“Tàu sân bay Nga ngay sau khi nhận được phiên bản hải quân của tiêm kích tàng hình Su-57 sẽ lập tức trở thành một trong những phương tiện tác chiến đáng gờm nhất trên thế giới”.
Ý kiến trên được chuyên gia quân sự, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháo binh và Tên lửa - Đại tá hải quân Konstantin Sivkov bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn với tờ PolitRussia.
Trước đó thành viên Ủy ban Công nghiệp Quốc phòng Liên bang Nga - ông Vladimir Pospelov đã cho biết tiêm kích Su-57 sẽ sớm có phiên bản hoạt động trên tàu sân bay.
Theo ông Pospelov, để làm được điều này các nhà thiết kế sẽ phải tính toán lại mọi đặc điểm của Su-57, tập trung vào đôi cánh gấp và phần tử kết nối với thiết bị hãm, đây là khác biệt chính so với phiên bản dành cho không quân.
Hiện tại Hải quân Nga chỉ có một tàu sân bay duy nhất là chiếc Đô đốc Kuznetsov, nó được trang bị phi đội hỗn hợp gồm các tiêm kích hạng nhẹ MiG-29K và hạng nặng Su-33.
Mặc dù hai loại chiến đấu cơ nói trên được đánh giá cao, tuy nhiên ông Konstantin Sivkov giải thích, phiên bản hải quân của Su-57 là cần thiết cho hạm đội Nga và thậm chí không nên đặt câu hỏi về tính hiệu quả của vấn đề này.
“Tất nhiên chiếc tiêm kích này là cực kỳ cần thiết, tôi sẽ gọi sự ra đời của phiên bản Su-57 trên tàu sân bay là vô cùng quan trọng'', chuyên gia Sivkov nhấn mạnh
Vị chuyên gia nói thêm: "Mặc dù Su-33 hay MiG-29K vẫn tỏ ra đáng sợ. Nhưng nhiều hạm đội nước ngoài đã được trang bị tiêm kích thế hệ 4 ++, thậm chí cả F-35 thuộc thế hệ thứ năm".
Trước thực tế đó, Nga phải gấp rút tiến hành hiện đại hóa các chiến đấu cơ hoạt động trên tàu sân bay của mình, để làm được điều này thì cần phải có những tiêm kích hoàn hảo và mạnh nhất.
Chuyên gia Sivkov chắc chắn Su-57 Felon có khả năng giành ưu thế trước tất cả các máy bay chiến đấu hiện đại của nước ngoài, bao gồm cả F-22 Raptor và F-35 Lightning II do Mỹ sản xuất.
Nếu Su-57 được nâng cấp thành tiêm kích hạm - và theo ông Sivkov thì không có trở ngại kỹ thuật lớn nào, sẽ khiến tàu sân bay của Hải quân Nga trở thành phương tiện chiến đấu hàng đầu thế giới.
“Su-57 và Su-33 là những máy bay xấp xỉ về trọng lượng và kích thước. Tất cả những đặc điểm khác của 57, bao gồm cả khả năng hạ cánh, đều ở trình độ kỹ thuật cao hơn, đơn giản vì nó trẻ hơn 30 năm”.
“Chính vì vậy việc đưa Su-57 lên tàu sân bay là hoàn toàn khả thi, đặc biệt nếu yêu cầu như vậy được đặt ra một cách nghiêm túc”, ông Sivkov giải thích.
Theo vị chuyên gia, hàng không mẫu hạm Mỹ luôn có tính xung kích, trong khi tàu sân bay Nga lúc nào cũng phải vượt qua các lớp tàu phòng không.
Do vậy việc Moskva có được một tiêm kích hạm như Su-57 là cực kỳ quan trọng, mặc dù nó thua kém một số loại máy bay khác, chẳng hạn như F/A-18 trong việc mang khối lượng lớn vũ khí tấn công.
“Nếu Nga có một hàng không mẫu hạm với phi đội Su-57, Washington sẽ gặp rất nhiều khó khăn do Hải quân Mỹ không có khả năng chống lại chiến đấu cơ của chúng ta trên biển".
"Tiêm kích F-35 tiên tiến của họ thua kém Su-57 về mọi đặc tính kỹ thuật. Đối với F/A-18, chúng là máy bay thế hệ thứ tư, tức là cũng sẽ thua trong điều kiện không chiến”.
Chuyên gia Sivkov kết luận: “Ngay cả khi tàu sân bay Nga với một nhóm nhỏ không quân gồm 30 chiếc Su-57 cũng đủ sức chống lại hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ mang theo 60 tới tiêm kích các loại”.
Việt Dũng