'31 tuổi, tôi kiếm được đồng nào xào ngay đồng nấy'

Thoát khỏi gánh nặng chu cấp cho gia đình, nhiều người độc thân châu Á không có khái niệm tiết kiệm, tiền kiếm được tháng nào tiêu hết tháng đó.

Bữa trưa gọi đồ ăn mang đến văn phòng; sau giờ làm mua đồ ăn tối tại cửa hàng tiện lợi; tối thứ 6 một mình dùng bữa trong nhà hàng cao cấp; cuối tuần đi leo núi, mua sắm, du lịch. Đây là cuộc sống của Yang Yang, một phụ nữ độc thân 31 tuổi, theo Global Times.

5 năm trước, Yang chuyển đến Bắc Kinh. Hiện tại, cô sống một mình và kiếm được hơn 10.000 NDT/tháng. Yang nói rằng tháng nào cô cũng tiêu hết số tiền kiếm được, không sót một đồng.

Câu chuyện của Yang cũng phần nào phản ánh cuộc sống của hàng triệu người độc thân khác ở Trung Quốc.

 Giới trẻ châu Á tiêu xài cho nhu cầu cá nhân mạnh tay hơn các thế hệ trước. Ảnh: Getty.

Giới trẻ châu Á tiêu xài cho nhu cầu cá nhân mạnh tay hơn các thế hệ trước. Ảnh: Getty.

Theo CCTV, 40% người độc thân ở các thành phố hạng nhất của đất nước tỷ dân thuộc "moonlight clan" - nhóm người luôn tiêu hết tiền lương của họ trong một tháng.

Ở các thành phố có thu nhập hàng tháng thấp hơn, tỷ lệ nhóm tiêu xài hoang phí cũng tăng mạnh. 76% thanh niên độc thân sống ở các thành phố cấp 4 và 5 không có khái niệm tiết kiệm.

"Người tiêu dùng độc thân không có trách nhiệm hỗ trợ cha mẹ và con cái. Họ chủ yếu chi tiêu cho bản thân. Nhóm này gia tăng tạo ra sức mua khổng lồ đồng thời thiết lập những khái niệm mới trong tiêu dùng", Yin Zhichao, trưởng khoa Tài chính tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh, nói.

"Tôi kiếm tiền để tiêu pha, không phải để tiết kiệm"

Người độc thân chi tiêu mạnh cho các dịch vụ giải trí một người. Nơi nghỉ dưỡng, phim ảnh, bữa ăn yêu thích... họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thỏa mãn bản thân.

Yang có những chuyến đi kéo dài hai tuần và một vài kỳ nghỉ ngắn ngày trong một năm. Cô đã đi du lịch một mình đến bãi biển Aranya ở Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc vào một ngày cuối tuần của tháng 11 năm ngoái, chỉ để ngắm hoàng hôn trên biển.

Yang luôn tận dụng những ngày nghỉ lễ để đi du lịch dài ngày. Trong đợt lễ Quốc khánh vừa qua, cô đã đến Gannan, tỉnh Cam Túc để tự mình thưởng ngoạn cảnh đẹp. Cô đang lên kế hoạch đến Thành Đô và thưởng thức ẩm thực Tứ Xuyên trong kỳ nghỉ tiếp theo.

"Lợi thế của việc đi du lịch một mình là bạn có thể đi ngay khi quyết định, chủ động về thời gian, tự quyết điểm đến, hành trình, lựa chọn khách sạn và ăn uống", Yang nói.

 Nhiều người trẻ không tiết kiệm vì không mang gánh nặng chu cấp cho người thân. Ảnh: Bloomberg.

Nhiều người trẻ không tiết kiệm vì không mang gánh nặng chu cấp cho người thân. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, du lịch một mình luôn tốn kém hơn. Yang thường tốn khoảng 8.000 NDT cho một chuyến đi đường dài và 1.000 NDT cho một chuyến ngắn ngày.

"Tôi làm việc chăm chỉ mỗi ngày để kiếm tiền và tiêu xài theo ý muốn, không phải để tiết kiệm. Là một phụ nữ độc thân không cần chu cấp cho gia đình, tôi kiếm được đồng nào xào ngay đồng nấy, không bao giờ ăn uống hay du lịch tằn tiện", cô nói.

Người độc thân cũng sẵn sàng chi tiền để tìm kiếm chỗ dựa tình cảm. Khảo sát của CCTV cho thấy hơn 70% những người sinh trong những năm 1980 và 1990 có nuôi thú cưng và hầu hết họ đều sống một mình.

Gao Min, 31 tuổi, đã sống một mình ở Bắc Kinh được 7 năm và quyết định nhận nuôi một con mèo vào năm ngoái. Gao cho biết việc ở nhà một mình và nói chuyện với bức tường khiến cô trở nên cô đơn trong thời gian giãn cách.

Cô cho biết mình cần thú cưng để cảm thấy được an ủi và đồng hành. Gao đã chi gần 200 NDT/tháng cho con mèo của mình.

Tiêu tiền để quên đi áp lực

Không chỉ ở Trung Quốc, tại Nhật Bản, quốc gia được mệnh danh là "tiết kiệm nhất châu Á", giới trẻ cũng đang tiêu xài thoải mái hơn trước.

