30 phút can thiệp nút mạch, cứu sống một bệnh nhân nguy kịch do vỡ gan phức tạp
Sáng nay (2/6), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhân vỡ gan nguy kịch.
Đó là trường hợp của bệnh nhân nữ N.N.G., 43 tuổi, quê ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, ngày 22/5 được người dân đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ để theo dõi và điều trị đến nay. Tình trạng bệnh nhân lúc vào viện, sốc đa thương do tai nạn giao thông đường thủy; đa chấn thương nặng, vỡ gan phức tạp.
Quá trình khai thác bệnh sử của bệnh viện cho biết, trên đường đi ra đồng bằng, thuyền máy có va chạm với phương tiện giao thông đường thủy khác, khiến bệnh nhân G. bị chấn thương nặng, văng xuống sông và được người dân đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển khẩn cấp vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng nguy kịch: da xanh, niêm nhợt, huyết áp thấp, mạch nhanh nhẹ, đau nhiều vùng bụng, thắt lưng, ngực trái, ngực phải…
Tại bệnh viện, bệnh nhân được hồi sức tích cực truyền máu, bù dịch, giảm đau… Sau khi thăm khám, xét nghiệm và chụp CT-Scan bụng có cản quang phát hiện chấn thương gan phải độ IV-V. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán đa chấn thương nặng, sốc mất máu, vỡ gan phức tạp, tràn máu ổ bụng với lượng nhiều, gãy nhiều xương sườn, dập phổi.
Bệnh nhân lập tức có chỉ định can thiệp chụp và nút mạch cấp cứu cầm máu gan bị vỡ. Sau 30 phút can thiệp, sinh tồn và toàn trạng bệnh nhân cải thiện tốt dần.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt, mạch, huyết áp ổn định, tình trạng chảy máu không còn, bụng mềm, ăn uống được, các xét nghiệm đang trở về bình thường.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, đây là trường hợp bệnh nhân không phải trải qua những cuộc đại phẫu cắt gan nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như: sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ. Với can thiệp nút mạch cầm máu, thành công cũng giúp giảm lượng máu cần truyền, giảm tỉ lệ tử vong và giảm thời gian nằm viện cho bệnh nhân./.