35 năm cứu người ở Trường Sa - Bài 3: Tổ cấp cứu đường không đạt chuẩn quốc tế

Tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175 thành công trong công tác cứu chữa bệnh nhân ở quần đảo Trường Sa và trên thế giới.

Từ thực tiễn cấp cứu, điều trị cho quân và dân ở quần đảo Trường Sa, Bệnh viện Quân y 175 đã thành lập Tổ cấp cứu đường không chuyên nghiệp. Khi thế giới cần, Tổ cấp cứu đường không của bệnh viện lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Kết hợp kinh nghiệm hoạt động các địa hình khác nhau, Bệnh viện Quân y 175 đã xuất bản cuốn sách về cấp cứu đường hàng không để huấn luyện cho toàn quân.

 Đại tá, bác sĩ Vũ Đình Ân. Ảnh: Hải Luận

Đại tá, bác sĩ Vũ Đình Ân. Ảnh: Hải Luận

Bằng mọi giá phải “cướp” lấy “giờ vàng”

Bệnh viện Quân y 175 được xếp vào hạng tuyến cuối chiến lược khu vực miền Nam, Khoa Hồi sức tích cực được xem là “cái rốn” cứu chữa bệnh nhân nặng. Y, bác sĩ hằng ngày được “rèn” tay nghề qua xử lý cấp cứu, điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Tổ cấp cứu đường không giống như một đơn vị cấp cứu thu nhỏ, tinh nhuệ, đạt trình độ cao.

“Vùng biển quần đảo Trường Sa có nhiều tàu đánh cá tập trung về đây đánh bắt, ngư dân bị tai nạn trên biển liên tục. Sợ nhất là số ngư dân “lặn vo” (ngậm ống dẫn hơi vào miệng) xuống độ sâu 30-40m, bị sức ép của nước mạnh, có nguy cơ bị giảm áp. Gặp những ca bệnh nặng, quân y ở các đảo không đủ phương tiện cấp cứu và điều trị tại chỗ, đa phần được vận chuyển bằng máy bay trực thăng về đất liền” - Đại úy, bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Văn Hồng, Tổ trưởng Tổ cấp cứu đường không, Bệnh viện Quân y 175 thông tin.

Huấn luyện cấp cứu cho toàn quân

“Từ kinh nghiệm thực tiễn cấp cứu, điều trị bệnh nhân ở quần đảo Trường Sa và cấp cứu bằng đường không, kết hợp với kiến thức, quy trình cấp cứu đường không của Liên hợp quốc, Bệnh viện Quân y 175 đã biên soạn thành cuốn sách giáo trình huấn luyện cho toàn quân. Cuốn sách này được Cục Quân y phê duyệt, triển khai huấn luyện cho đội ngũ y, bác sĩ làm nhiệm vụ cấp cứu ở các bệnh viện tuyến cuối quân khu, quân đoàn, binh chủng” - bác sĩ Vũ Đình Ân thông tin.

Một lần, có hai ngư dân là Đặng Văn Chúc, Trần Văn Phú (đều ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) làm nghề lặn tại vùng biển Trường Sa, bị giảm áp đột ngột, tàu cá đưa vào đảo Sơn Ca (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) sơ cứu ban đầu. Quân y đảo Sơn Ca gọi điện thoại báo về Bệnh viện Quân y 175, diễn biến bệnh rất nặng. Lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 quyết định xin lệnh cấp trên cho máy bay trực thăng ra cứu người bệnh về bờ.

Bác sĩ Hồng tường thuật: “Máy bay đáp xuống đảo Sơn Ca, tôi khám thấy hai bệnh nhân đã khó thở, suy hô hấp, một trong hai người bị liệt tứ chi, cho bệnh nhân thở oxy ngay, sử dụng thuốc ổn định tim mạch... Với loại bệnh này, vận chuyển bằng máy bay lên cao sẽ bị giảm áp (tương tự như lặn dưới biển sâu), bệnh nhân sẽ bị nặng thêm. Nếu không nhanh chóng chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 175 thì có nguy cơ cao đe dọa đến tính mạng. Bằng mọi giá phải cứu mạng sống cho hai người này, tôi thống nhất với tổ phi công hai việc: Bay ở độ cao thấp nhất có thể, không tăng giảm độ cao đột ngột.

