợp, đồng thời thực hiện phân cấp cho các xã, phường tự cân đối công việc và có thể ký hợp đồng đối với người lao động.