32 vị trí sạt lở nguy hiểm ở TP.HCM sẽ được xử lý thế nào?
Sạt lở nghiêm trọng tại bờ kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh, khiến 13 hộ dân phải di dời khẩn cấp, nhiều nhà cửa bị lún, sụp xuống sông.
Những ngày này, người dân hẻm 886, phường 25, quận Bình Thạnh luôn sống trong thấp thỏm vì ở trong khu vực sạt lở nguy hiểm gần bờ kênh Thanh Đa. Sau vụ sạt lở nguy hiểm vào cuối tháng 6 vừa qua, 14 hộ dân được phường hỗ trợ di dời khẩn cấp.
Sạt lở trong đêm, di dời khẩn 13 hộ dân
Bà Nguyễn Thị Công, 82 tuổi, nhà trong hẻm 886 sát mé kênh Thanh Đa kể lại: “Đó là vào đêm cuối tháng 6, khi đang ngủ say tôi giật mình tỉnh dậy vì nghe tiếng động mạnh trước nhà. Mở cửa nhìn ra thì một nửa căn phòng của con gái đã chìm xuống nước. May hôm đó con tôi không ngủ ở trong phòng".
Cũng theo bà Công, bà sinh sống ở đây từ nhỏ. Đây là lần sạt lở nghiêm trọng nhất, không chỉ căn phòng giáp mé kênh bị nứt mà một phòng trong nhà, góc tường cũng nứt toác. Căn phòng này giờ con bà không dám ngủ vì có thể bị sụp bất cứ lúc nào.
Sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền phường cũng đến thăm hỏi, động viên nhưng chưa được nhận hỗ trợ gì.
Clip vị trí sạt lở nguy hiểm ở bờ kè kênh Thanh Đa và cầu Giồng Ông Tố
Chỉ tay sang phía nhà đối diện, bà Công bảo: Nhà này họ mới xây đóng cọc, bê tông cốt thép, giằng sắt kiên cố như thế mà sau vụ sạt lở vừa qua cũng bị long móng, hai bờ tường ốp sát nhau bị tách đôi, còn phía trái nhà thì sạt lở xói sâu mấy thước.
Cùng dãy nhà, anh Phạm Văn Tý đang gói gém nốt số đồ đạc trong nhà để chuẩn bị di dời đến nơi ở mới. Chân móng nhà anh Tý bị sạt lở khoét sâu vào nửa mét như hàm ếch.
“Sau sạt lở nếu ở lại sẽ rất nguy hiểm, phường yêu cầu gia đình tôi dọn đến chung cư ở tạm. Còn đi đến khi nào và nhà nước hỗ trợ sửa chữa nhà ra sao, chúng tôi chưa biết”, anh Tý nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Na trông coi miếu thờ ở sát mé kênh chia sẻ: “Những lần trước, sạt lở chỉ ở bên ngoài không vào đến hành lang an toàn chống sạt lở. Buổi tối người dân vẫn đem ghế ra hành lang ngồi hóng gió, giờ sạt lở đã nuốt nửa điện thờ”.
Vị trí sạt lở ở khu vực cầu Giồng Ông Tố, TP Thủ Đức cũng không kém phần nguy hiểm. Cơ quan chức năng phải gắn biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm.
Bà Trần Thị Hồi, 95 tuổi, nhà ở sát mé sông cho biết: “Tôi tốn mấy trăm triệu để đóng cọc, đổ đá, xà cừ mà cũng không ăn thua, vẫn bị nước xói đi. Cứ vài năm lại phải đổ đá, đóng cừ để giữ đất”.
Đẩy nhanh tiến độ 23 dự án chống sạt lở
Phòng Đường thủy thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết, vị trí nguy cơ sạt lở nguy hiểm thuộc bờ phải kênh Thanh Đa, cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50m về phía thượng lưu 120m. Phạm vi nguy cơ sạt lở nguy hiểm có chiều dài dọc kênh khoảng 120m, chiều rộng từ đỉnh kè đá hiện hữu vào trong bờ khoảng 10m.
Qua khảo sát, đỉnh kè đá khu vực bị sụt lún có xu hướng chuyển vị về phía bờ kênh, một số căn nhà dọc theo bờ kênh bị lún nứt, nghiêng về phía kênh, xuất hiện vết nứt cách đỉnh kè đá hiện hữu khoảng 10m, dọc theo chiều dài khoảng 120m.
Theo đánh giá nguyên nhân ban đầu, do đang trong mùa mưa bão nên mưa lớn, triều cường xảy ra thường xuyên gây bão hòa nước khu vực bên trong đỉnh, kè tạo áp lực nước lớn khi triều kiệt. Nhà dân xây dựng cách đỉnh kè 3,5m làm gia tăng tải trọng ngang gây nguy cơ sạt lở.
Sạt lở khiến đỉnh kè bị sụt lún, gây hư hỏng khoảng 120m kè. Khu vực nhà dân bên trong bị lún nứt, một số căn nhà bị nghiêng về phía kênh, nguy cơ sạt lở rất cao. Trong đó, có 13 hộ dân sống tiếp giáp khu vực đỉnh kè bị ảnh hưởng trực tiếp.
Theo Sở GTVT, sau khi di dời những hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, UBND quận Bình Thạnh tổ chức rào chắn khu vực nêu trên và bố trí lực lượng trực gác thường xuyên, không cho người dân ra vào.
Đối với Trung tâm Quản lý đường thủy, phải tổ chức đo đạc lòng sông, đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở cấp bách tại vị trí trên, báo cáo Sở GTVT trong thời gian sớm nhất để triển khai công trình khắc phục sạt lở.
TP.HCM hiện có 32 vị trí sạt lở; có 24 vị trí nguy hiểm và có 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Trong số 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có ba điểm ở huyện Nhà Bè, hai điểm ở TP Thủ Đức, 2 ở huyện Bình Chánh, một điểm ở huyện Cần Giờ.
Với những vị trí có chủ trương đầu tư, UBND thành phố đã chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở thuộc thẩm quyền của địa phương.
Theo Sở GTVT, các địa phương cần đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB của các công trình kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư để sớm có mặt bằng thi công dứt điểm các dự án kè chống sạt lở trên địa bàn.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong số 32 vị trí sạt lở đã có 23 vị trí có chủ trương đầu tư dự án xây kè chống sạt lở.
Chín vị trí sạt lở chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở gồm hai vị trí ở TP Thủ Đức, môt ở Nhà Bè, hai ở huyện Bình Chánh, bốn ở huyện Cần Giờ.
Đối với 9 vị trí này, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở GTVT sớm tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư một dự án tại TP Thủ Đức, một dự án tại huyện Bình Chánh.
UBND TP.HCM cũng đã giao UBND các quận huyện trên thông báo, cảnh báo cho nhân dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở biết để chủ động phòng tránh; khảo sát đề xuất giải pháp xử lý sạt lở cho 7 vị trí còn lại báo cáo UBND thành phố.