32/237 chợ hoạt động, TP.HCM ứng dụng công nghệ đi chợ truyền thống
Số lượng chợ truyền thống hoạt động giảm do có liên quan các ca nhiễm. TP.HCM đang tính các giải pháp để chuỗi cung ứng hàng hóa được đảm bảo.
Tính đến 21/7, trên địa bàn thành phố có 32/237 chợ truyền thống đang hoạt động. 205 chợ hiện tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nên phải tạm ngưng hoạt động (trong đó có 202 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối).
Trong ngày 21/7, ghi nhận thêm 1 chợ ngưng hoạt động so với ngày 20/7 (chợ An Hội - quận Gò Vấp) do có liên quan ca nhiễm tại chợ.
Trong khi đó, một số chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết,... ) đã khôi phục hoạt động như: chợ Nguyễn Tri Phương, chợ An Đông (quận 5); chợ Bình Thới, chợ Phú Thọ (quận 11); chợ Kiến Thành (quận Bình Tân),...
Cũng trong ngày, Sở Công Thương TP.HCM có công văn hỏa tốc gửi các địa bàn thuộc thành phố, đơn vị quản lý 3 chợ đầu mối và các chợ truyền thống về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ, đảm bảo an toàn để cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Công Thương, phương thức kinh doanh tại các chợ truyền thống, các điểm bán tại địa phương cần đảm bảo việc giãn cách khi đi mua sắm, phân chia khu vực, kẻ vạch. Hàng hóa được đóng gói và niêm yết sẵn giá để người mua lựa chọn nhanh và hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán - người mua.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống, sau thời gian triển khai thí điểm sẽ nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn.
Sở khuyến khích các việc ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp trong tổ chức hoạt động của chợ, kiểm soát được số lượng người ra - vào chợ theo từng thời điểm, khai báo y tế điện tử và lưu trữ thông tin liên quan nhằm phục vụ việc khoanh vùng, truy vết khi cần thiết.
Hiện, mô hình “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân” thí điểm tại chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) và mô hình “Tổng đài đặt lịch đi chợ” thí điểm tại chợ Bình Thới (quận 11).
Đối với các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ đầu mối, cần có lực lượng kiểm tra người ra vào chợ (thương nhân, người phụ việc, người mua hàng, người điều khiển phương tiện và phụ xe) phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định mới được ra vào chợ, thực hiện nghiệm quy định 5K của Bộ Y tế, đeo khẩu trang và mặt nạ chống giọt bắn.
Đối với các phương tiện vận chuyển, khi ra vào chợ phải thực hiện phun xịt khử khuẩn toàn phương tiện. Các địa điểm trên chỉ tổ chức tập kết và trung chuyển hàng hóa, tuyệt đối không giải quyết việc giao dịch, buôn bán hàng hóa.