32 dự án bất động sản được Thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng pháp lý
Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo về tháo gỡ liên quan tới các dự án, UBND Thành phố Hồ Chí báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có 66 dự án bất động sản vướng mắc kéo dài nhiều năm. Thành phố hiện đã giải quyết 34 dự án, còn lại 32 dự án vướng pháp lý đã nhiều năm.
Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xử lý 32 trong tổng số 66 dự án bất động sản gặp vướng mắc về pháp lý kéo dài.
Dự án bất động sản vướng pháp lý nhiều năm gồm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội
Với các dự án bất động sản tồn đọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xử lý theo các quy định, tiền lệ đã có. Với các dự án chưa có tiền lệ, thành phố tiếp tục báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền phương án xử lý.
Từ năm 2022 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng chục dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm. Các dự án được chia thành 3 nhóm gồm: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại không thuộc diện phải rà soát pháp lý và nhà ở thương mại bị rà soát, thanh tra, kiểm tra.
Giới chuyên gia dự đoán sau khi những vướng mắc về pháp lý được gỡ bỏ, thị trường sẽ xuất hiện nhiều hơn những thương vụ hợp tác để cùng nhau hồi sinh dự án cũ. Việc này sẽ "làm giàu" hơn nguồn cung nhà ở của thành phố trong các năm tới, giúp giải cơn khát nhà ở đã "đeo bám" thành phố hơn 4 năm qua. Đây cũng được kỳ vọng là chìa khóa giúp điều tiết thị trường, kéo giảm đà tăng giá bất động sản.
Thành phố Hồ Chí Minh còn 12 công trình, dự án lớn tồn đọng
Trong đó có 6 dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng, gồm:
Khu đô thị đại học quốc tế xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), SaiGon Sports City, Saigon Center 4, Saigon Center 5, đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (thành phố Thủ Đức) và dự án chống ngập.
Ngoài ra còn có 3 dự án, 3 tài sản công thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ ngành.
Đồng thời, có 200 dự án khác đang được Thành phố Hồ Chí Minh tập hợp thông tin để tiếp tục báo cáo Thủ tướng.
Với các dự án đầu tư, các khó khăn chủ yếu liên quan giải phóng mặt bằng, điều kiện sử dụng đất, chỉ tiêu quy hoạch, phương án tài chính, hoặc một số nội dung trong quyết định đầu tư cần điều chỉnh để phù hợp với quy định mới. Các tài sản công đều vướng liên quan sắp xếp lại cơ sở nhà đất do các bộ, ngành Trung ương quản lý.
Thủ tướng cho biết qua xử lý, Chính phủ có thêm nhiều kinh nghiệm để trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), luật sửa đổi 9 luật, luật sửa đổi 4 luật trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Hơn 1 tháng qua, Chính phủ cũng ban hành hàng chục nghị định hướng dẫn.
Về công việc thời gian tới, Thủ tướng cho biết trong các dự án lớn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, dự án đô thị Đại học Quốc tế đã được xem xét, chỉ đạo hướng giải quyết. Năm dự án còn lại, trong đó có dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, đang được đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách để xử lý. Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết để tháo gỡ cho dự án này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao trình ban hành nghị quyết này trước ngày 15/1.
Với 200 dự án khác đang được thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh được yêu cầu tiếp tục phân loại, làm rõ thẩm quyền xử lý, đề xuất phương án theo các luật mới được ban hành.
Thủ tướng nói việc gỡ vướng phải "quyết liệt, việc nào dứt việc đó, rõ thời gian, hiệu quả". "Có thông tin tới đâu xử lý tới đó, việc đã chín, đã rõ thì quyết định, việc chưa rõ thì tiếp tục thu thập thông tin đầy đủ".
Các đơn vị giải quyết nhanh, hiệu quả nhưng không để sai chồng sai, tiêu cực, lãng phí.