30 thanh đồng, cung văn cả nước tham gia Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hà Tĩnh
Sáng 25/10, tại Đền Truông Bát (xã Ngọc Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh), Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh phối hợp UBND huyện Thạch Hà tổ chức khai mạc liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Hà Tĩnh lần thứ III năm 2019.
Đại diện Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo Sở VH-TT &DL Hà Tĩnh, UBND huyện Thạch Hà, các đoàn nghệ thuật và đông đảo bà con nhân dân địa phương tham dự lễ khai mạc
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt có lịch sử lâu đời và biến chuyển tích cực, thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng có sự pha trộn tôn giáo bản địa người Việt và một số dân tộc khác trên cả nước.
Các tiết mục văn nghệ chào mừng liên hoan
Diễn văn khai mạc do Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Cảnh Thụy trình bày nêu rõ: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là di sản có sức sống và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt. Năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã chính thức được UNESSCO vinh danh, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh Nguyễn Cảnh Thụy đọc diễn văn khai mạc liên hoan
Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt lần thứ III năm 2019 nằm trong khuôn khổ chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017 – 2022.
Liên hoan lần này có sự tham gia của 30 thanh đồng, nghệ nhân đến từ các tỉnh, thành
Liên hoan lần này có sự tham gia của 30 thanh đồng, cung văn đến từ các tỉnh, thành: Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ngãi… Trong đó, riêng Hà Tĩnh có 16 thanh đồng, cung văn tham gia.
Ban tổ chức tặng hoa và cờ lưu niệm cho các nghệ nhân
Đây là dịp để các thanh đồng, nghệ nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu đặc thù của các giá hầu, đưa tín ngưỡng thờ Mẫu phổ biến rộng rãi tại các địa phương.
Sau lễ khai mạc, các đoàn sẽ tham gia thực hành diễn xướng.
Giá hầu Quan Hoàng Mười của đồng thầy Phạm Quang Hồng, thủ nhang Đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười (thị xã Hồng Lĩnh)
Tân đồng 7 tuổi đến từ Hà Nội
Theo kế hoạch, Liên hoan diễn ra trong 2 ngày, từ 25 – 26/10/2017 tại đền Truông Bát. Chương trình bế mạc sẽ tổ chức vào chiều 26/10.
Đền Truông Bát (xã Ngọc Sơn – huyện Thạch Hà – Hà Tĩnh) tọa lạc trong khu vực 8 quả núi thuộc Nông trường Thạch Ngọc trước đây. Đền thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn (hay còn gọi là Lộc Hoa Công Chúa) – Bà chúa Lộc, Đệ nhất Thượng Thiên – Mẫu Liễu Hạnh, Đệ tam Thủy phủ - Mẫu Thoải và Quan Hoàng Mười.
Đền Truông Bát được vua Minh Mạng phong là “Vương Nương thánh mẫu, Cao Sơn thần nữ, Chế Thắng đại vương, Thượng Thượng đẳng tối linh thần”. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đền xuống cấp nghiêm trọng và đã được xây dựng lại trên nền đất cũ. Năm 2011, đền Truông Bát được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ngày 7 tháng 4 âm lịch hằng năm là ngày lễ trọng, hội chính của đền.