341.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Thanh Hóa

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2020 với quy mô cấp tỉnh.

Hội nghị được tổ chức trong 2 ngày 12 và 13/6/2020 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Tại Hội nghị, đã có 34 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 15 tỷ USD.

Hội nghị xúc tiến đầu tư đầu tiên sau đại dịch

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, Chính phủ và từng bộ ngành địa phương phấn đấu ở mức cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020. Thanh Hóa địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trong cả nước sau khi chúng ta cơ bản khống chế được đại dịch bệnh Covid -19, Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội, đưa cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Lê Sơn)

.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Thanh Hóa hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về KTXH, nhất là các ngành công nghiệp, cảng biển, logistic, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao. Vì vậy, để phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu năm 2020 đạt kết quả cao nhất về phát triển KTXH và đến năm 2025 Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước và năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

“Hội nghị hôm nay là sự kiện hết sức quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan tỏa lớn trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế cả nước và tỉnh Thanh Hóa chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, cần nguồn lực rất lớn và tinh thần doanh nhân vượt khó để thúc đẩy phát triển”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đánh giá cao quy mô của Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020, Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhận định, Hội nghị được tổ chức với sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là thông điệp rất mạnh mẽ khẳng định Thanh Hóa, Việt Nam đang là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

"Bên cạnh tiềm năng, sự quyết liệt, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc biến những tiềm năng thành hiện thực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thay đổi tư duy từ quản lý doanh nghiệp sang hỗ trợ doanh nghiệp là điều rất đáng trân trọng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao quan điểm của tỉnh Thanh Hóa, rằng Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành với với tỉnh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng (hàng trước, bên phải) cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao

Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư tới chủ đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh

.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư tới chủ đầu tư của 19 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 56.758 tỷ đồng; trong đó có 10 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, 2 dự án thuộc lĩnh vực đô thị và cơ sở hạ tầng, 3 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, 3 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 1 dự án thuộc lĩnh vực y tế.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, đại diện chủ đầu tư của 15 dự án khác đang xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa cũng ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với đại diện lãnh đạo tỉnh, dự kiến tổng vốn đầu tư 285.177 tỷ đồng. Hội nghị cũng giới thiệu danh mục 36 dự án quy mô lớn trên nhiều lĩnh vực đang được tỉnh Thanh Hóa kêu gọi đầu tư vào những giai đoạn tới.

Nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng xứ Thanh

Thanh Hóa có diện tích tự nhiên đứng thứ 5, dân số đứng thứ 3 cả nước; với gần 2,3 triệu người trong độ tuổi lao động; Đường biên giới dài 192 km; bờ biển dài 102 km... Đồng thời, tỉnh đã áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định. Những điều này, Thanh Hóa hứa hẹn sẽ tiếp tục là môi trường đầu tư lý tưởng cho nhà đầu tư.

Với những cam kết và sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, những năm qua, Thanh Hóa đã lọt vào “mắt xanh” của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các Khu công nghiệp tỉnh, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 110 dự án mới được đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn, gần 150 dự án khác đầu tư vào các KCN trong tỉnh.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ đầu tư giữa lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các nhà đầu tư tại Hội nghị.

Điểm nhấn là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - Một trong những dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay, công trình trọng điểm Quốc gia mang tầm cỡ quốc tế này với tổng vốn đầu tư lên tới 9,3 tỷ USD đang hoạt động hiệu quả chính là biểu tượng thành công trong thu hút đầu tư vào Thanh Hóa.

Tính riêng 5 tháng đầu năm 2020 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 gây nhiều hệ lụy cho kinh tế và thu hút đầu tư toàn cầu, nhưng Thanh Hóa đã thu hút và chấp thuận chủ trương đầu tư cho 66 dự án với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 1.852 tỷ đồng và 130,7 triệu USD, thuộc những tỉnh dẫn đầu “đường đua” thu hút đầu tư trong cả nước.

Sự phát triển của doanh nghiệp trong và ngoài nước chính là đòn bẩy giúp nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa có bước đột phá mới: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn - GRDP giai đoạn 2016 – 2019 đạt 12,6%/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước; thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân hàng năm 12,3%. Đặc biệt năm 2019, tăng trưởng GRDP đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay. Hiện, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 16.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 2.200 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 129 dự án đầu tư trực tiếp FDI đến từ 20 nước trên thế giới với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,2 tỷ USD. Thanh Hóa là tỉnh xếp thứ 8 của Việt Nam về thu hút vốn FDI.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”, đó là: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm, tỉnh tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương”.

Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện, “Ba cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/341000-ty-dong-cam-ket-dau-tu-vao-thanh-hoa-d124092.html