35 năm hải chiến Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2023): Mẹ vẫn chờ mong con về
Đã 35 năm trôi qua, mẹ của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 vẫn luôn đau đáu nhớ về con.
Họ vẫn mong một ngày nào đó đón nhận một phần xương cốt các anh về với quê nhà…
“Hắn đi miết tới chừ chẳng về”!
Những ngày giữa tháng 3, chúng tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Huệ (81 tuổi), trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Bà Huệ là mẹ của liệt sĩ Lê Thế (SN 1967) - một trong 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.
Đã 35 năm trôi qua, nhớ lại những ngày tháng 3 năm 1988, mẹ Huệ vẫn không thể kìm được giọt nước mắt khi nhắc về đứa con trai Lê Thế của mình.
“Nhà tôi có 3 đứa con, Thế là con trai đầu. Chồng tôi bị bệnh mất sớm, lúc đó Thế nó có 6 tuổi và còn 2 đứa em nhỏ nữa. Một mình tôi bán buôn chăm bẵm 3 đứa con. Khi thằng Thế lớn nó cứ đòi đăng ký đi bộ đội. Tôi đồng ý, nhưng mắt trái của Thế bị một cục u nên không trúng tuyển. Nó khám 2 lần đều bị rớt nên lần thứ 3 nó đi qua bệnh viện mổ cục u rồi về đi khám, lúc đó trúng tuyển”, mẹ Huệ kể.
Theo lời mẹ Huệ, khi vào quân ngũ, anh Lê Thế đóng quân ở vùng 3 Hải quân tại cảng Tiên Sa - Đà Nẵng được gần 2 năm thì chuyển vào quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. “Khi nhập ngũ, Thế được đơn vị đưa đi huấn luyện ở Hội An - Quảng Nam sau đó chuyển về huấn luyện tại Đồng Xanh Đồng Nghệ - Đà Nẵng rồi về đóng quân tại cảng Tiên Sa. Lâu lâu được nghỉ phép Thế vẫn tranh thủ về thăm tôi và mấy đứa em. Nó còn nói tôi là Tết năm ni (năm 1988 – PV) con ăn Tết tại đơn vị rồi tranh thủ về thăm má, ra Tết con đi vô Cam Ranh đóng quân rồi”, mẹ Huệ nhớ lại.
Mẹ Huệ cho biết thêm, ngày mồng 10 Tết năm đó, anh Lê Thế về thăm nhà xong rồi tạm biệt gia đình để chuyển đi Cam Ranh. “Trước khi đi hắn còn nói là má với em ở nhà mạnh khỏe, con đi Cam Ranh đóng quân. Má đừng lo, vô trong đó có đồng đội anh em đông vui lắm. Rồi sau đó hắn đi, hắn đi miết tới chừ chẳng về!”, mẹ Huệ bật khóc.
Nhớ lại ngày đau thương ấy, mẹ Huệ kể, bẵng đi hàng chục ngày không nhận được tin của con trai, bà bắt đầu lo lắng. Anh Thế là đứa con rất ngoan, hiền hậu, đi đâu cũng báo tin về gia đình. Sau đó, đơn vị nơi anh Thế đóng quân đến nhà thông báo rằng nhóm lính hải quân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ.
“Lúc đó tôi cũng nghĩ thằng Thế bị bắt, nhưng sau thì nhận tin nó mất tích. Linh tính người mẹ thì tôi nghĩ là nó và đồng đội hy sinh rồi. Bởi vì nó đi đâu cũng viết thư báo về để thăm mẹ, thăm em chứ không có chuyện mất tích như rứa. Sau này tôi mới nghe đồng đội nó kể lại về những hành động dũng cảm của con trai mình và đồng đội trong cái buổi sáng định mệnh trên đảo quê hương, lúc đó hắn mới có 22 tuổi thôi…”, mẹ Huệ nghẹn lời.
Những “báu vật” của con
35 năm trôi qua, xương cốt 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh trong trận Gạc Ma năm ấy đã mãi hòa vào lòng biển cả quê hương. Vậy nên với mẹ Huệ, kỷ vật và bức thư của anh chẳng khác gì “báu vật” đối với mẹ lúc về già.
Mẹ Huệ nói, trước đây khi còn nhà cũ, đồ đạc của liệt sĩ Lê Thế được mẹ cất giữ cẩn thận. Nhưng sau đó gia đình bị kẻ trộm đột nhập, những “báu vật” ấy lại bị đánh cắp. “Báu vật” duy nhất của anh Thế còn sót lại chính là bức thư tay gửi cho mẹ được viết vào ngày 29/2/1988.
“Bức thư gốc tôi hiến tặng cho khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh, giờ chỉ còn bản photo tôi để lại. Để mỗi lần nhớ con tôi lại đem ra đọc, mỗi lần đọc tôi cứ tưởng tượng rằng thằng Thế nó đang bên cạnh tôi”, mẹ Huệ tâm sự.
Trong bức thư, anh Lê Thế viết rằng: “Đầu thư con không có gì hơn chỉ xin cầu chúc má và mấy đứa em được nhiều sức khỏe, đó là điều con mong muốn nhất… Anh chỉ mong hai em hãy cố gắng giúp đỡ má. Bởi vì anh em ta chỉ còn có mình má thôi, nếu anh em ta không giúp đỡ má, để má già yếu, rồi đau ốm, má qua đời thì chúng ta khổ lắm đó các em ạ!”.
“Trong đoạn thư thằng Thế có viết con ở Cam Ranh này chừng khoảng tuần lễ là sẽ đổi đi đảo Trường Sa. Con chỉ có mấy lời báo cho gia đình biết, má và mấy em khỏi trông. Hẹn ngày trở lại đất Đà Nẵng… hắn hẹn rứa đó mà 35 năm rồi, cứ chờ hắn miết ri đây!”, mẹ Huệ khóc.
Đã 35 năm trôi qua, nhưng trận chiến ở đảo Gạc Ma luôn là bằng chứng đau thương nhất đối với những bà mẹ Việt Nam. 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, các anh đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả. Nhưng vẫn còn đó những người mẹ già ngày đêm chờ đợi hài cốt của những đứa con…