36 ứng cử viên ĐBQH là cán bộ Hội LHPNVN
Theo thống kê sơ bộ, sau Hội nghị hiệp thương lần 3, có 36 cán bộ Hội các cấp trong danh sách chính thức ứng cử ĐBQH khóa XV. Trong đó, cấp Trung ương có 2 người và địa phương có 34 người.
Theo thống kê sơ bộ của Ban Tổ chức TƯ Hội LHPNVN, sau Hội nghị hiệp thương lần 3, tổng số cán bộ Hội được giới thiệu ứng cử ĐBQH ở cả cấp Trung ương và địa phương là 36 người.
Trong đó, cấp Trung ương có 2 ứng cử viên ĐBQH, gồm: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga và Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Trưởng ban Chính sách – Luật pháp TƯ Hội LHPNVN Nguyễn Thanh Cầm.
Ứng cử viên ĐBQH là cán bộ Hội cấp địa phương giới thiệu có 34 người. Trong đó, 24 cán bộ Hội cấp tỉnh được giới thiệu ứng viên ĐBQH. Có 7 người là Chủ tịch Hội LHPN cấp tỉnh/thành; 7 Phó Chủ tịch; 10 người là các trưởng phó ban đơn vị. Còn cấp huyện có 6 người và 4 người ở cấp cơ sở là ứng cử viên ĐBQH.
Theo thống kê, chỉ tính riêng ở cấp địa phương giới thiệu, tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐBQH đạt cao nhất là tỉnh Nam Định với 9/11 người (chiếm 81,8%); cạnh đó, một số tỉnh có tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐBQH đạt cao như Bắc Ninh (80%); Vĩnh Long (đạt 62,5%); Hà Nội (41,67%)…
Cần tạo sự công bằng giữa ứng cử viên trong bầu cử
Thời gian qua các cấp Hội trên cả nước đồng loạt tổ chức các hoạt động đồng hành cùng các nữ ứng cử viên. Cụ thể như Hội LHPN tỉnh Trà Vinh, Bắc Kạn, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An… đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho các nữ ứng cử viên lần đầu. Qua đó, hàng trăm lượt nữ ứng cử viên được nghe chia sẻ về kỹ năng trong thu thập và xử lý thông tin; xây dựng chương trình hành động; kỹ năng tiếp xúc với cơ quan truyền thông; tạo cho các nữ ứng cử viên tự tin và sẵn sàng để bước vào các cuộc tiếp xúc với cử tri; góp phần tăng tỷ lệ nữ trúng cử ĐBQH và HĐND các cấp.
Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Nai, cho biết: thời gian qua Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền phù hợp với các đối tượng hội viên, phụ nữ góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ về quyền và trách nhiệm của mỗi công dân về cuộc bầu cử. Ngoài ra, hoạt động giám sát bầu cử, hỗ trợ, nâng cao năng lực nữ ứng cử viên cũng được tập trung, đẩy mạnh.
Bà Lê Thị Thái cho biết thêm, trước đó các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động giới thiệu nguồn nhân sự nữ ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp. Kết quả sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, cơ cấu tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đại ĐBQH và HĐND các cấp đảm bảo trên 35%.
Tỷ lệ nữ ứng cứ viên ĐBQH khóa XV đạt khá cao chính là tiền đề quan trong để hướng tới mục tiêu đạt ít nhất 30% nữ ĐBQH trúng cử như mong muốn, thì rất cần có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả và quyết tâm chính trị cao. Theo bà Vương Thị Hanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ, đề xuất: Cần quán triệt nguyên tắc bình đẳng và công bằng trong quy trình bầu cử. Trong đó, việc phân bổ cơ cấu đại biểu; loại bỏ quy định đại biểu nữ gắn nhiều cơ cấu kết hợp nhằm tăng số lượng và chất lượng đại biểu. Đồng thời đảm bảo sắp xếp danh sách nam nữ ứng cử viên "cân tài, cân sức", tạo sự cạnh tranh công bằng trong bầu cử.
Đối với cử tri, bà Vương Thị Hanh đề xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền về luật bình đẳng giới và luật bầu cử trong cử tri. Đặc biệt tuyên truyền về quyền bầu cử và nguyên tắc bầu cử trực tiếp, "mỗi cử tri một lá phiếu", tránh tình trạng bầu hộ, bầu thay.