33 năm sự kiện Gạc Ma: Không bao giờ quên!

Dù đã 33 năm trôi qua, những người lính Gạc Ma năm ấy chưa một ngày quên Gạc Ma, chưa một ngày quên những người đã ngã xuống cho chủ quyền của Tổ quốc.

Hơn 10 năm nay, cứ đến ngày 14-3, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng lại bận rộn chuẩn bị cho lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 14-3-1988. Đây cũng là dịp để những người lính từng công tác tại Trường Sa gặp gỡ, ôn lại những ký ức xưa.

Cựu binh Trần Văn Tiến, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng, cho biết năm nay do dịch bệnh nên Ban liên lạc chỉ làm một lễ nhỏ rồi thông báo cho thân nhân liệt sĩ, cựu binh Trường Sa. Ai sắp xếp được thì tới chứ Ban liên lạc không tổ chức đưa đón như mọi năm.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: TA - ND

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: TA - ND

Nỗi khắc khoải của những người lính Gạc Ma

33 năm trôi qua, những hình ảnh đồng đội ở Gạc Ma luôn là nỗi khắc khoải trong mỗi người lính Trường Sa. Những chàng trai mười tám, đôi mươi năm nào nay đã bước qua tuổi 50, có người cả đời gắn với binh nghiệp, trải qua bao thăng trầm; có người sau khi xuất ngũ thì trở về với cuộc sống đời thường.

Tất cả họ đều chưa một ngày quên Gạc Ma, chưa một ngày quên những người đã ngã xuống cho Tổ quốc. Để rồi mỗi khi nhắc lại, nước mắt những người lính ấy lại rơi.

Nhắc về Gạc Ma, cựu binh Trần Xuân Bình (51 tuổi, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị) cho hay có trường học ở địa phương từng mời ông tham gia một số buổi ngoại khóa để kể về những ký ức Gạc Ma cho các em học sinh. Tuy nhiên, ông mong muốn trận chiến Gạc Ma sẽ được giảng dạy kỹ hơn trong trường học, để thế hệ mai sau biết về một sự kiện bi tráng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Thường xuyên theo dõi tình hình trên Biển Đông, Đại tá Cao Xuân Thúy (68 tuổi, nguyên Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Trung ương 62, Đảng ủy Quân chủng Hải quân) bảo nỗi đau Gạc Ma để lại cho chúng ta bài học quý giá trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Ngoài xây dựng tiềm lực về kinh tế, củng cố quốc phòng vững mạnh, chúng ta cần không ngừng hun đúc lòng yêu nước, ý chí, quyết tâm của nhân dân, một lòng bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, toàn vẹn lãnh thổ mà bao người đi trước phải đánh đổi bằng máu để giành và giữ được. “Hãy sống sao cho xứng đáng!” - ông Thúy nói.

Tiếp lời, ông Thúy nói rằng chủ quyền là tài sản thiêng liêng nhất của mỗi quốc gia. Thế hệ trẻ, nhất là những thanh niên vừa bước chân vào quân ngũ, cần tiếp tục phát huy sức trẻ, hăng say luyện tập để xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

“Từ đất liền, tôi mong những người lính đảo mài sắc ý chí quyết tâm, nắm vững vũ khí trang bị kỹ thuật, luôn cảnh giác cao, sẵn sàng chiến đấu, không bị bất ngờ trong mọi tình huống, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc trên biển” - ông Thúy nhắn nhủ.

Trong khi đó, cựu binh Trần Văn Tiến nói rằng ông rất vui mừng khi thấy hàng ngàn thanh niên cả nước hăng hái lên đường nhập ngũ. “Thế hệ trẻ ngày nay rất giỏi, bản lĩnh và luôn có lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Họ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ dù biên giới hay hải đảo, bảo vệ vững chắc Tổ quốc mà ông cha để lại” - ông tin tưởng.

Đại tá Cao Xuân Thúy xúc động kể về con ốc được cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa tặng lúc chào tạm biệt về đất liền. Ảnh: TÂM AN

Đại tá Cao Xuân Thúy xúc động kể về con ốc được cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa tặng lúc chào tạm biệt về đất liền. Ảnh: TÂM AN

“Cho tôi thắp nén hương cho đồng đội!”

“Cho tôi thắp nén hương cho đồng đội!” - cựu binh Trần Xuân Bình nói với những bạn thuyền rồi thắp bó hương, thả xuống biển.Đây là việc ông Bình, một cựu binh Gạc Ma, vẫn thường làm mỗi lần con tàu vào ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa.

Ông Bình là người cùng với liệt sĩ Trần Văn Phương, ông Trần Quang Dũng, ông Phan Xuân Ánh tiên phong cầm cờ Tổ quốc vào đảo Gạc Ma để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

Sau đó, phía Trung Quốc điều hàng chục lính từ tàu chiến tiến lên đảo, áp sát các chiến sĩ của ta. Trước tình hình nguy cấp như vậy, những người lính công binh vẫn không nao núng, quyết một lòng bảo vệ lá cờ Tổ quốc đến cùng. “Trong vòng vây quân Trung Quốc với hỏa lực cực mạnh, bên ta đa phần chỉ có cuốc xẻng, vài người có mang AK nhưng Trung úy Trần Văn Phương vẫn bình tĩnh trấn an anh em. Quân Trung Quốc sau đó đã xả súng vào lính công binh của ta khiến nhiều người hy sinh” - ông Bình kể lại.

Sau trận Gạc Ma, ông Bình tiếp tục ở lại phục vụ quân ngũ và đã nhiều lần ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Đến tháng 9-1990, ông ra quân, trở về quê làm ruộng và chăn nuôi.

Khoảng năm năm trước, nghề nông gặp khó khăn nên ông trở về làm nghề biển cùng với một cựu binh Gạc Ma khác là ông Trần Quang Dũng (ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị).

Công việc trên biển vốn vất vả, luôn rình rập hiểm nguy nhưng ông Bình vẫn cho mình là “người may mắn” vì “thường xuyên được ra Trường Sa thăm đồng đội”.

“Ngày nay, mỗi lần tàu vào ngư trường Trường Sa thì tôi xác định được hướng và khoảng cách đến đảo Gạc Ma thông qua việc xem trên tọa độ và máy định vị. Lúc đó tôi thắp hương và hướng về đồng đội, nước mắt lại trào ra. Nỗi nhớ Gạc Ma, hình ảnh các đồng đội lại ùa về” - ông Bình nói.

Ông Bình tự nhận mình “nghiện biển”. Ông bảo mỗi lần làm việc giữa biển cả, nhìn lá cờ Tổ quốc bay phấp phới giữa biển khiến ông thấy mình cũng đang cùng với xương máu của các đồng đội tiếp tục bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Cựu binh Gạc Ma tâm sự ông vừa tiễn con trai út lên đường nhập ngũ. Hôm tiễn con, ông mặc trên người chiếc áo lính với tấm huy chương kháng chiến như tiếp thêm ý chí cho con hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

64 chiến sĩ nằm lại với Gạc Ma

Sự kiện Gạc Ma xảy ra rạng sáng 14-3-1988 ở Gạc Ma (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân nước Việt.

Trong cuộc chiến bi hùng để bảo vệ cột mốc chủ quyền của Tổ quốc ở Gạc Ma trước sự xâm lấn không dừng lại của quân Trung Quốc, 64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ khác bị thương... Máu của các chiến sĩ đã hòa cùng biển cả, nhắc nhớ thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc!

NGUYỄN DO - TÂM AN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/33-nam-su-kien-gac-ma-khong-bao-gio-quen-972111.html