30 Tết của những công nhân làm đẹp cho Thủ đô

Ngày cuối cùng của năm Quý Mão 2023, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài với công việc làm đẹp phố phường giữa dòng người ngược xuôi về quê ăn Tết.

Với họ, Tết cũng chỉ như bao ngày bình thường khác, vẫn âm thầm công việc làm cho diện mạo của Thủ đô luôn xanh - sạch - đẹp. Mong muốn được đón Giao thừa cùng gia đình cũng là điều ước xa xỉ suốt hàng chục năm qua.

15 năm gắn bó với công việc là từng ấy năm bà Lưu Thị Huyền (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không biết bữa cơm Giao thừa chiều 30 Tết là gì. Dù xa gia đình vào những ngày này, nhưng bà luôn dành tình yêu đặc biệt với nghề làm đẹp cho đời, chưa bao giờ, bà coi đó là một nghề vì “miếng cơm manh áo”.

 Bà Huyền đã gắn bó với công việc làm đẹp cho thành phố 15 năm, cũng là từng ấy cái Tết bà không đón Giao thừa cùng gia đình.

Bà Huyền đã gắn bó với công việc làm đẹp cho thành phố 15 năm, cũng là từng ấy cái Tết bà không đón Giao thừa cùng gia đình.

Bà Huyền cho biết: "Những ngày Tết đến thì công nhân môi trường vất vả hơn nhiều so với ngày thường, rác ở khắp mọi nơi, trung bình 1 người 1 ca phải thu gom hơn 10 xe rác. Rác nhiều là thế, vất vả là thế nhưng chị em chúng tôi vẫn vui vẻ vì công việc của mình góp phần làm xanh - sạch - đẹp cho đường phố Thủ đô".

“Có năm Giao thừa rồi chúng tôi vẫn đang cẩu rác vì số lượng nhiều hay đang trên đường về nhà thì bắn pháo hoa… Những lúc như vậy, ai cũng muốn hoàn thành công việc thật nhanh để về với gia đình! Nhiều tổ vệ sinh môi trường còn phải làm ca cuối cùng làm đến sáng, vất vả hơn nhiều so với ca ngày và ca tối”, bà Huyền nghẹn ngào nói.

Dù đã ngoài 60, bà Huyền mong muốn mình sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho công việc, đồng lương sẽ được cải thiện để ổn định cuộc sống.

 Chị Tĩnh tranh thủ gom nhặt thêm chai, lọ phế liệu về trang trải cuộc sống.

Chị Tĩnh tranh thủ gom nhặt thêm chai, lọ phế liệu về trang trải cuộc sống.

Cơ duyên đến với nghề công nhân môi trường của chị Trịnh Thị Tĩnh (quê Thanh Hóa) cũng thật tình cờ. Chị Tĩnh chia sẻ, con trai lớn của mình bị chậm phát triển nên phải chuyển tuyến từ Thanh Hóa về Hà Nội để điều trị lâu dài. Vì chi phí nằm viện cao, lại ở lâu dài để khám chữa bệnh cho con, cả 2 vợ chồng đã xin làm công nhân vệ sinh môi trường.

Công việc của chị Tĩnh bắt đầu lúc 14 giờ chiều và kết thúc vào 11 giờ đêm, những ngày Tết có thể muộn hơn sang tận ca sau. Thế nhưng, cứ mỗi khi hết ca, chị Tĩnh lại lọ mọ đi thu nhặt thêm chai lọ, bìa giấy để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Nhắc đến Tết, chị Tĩnh nghẹn ngào: “Vì công việc nên tự dặn mình phải cố gắng, chứ những ngày như này ai cũng muốn ở bên gia đình. Thế nhưng mỗi khi quét dọn xong một tuyến phố, thu gom xong một góc nhỏ của tổ dân phố, nhìn nó sạch sẽ, không còn rác cũng phần nào động viên mình vì góp phần làm những tuyến đường phụ trách thêm xanh, sạch”.

 Vệ sinh môi trường là một trong những nghề nặng nhọc. Công việc của công nhân vệ sinh môi trường là làm hết việc chứ không phải làm hết giờ. Chỉ khi nào đường phố sạch đẹp thì họ mới được về nhà nghỉ ngơi.

Vệ sinh môi trường là một trong những nghề nặng nhọc. Công việc của công nhân vệ sinh môi trường là làm hết việc chứ không phải làm hết giờ. Chỉ khi nào đường phố sạch đẹp thì họ mới được về nhà nghỉ ngơi.

Trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, chị Tĩnh mong rằng mình sẽ có sức khỏe để đồng hành cùng con trai trên chặng đường chiến đấu cùng bệnh tật phía trước. Bên cạnh đó, chị Tĩnh cũng mong muốn người dân sẽ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn, vứt rác đúng nơi quy định hơn góp phần giữ gìn thành phố xanh - sạch - đẹp và cũng giúp những công nhân như chị Tĩnh, bà Huyền đỡ vất vả phần nào.

Khoảnh khắc Giao thừa sắp đến, những công nhân vệ sinh môi trường cũng chỉ biết an ủi, động viên nhau vượt qua nỗi buồn để cùng nhau hoàn thành công việc một cách trọn vẹn. Bởi lẽ, mỗi người trong xã hội lại có một nghề, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì nghề nặng nhọc sẽ nhường cho ai?

Chia sẻ của những công nhân vệ sinh môi trường ngày cận Tết Nguyên đán.

ĐẶNG CƯỜNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/30-tet-cua-nhung-cong-nhan-lam-dep-cho-thu-do-764172