Phi công đồng ý phương án bay thấp nhất trong điều kiện ban đêm, trời có mưa. Trên đường vào bờ, máy bay phải đáp xuống đảo Trường Sa Lớn để tiếp dầu, chuyến bay này kéo dài 18 giờ. Về đến Bệnh viện Quân y 175 vẫn còn nằm trong khung “giờ vàng” cứu chữa bệnh nhân, từ sân đỗ máy bay trực thăng của bệnh viện đã có các bộ phận nhập cuộc ngay lập tức. Sau thời gian điều trị, hai bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng nào”.

Cứu bệnh nhân xuyên quốc gia

Năm 2018, nhiều thành viên của Tổ cấp cứu đường không, Bệnh viện Quân y 175 tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Bài học cấp cứu bệnh nhân ở môi trường khắc nghiệt Trường Sa được áp dụng vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

 Máy bay trực thăng đưa bệnh nhân từ quần đảo Trường Sa về Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Thế Lân

Máy bay trực thăng đưa bệnh nhân từ quần đảo Trường Sa về Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Thế Lân

Bác sĩ Đinh Văn Hồng giữ chức vụ Tổ trưởng cấp cứu đường không, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 kể lại: “Chị nhân viên người Việt Nam bị đột quỵ, chúng tôi yêu cầu Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khẩn cấp dùng máy bay trực thăng đưa bệnh nhân về thủ đô của Nam Sudan cấp cứu. Chỉ huy điều hành ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc yêu cầu cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 trước, ổn định mới đưa lên máy bay. Theo nguyên tắc của Liên hợp quốc, không có can thiệp hay cấp cứu bệnh nhân nào ở trên máy bay”.

Cần có biện pháp “cướp” lấy “giờ vàng” để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ Hồng đã giải thích cho chỉ huy Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, về những chuyến bay cấp cứu ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam kéo dài 15-18 giờ, trong môi trường biển, đảo, khó khăn rất nhiều. Bác sĩ Hồng nói “cứng” với chỉ huy quốc tế tại đây: “Các ông đảm bảo bay, chúng tôi đảm bảo cấp cứu bệnh nhân trên máy bay cho đến khi nào đưa bệnh nhân đến được bệnh viện của Kenya”. Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đồng ý và thực hiện khẩn cấp chuyến bay cấp cứu xuyên qua 3 quốc gia.

Máy bay trực thăng bay hơn 4 giờ đến thủ đô của Nam Sudan, rồi chuyển sang máy bay thương mại đến Uganda, tiếp tục sang máy bay đến thủ đô của Kenya mới đủ máy móc, thiết bị y tế cứu chữa bệnh nhân. “Nhờ “cướp” lấy “giờ vàng” nên nữ bệnh nhân được bình phục hoàn toàn, không để lại bất kỳ di chứng nào. Từ đó về sau, ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc luôn nể phục y, bác sĩ QĐND Việt Nam” - bác sĩ Hồng nhớ mãi. Suốt cả nhiệm kỳ tại đất nước Nam Sudan xa xôi, Tổ cấp cứu đường không, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã thực hiện thành công 18 chuyến bay cấp cứu an toàn.

Hiện nay, Tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175 có 12 người đạt chứng chỉ vận chuyển quốc gia, trong đó, 50% quân số có chứng chỉ vận chuyển quốc tế. Kết hợp tinh hoa của thế giới và trong nước, bệnh viện đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình vận hành cấp cứu, vận chuyển đường không. Quy trình này xác định rõ trách nhiệm của Tổ cấp cứu đường không, từng cơ quan, đơn vị trong bệnh viện.

Bệnh viện tiếp nhận thông tin có bệnh nhân cấp cứu ở Trường Sa, có bộ phân tích thông tin, gọi điện trao đổi với các đồng nghiệp nơi bệnh nhân đang cấp cứu ban đầu. Từ đó quyết định ca bệnh này có tổ chức hội chẩn qua truyền hình hay không, xác định phương thức vận chuyển máy bay hay tàu thủy, đồng thời thông báo đến các cơ quan hữu quan cùng phối hợp thực hiện... Máy bay trực thăng đáp xuống sân đỗ của bệnh viện, đã có đội cấp cứu chờ sẵn, những khoa, viện có liên quan ở trạng thái đã sẵn sàng. Đặc biệt, Khoa Chẩn đoán hình ảnh đẩy bệnh nhân vào là làm ngay, có hình ảnh xác định chính xác bệnh, giúp các khoa khác xử lý đúng bệnh, điều trị khẩn cấp.

Theo Hải Luận (Báo Biên Phòng)

----

Bài 4: Cần hoàn chỉnh mạng lưới cấp cứu y tế biển, đảo

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/35-nam-cuu-nguoi-o-truong-sa-bai-3-to-cap-cuu-duong-khong-dat-chuan-quoc-te-post307725.html