35 ngày dập dịch COVID-19 thần tốc của Trung Quốc
Ngày 23/8, Trung Quốc đã kiểm soát được đợt bùng phát diện rộng mới nhất trong vòng 35 ngày vì không có ca mắc COVID-19 mới nào. Đây là một kết quả mà các chuyên gia cho rằng đã chứng minh mô hình chống dịch hiệu quả của Trung Quốc.
Trung Quốc đã dập dịch COVID-19 sau 35 ngày bùng phát.
Kể từ những ca nhiễm đầu tiên trong đợt bùng phát gần nhất (ngày 20/7) từ một sân bay ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hơn mười tỉnh và khu vực ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng, và được coi là đợt lây lan rộng nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 ở Vũ Hán vào năm 2020.
Wang Guangfa, một chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về hô hấp, cho biết, chiến lược không khoan nhượng của Trung Quốc đã bảo vệ đất nước chống lại sự bùng phát dịch bệnh một lần nữa, bất chấp biến thể Delta có khả năng lây lan cao và tính hiệu quả tiếp tục được chứng minh khi Trung Quốc đối phó với làn sóng dịch mới. Các biện pháp được gói gọn theo mô hình "Bốn sớm": Phát hiện sớm; báo cáo sớm; cách ly sớm và điều trị sớm.
Mô hình “Bốn sớm”
Theo một nhà miễn dịch học Trung Quốc, với mô hình chống dịch COVID-19 không khoan nhượng này, chính quyền Bắc Kinh có thể dập tắt dịch bệnh bùng phát trong 35 ngày. Trong tương lai, phản ứng của Trung Quốc có thể còn nhanh hơn và chính xác hơn nữa vì nước này đã có thêm sự chủ động khi đối mặt với những đột biến mới có thể xuất hiện trong tương lai.
Phương pháp không khoan nhượng của Trung Quốc trong chiến lược đối phó với dịch bệnh sẽ tiếp tục, kết hợp việc đẩy mạnh công tác tiêm chủng nhằm làm chậm quá trình lây lan và giảm nguy cơ bệnh trở nặng đối với người nhiễm.
Sau 35 ngày, cuối tuần qua, những nơi như Bắc Kinh, Giang Tô và Tứ Xuyên tuyên bố dỡ bỏ dần các hạn chế, khôi phục cuộc sống và sản xuất bình thường.
Kể từ ngày 23/8, những người rời Nam Kinh sẽ không cần xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính. Những người có ý định vào Nam Kinh từ các khu vực có nguy cơ thấp sẽ chỉ cần mã QR sức khỏe và đo nhiệt độ bình thường. Giao thông công cộng tại địa phương cũng được không phục.
Nam Kinh cho biết địa phương này không có ca mắc COVID-19 được xác nhận trong 10 ngày qua (tính đến 23/8), trong khi cả tỉnh Giang Tô báo cáo không có ca COVID-19 nào được xác nhận lần đầu tiên vào hôm 23/8.
Phản ứng chính xác hơn
Trung Quốc đã loại bỏ virus corona trong các đợt bùng phát gần đây nhất giống như cách Trung Quốc chặn đợt bùng phát vào năm 2020. Nhưng lần này, Trung Quốc đã phản ứng chính xác hơn trong việc truy vết F1 và thực thi phong tỏa, đảm bảo các hoạt động diễn ra bình thường bất chấp biến chủng Delta đã quét qua hàng chục địa phương trên cả nước.
Ví dụ, với biến chủng Delta lan rộng, thủ đô Bắc Kinh vẫn duy trì đời sống sinh hoạt bình thường và chỉ phong tỏa một số khu vực sau khi xác nhận các ca F0. Trong khi đó, người dân ở Vũ Hán vẫn xếp hàng để xét nghiệm một cách trật tự và bình tĩnh, và thành phố chỉ có vài chục khu vực bị phong tỏa.
Để phát hiện các trường hợp tiềm ẩn, Dương Châu đã triển khai 12 đợt xét nghiệm lớn, Nam Kinh đã tổ chức 7 đợt và Trịnh Châu đang tiến hành đợt xét nghiệm thứ năm. Một khi các trường hợp dương tính được tìm thấy, F1 sẽ được cách ly và điều trị.
Vệ sinh kém thúc đẩy sự lây lan
Các chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng, sự yếu kém của công nhân vệ sinh ở cả Nam Kinh và Trịnh Châu đã thúc đẩy sự lây lan của biến thể Delta, khiến chủng virus này dễ dàng lan từ Sân bay Quốc tế Nam Kinh, Lộc Khẩu sang các tỉnh khác. Ngoài ra, việc quản lý lỏng lẻo ở những nơi tập trung đông người như tiệm mạt chược ở Dương Châu, khiến những nơi này trở thành “tâm điểm” trong đợt dịch này.
Trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch bệnh, Nam Kinh cũng bị công chúng và một số chuyên gia đổ lỗi vì chính quyền địa phương này phản ứng chậm chạp trong việc điều tra dịch tễ học. Bài học lớn cần rút ra từ đợt bùng phát dịch COVID-19 liên quan đến Nam Kinh và Trịnh Châu là các nhân viên tại sân bay và bệnh viện phải được kiểm tra y tế, công tác vệ sinh thường xuyên, đi kèm với việc phân loại và khử khuẩn hàng hóa và đồ vật.
Kiểm soát nguồn lây nhiễm và cắt đứt kênh lây nhiễm là hai phương thức tiên quyết để ngăn chặn và kiểm soát bất kỳ sự bùng phát dịch bệnh nào ở Trung Quốc. Nếu không theo dõi chặt chẽ và bảo vệ sức khỏe các F1 hằng ngày, các đợt bùng phát mới có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát chung của Hội đồng Nhà nước ngày 23/8 đã đưa ra thông báo yêu cầu các bệnh viện và chính quyền địa phương nỗ lực hơn nữa để tối ưu hóa việc bố trí nhân viên kiểm soát dịch bệnh trong bệnh viện, không giảm lương của họ để củng cố những kết quả đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch.
Ít nhất 70 quan chức bị kỷ luật
Một số chuyên gia cũng cho rằng, trong đợt bùng phát mới nhất, việc kỷ luật những quan chức chây ỳ trong công tác chống dịch cũng là một phần trong mô hình chống dịch hiệu quả của Trung Quốc.
Ít nhất 70 quan chức đã bị kỷ luật, một số đã bị cách chức hoặc bị cảnh cáo vì vô trách nhiệm trong việc đối phó với sự bùng phát COVID-19 tại địa phương.
Một quan chức cấp cao giấu tên tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết, việc kỷ luật các quan chức lơ là trách nhiệm trong công tác phòng dịch là cần thiết, bởi thực tế là dân số Trung Quốc quá đông, lãnh thổ quá rộng, nhiều cấp quản lý, nên nguy cơ dịch bùng phát diện rộng là rất cao.