Bước ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế cuối những năm 1990 đầu 2000, thanh niên Nhật Bản từng được hình dung là những người làm mọi cách để tiết kiệm chi tiêu: thích săn lùng phiếu giảm giá, ăn uống tại nhà thay vì tụ tập ở ngoài…

Tuy nhiên, khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại, tỷ lệ thất nghiệp giảm kỷ lục trong những năm gần đây, giới trẻ xứ Phù Tang trở thành những "người tiêu dùng lạc quan".

Kết quả mới nhất của MRI, nghiên cứu về mô hình chi tiêu của giới trẻ được thực hiện từ năm 2011, cho thấy hơn 45% người trong độ tuổi 20 sở hữu ôtô vào năm 2017.

Kể từ năm 2016, các hoạt động giải trí như uống bia và du lịch nước ngoài của thế hệ Z đã tăng vọt so với mức trung bình của cả nước.

Hiroshi Ishida, giáo sư Xã hội học tại ĐH Tokyo, người điều hành một nghiên cứu về lối sống của giới trẻ, lưu ý rằng những người 20-34 tuổi "tương đối hài lòng" với cuộc sống.

 Các cửa hàng xa xỉ hướng trọng tâm sang các thị trường châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Các cửa hàng xa xỉ hướng trọng tâm sang các thị trường châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Còn tại Hàn Quốc, “shibal biyong” (tạm dịch: chi tiêu chết tiệt) là từ dùng để mô tả lối sống “không cần biết đến ngày mai”. Trong tiếng Hàn, "biyong" có nghĩa là chi phí còn "shibal" là một từ chửi thề.

Thuật ngữ này ám chỉ cách xài tiền hoang phí, "có đồng nào xào đồng nấy" mà không muốn tiết kiệm vì tương lai kém triển vọng. Bạn mua chiếc áo khoác đẹp vì nghĩ để dành cả đời cũng không đủ tiền mua nhà. Bạn ăn bít tết bởi cho rằng không bao giờ tiết kiệm đủ cho quãng đời sau khi về hưu.

Trong mắt những người lớn tuổi, “shibal biyong” là một điều gì đó rất tiêu cực, dùng để chỉ những kẻ phá tiền cho những việc vô bổ, không bao giờ có suy nghĩ tằn tiện cũng như ý chí phấn đấu.

Nhưng đối với những người trẻ Hàn Quốc, “shibal biyong” được xem là phương thuốc tức thời cho những mệt mỏi, áp lực công việc và cuộc sống.

Nền kinh tế độc thân

Khi nền kinh tế độc thân phát triển mạnh, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đổ xô vào cuộc đua thị phần.

Hàng loạt sản phẩm đáp ứng thói quen tiêu dùng của một người, chẳng hạn như ăn uống dành cho một người, thiết bị gia dụng nhỏ, du lịch một mình... ngày càng phổ biến.

"Vì đó là mức chi tiêu của một người ở quy mô nhỏ, nên các đặc điểm như tính linh hoạt, hiệu suất, chi phí và thời trang có thể dần trở thành xu hướng", Yin Zhichao, trưởng khoa Tài chính tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh, nói.

Nhiều nhà hàng đã giới thiệu bàn ăn dành cho một người, nơi thực khách được cách ly hoàn toàn, để thu hút người tiêu dùng. Yang cho biết cô rất vui khi nhiều nhà hàng ngày càng để tâm đến khách hàng đi một mình và giới thiệu những phần ăn nhỏ hơn.

"Mặc dù tôi ăn một mình, tôi có thể thử nhiều món cùng lúc và không cần phải lo lắng về việc lãng phí thức ăn", cô nói.

 Nền kinh tế độc thân phát triển mạnh ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ảnh: China Daily.

Nền kinh tế độc thân phát triển mạnh ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ảnh: China Daily.

Ngoài dịch vụ ăn uống, ngành công nghiệp thiết bị gia dụng cũng đã điều chỉnh các sản phẩm của mình với các phiên bản nhỏ hơn. Nhiều thiết bị gia dụng nhỏ đa chức năng và được thiết kế thời trang trở thành xu hướng trong nhóm tiêu dùng độc thân.

Trí tuệ nhân tạo cũng đang bước vào nền kinh tế độc thân. CCTV đưa tin thị trường loa thông minh với tính năng trò chuyện có doanh số bán hàng bùng nổ. Số đơn đặt hàng đạt 45,89 triệu trên toàn Trung Quốc, với mức tăng trưởng hàng năm là 109,7% vào năm 2019.

Theo Global Times, những người trẻ độc thân sinh sau năm 1990 và 2000 sống trong một thời đại hoàn toàn khác với thế hệ cha mẹ của mình. Họ không có nhiều ràng buộc, trải nghiệm một cuộc sống dễ dàng hơn, độc lập hơn về mặt kinh tế và tư tưởng, đồng thời có những giá trị, quan điểm sống độc đáo.

Những đặc điểm này tạo ra doanh thu khổng lồ cho nền kinh tế độc thân nhưng lại gây ra lo ngại trong giới nhân khẩu học.

Zhou Haiwang, Phó Giám đốc Viện Dân số và Phát triển thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói rằng tỷ lệ sinh thấp sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể khoảng cách lao động. Điều này về lâu dài sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/31-tuoi-toi-kiem-duoc-dong-nao-xao-ngay-dong-nay-post1206011.html