36 tuổi nuôi... 9 con sau khi chồng mất vì TNGT
16 tuổi sinh con, 36 tuổi người phụ nữ này đã 9 lần vượt cạn. Chồng ra đi đột ngột vì TNGT để lại cho chị 9 đứa con nheo nhóc.
Gia tài quý nhất là những tờ giấy khen học sinh giỏi của các con treo trên bức tường cũ kỹ…
Những tờ giấy khen trên bức tường cũ
Tìm mãi, đến nhầm mấy nơi, chúng tôi mới tìm được nhà chị Y This, trong ngõ hẻm sâu thôn Kon Hring, xã Đắk Blà, TP Kon Tum. Chỉ vào ngôi nhà cấp 4, người dẫn đường cho biết, đó là ngôi nhà tình nghĩa do chính quyền và người dân cùng nhau quyên góp dựng cho gia đình chị Y This. Trước kia chị chỉ có ngôi nhà lá tồi tàn, lúc nào cũng chực đổ sụp trước những cơn gió mạnh. Một người phụ nữ địu đứa bé trước bụng, dắt thêm một đứa nhỏ tầm 2 tuổi từ trong nhà đi ra khiến chúng tôi tưởng chị Y This chủ nhà. Nhưng người hàng xóm cho biết, đó là con đầu chị Y This đang bồng em.
“
Sau khi nghe PV Báo Giao thông gọi điện tâm sự về hoàn cảnh gia đình chị Y This, đại diện nhà xe Minh Quốc (Kon Tum) đã nhanh chóng đến nhà chị Y This trao cho các cháu món quà nhỏ, để các cháu có điều kiện tiếp tục đến trường.
Các nhà hảo tâm muốn hỗ trợ cho gia đình chị Y This, có thể gửi tới Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông qua số tài khoản: 102010001764880 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội (nội dung gửi ủng hộ mẹ con chị Y This).
”
Y Thúy, con gái đầu chị Y This, da ngăm đen, khuôn mặt chững chạc như hơn 20 tuổi. Buột miệng hỏi thăm xem cháu đã có chồng con chưa, chúng tôi bất ngờ được biết cháu mới 16 tuổi và đang học lớp 10. Trong nhà Thúy chỉ có chiếc giường đơn và một cái ti vi cũ là tài sản đáng giá.
“Chiếc giường là để cho mẹ và em út ngủ. Còn 7 chị em trải chiếu xuống nằm đất. Mùa đông nằm lạnh lưng lắm. May năm ngoái có người thương cho chiếc đệm cũ , thế là 7 chị em cháu nằm ngang đệm, vừa đủ”, Y Thúy cho hay.
Kể về người bố đã mất vì TNGT, Y Thúy bảo: “Ngày còn sống, bố cháu cũng không thường xuyên ở nhà. Bố đi biển làm thuê mãi miền xuôi, một hai tháng mới về một lần. Mỗi lần về bố cháu mang nhiều cá lắm. Mẹ cháu mang chia cá cho cả buôn cùng ăn. Bố về cả buôn vui, trẻ con chúng cháu cũng vui vì bố mang nhiều đồ chơi dưới xuôi lên. Nhà cháu nghèo, nhưng khi có bất kỳ thứ gì là bố mẹ chia sẻ cho mọi người trong buôn. Hội Chữ thập đỏ còn tặng cho bố cháu cả giấy khen nữa”.
Nói rồi, Y Thúy chỉ lên tường, nơi có tờ giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kon Tum tặng, trên đó ghi rõ: “Ông A Jon - Phát huy truyền thống “Chung sức vì nhân đạo. Đổi mới tư duy - Tạo dựng vị thế - Bảo vệ sự sống”.
Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn nữa là trên bức tường cũ kỹ ấy còn có hàng chục tờ giấy khen học sinh giỏi của Y Thúy và 2 em. Nhiều tờ giấy khen không có khung, được dán luôn vào tường, hoen ố. Hỏi Y Thúy về nguyện vọng sau này, em lắc đầu: “Cháu không biết. Cháu chỉ biết nghe lời mẹ. Một buổi ở nhà trông em, một buổi đến trường học. Cuối năm có được giấy khen thấy mẹ vui là cháu thích thôi”.
Có chết cũng phải cho con đi học
Theo hồ sơ cung cấp của Công an xã Đắk Blà, vụ TNGT khiến anh A Jon (chồng chị Y This) tử vong xảy ra sáng 23/4/2019, tại đoạn QL24 đi qua xã Đắk Blà đang được thi công mở rộng. Khi đó anh A Jon điều khiển xe máy va chạm với xe tải chở vật liệu thi công đoạn đường này. Vụ TNGT khiến anh A Jon tử vong tại chỗ để lại người vợ đang mang bầu và 7 đứa con nhỏ (một cháu đã mất).
Ông Trịnh Công Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Blà cho biết: Vụ TNGT ấy là mất mát quá lớn đối với gia đình chị Y This. Chính vì vậy, cả chính quyền và cơ quan chức năng đồng lòng giúp đỡ gia đình chị lo hậu sự, cũng như ổn định tâm lý cho chị và các con. Mặt khác cũng là dịp để giải thích, tuyên truyền cho bà con hiểu, ý thức hơn nữa về việc chấp hành pháp luật ATGT.
Tâm sự với PV Báo Giao thông qua điện thoại, chị Y This cho biết, khi chồng chết vì TNGT, chị đang mang bầu đứa thứ 9 được 3 tháng, đứa thứ 8 mới được hơn 1 năm, chưa cai sữa. Những ngày đầu, chị chỉ muốn buông xuôi nhưng nghĩ về đứa con trong bụng, chị bảo đứa bé ấy phải được làm người, rồi những đứa lớn học giỏi, chị phải sống để nuôi con.
Nhà không có rẫy, chồng chị đi biển đánh cá thuê dưới Bình Thuận đủ lo cho cả gia đình. Nay chồng không còn nữa, sinh xong một tuần, chị phải bỏ đứa trẻ đỏ hỏn ở nhà để lên rẫy làm thuê kiếm tiền mua gạo. Ngày công cũng chỉ được khoảng 150.000 đồng, thêm đi mót sắn, khoai để bán mua gạo nuôi con.
Mẹ vắng nhà, Y Thúy và 2 em lớn thay nhau chăm sóc các em nhỏ. Y Thúy mới học lớp 10 mà phải đảm đương những công việc như một người mẹ chăm sóc đàn con thơ.
“Y Thúy xin mẹ nghỉ học để ở nhà chăm em nhưng nhìn lên những tờ giấy khen của các con tôi không cho Y Thúy nghỉ học. Mình không biết chữ, không biết đọc, những tấm giấy khen trên tường mình không đọc được. Nhưng mình vẫn vui vì chồng mình, con mình được họ khen. Mình có chết, cũng phải cho các con đến trường, không thể để con mình mù chữ như mình”, chị Y This nghẹn ngào nói.
Đầu năm học vừa qua, gia đình quá túng quẫn, các con có nguy cơ phải bỏ học. Khi đó có vài người đến xin mấy đứa lớn về làm con nuôi, để các cháu có điều kiện đến trường, chị Y This dứt khoát không cho.
“Họ thương con mình, mình biết. Nhưng con mình về ở chung với con họ, liệu con họ có tốt với con mình không”, chị Y This tâm sự.
Nhưng rồi, chị cũng đành lòng gửi hai đứa con (đứa thứ 2 và thứ 3 đang học lớp 7 và lớp 9) vào nhà dòng cho các nữ tu chăm sóc. Chị Y This nghĩ nơi đó toàn là người lớn, những nữ tu không có gia đình riêng nên người ta sẽ thương con mình hơn. Ở đó con mình sẽ có điều kiện tốt nhất để đến trường...
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/goa-phu-36-tuoi-nuoi-9-con-quyet-khong-de-con-that-hoc-d466105.html