4 bạn trẻ và lý do 'lười yêu, cưới muộn, sợ sinh con'
Dù đang trong độ tuổi lý tưởng để lập gia đình, nhiều người trẻ 25-30 tuổi chưa có đáp án cho câu hỏi 'Bao giờ đẻ con?'.
Dù đang trong độ tuổi lý tưởng để lập gia đình, nhiều người trẻ 25-30 tuổi chưa có đáp án cho câu hỏi "Bao giờ đẻ con?".
_____
Theo chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người trẻ ngày càng "lười yêu, cưới muộn, sợ sinh con".
Và khi chưa cảm thấy sẵn sàng, họ sẵn sàng từ chối trở thành cha mẹ.
Tri Thức - ZNews trò chuyện cùng 4 người trẻ dưới 30 tuổi, lắng nghe những chia sẻ về lý do họ “lắc đầu” mỗi khi bị giục chuyện sinh con, ngay cả khi đã kết hôn.
Cách đây vài năm, tôi từng nghĩ chỉ cần gặp được đúng người rồi kết hôn, chuyện con cái sẽ "tùy duyên".
Giờ đây, tôi thậm chí quyết định sẽ không sinh em bé, cho dù gặp được “ý trung nhân” của đời mình.
Với nguồn lực tài chính hiện tại, tôi muốn đầu tư vào bản thân. Học thêm nhiều kiến thức, du lịch trong và ngoài nước để mở rộng tầm nhìn là mục tiêu mà tôi vẫn nỗ lực duy trì.
Theo tôi, con cái là công trình của cha mẹ, nuôi một đứa bé không chỉ là 18 năm là “hết trách nhiệm”. Nhìn cách cha mẹ tôi vẫn luôn dõi theo cho đứa con gái đã trưởng thành, tôi hiểu rằng một khi đã sinh con, phụ huynh sẽ luôn thường trực nỗi lo lắng, kể cả khi con cái đã chạm ngưỡng 30 tuổi.
Nếu dành thời gian cho thế hệ tiếp theo, tôi sẽ không có khả năng chăm sóc bản thân, cũng như khó có thể phụng dưỡng cha mẹ theo cách tốt nhất.
Quyết định không sinh con của tôi từng vấp phải sự phản đối của gia đình, nhất là khi thế hệ cũ vẫn quan niệm "con gái phải lấy chồng". Tuy nhiên, sau một thời gian thuyết phục, họ cũng thấu hiểu và tôn trọng những mong muốn của tôi.
Tôi cảm thấy rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Tôi đang học thêm văn bằng 2 ngành Tâm lý học, và dự định tiếp tục lấy học bổng du học thạc sĩ.
Mỗi năm tôi đều dành nhiều thời gian đi du lịch cả trong và ngoài nước. Tôi từng đặt chân đến Thái Lan, Indonesia, Campuchia và Anh. Gần đây, tôi dành 3 tháng trải nghiệm cuộc sống ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Sẽ khó để thực hiện những chuyến du lịch như vậy nếu tôi vướng bận chuyện con cái.
Bên cạnh đó, tôi cũng dành thời gian ghé thăm cha mẹ hàng tuần, cùng gia đình ăn cơm, trò chuyện và lên kế hoạch cho những hoạt động chung.
Tôi và bạn trai có dự định về chung một nhà khi công việc của tôi ổn định hơn. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tính tới việc sinh con ngay sau khi kết hôn.
Bên cạnh việc có thêm trải nghiệm sống khi tuổi còn trẻ, tôi muốn dành tâm huyết cho sự nghiệp bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng, một ngành nghề cần nhiều thời gian học hỏi và rèn luyện.
Sắp tới, tôi sẽ học lên thạc sĩ. Chương trình dự kiến kéo dài ít nhất 2 năm. Sau đó, tôi vẫn muốn tiếp tục phát triển sự nghiệp, như thăng tiến và phấn đấu đạt được nhiều thành tựu. Nếu có con trong giai đoạn này, chặng đường phát triển của tôi sẽ bị trì hoãn, thậm chí phải dừng lại.
Tôi đã trao đổi với người yêu về chuyện này, và cả hai đồng lòng với quyết định tạm hoãn chuyện sinh con. Tôi rất hạnh phúc vì có một người bạn trai đủ thấu hiểu và tôn trọng quan điểm của mình.
Là một bác sĩ, tôi hiểu rõ việc một đứa bé lớn lên thiếu sự quan tâm của gia đình sẽ bị ảnh hưởng tâm lý như nào. Tôi mong muốn con mình sẽ được lớn lên trong môi trường tốt nhất. Do đó, tôi sẽ làm mẹ khi mình thực sự sẵn sàng.
Theo kế hoạch, chúng tôi dự định sẽ có em bé trong 5-10 năm nữa, khi tôi 30-34 tuổi. Theo góc nhìn y khoa, đây là độ tuổi chưa muộn để sinh con. Tôi cũng tin rằng khi đó, mình đã có đủ trải nghiệm, sự nghiệp cũng vững chắc hơn. Hơn nữa, chúng tôi có khả năng tài chính tốt hơn để xây dựng gia đình.
Tôi đã chung sống cùng bạn trai hơn 3 năm, nhưng cả hai đều không muốn tổ chức đám cưới hay lập gia đình. Cộng đồng LGBTQIA+ được đón nhận cởi mở hơn xưa, nhưng chưa phải tất cả.
Hiện nay, hôn nhân đồng giới chưa được công nhận ở Việt Nam. Điều này dẫn đến việc các cặp đồng tính chưa có quyền lợi hợp pháp như việc kế thừa, quản lý tài sản hay bảo hiểm y tế như các cặp dị tính.
Trong trường hợp có con, quyền lợi nuôi dưỡng và chăm sóc con cũng có thể bị hạn chế. Chẳng hạn, em bé có thể phải đối mặt với khó khăn khi nhập học hay thăm khám tại bệnh viện.
Đương nhiên, chúng tôi có thể "bất chấp" nhận con nuôi dưới tư cách cá nhân. Như vậy, tôi hoặc bạn trai sẽ trở thành "bố đơn thân". Nhưng ngoài lo ngại về thủ tục pháp lý, tôi sợ rằng mình không thể bảo vệ con 24/7 khỏi những ánh mắt dò xét.
Đứa bé cũng có nguy cơ cao chịu sự đối xử bất công khi lớn lên trong một gia đình có hai ông bố. Điều này dễ ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sức khỏe tinh thần của con trẻ trong quá trình trưởng thành.
Sau 2 năm kết hôn và chung sống hạnh phúc, vợ chồng tôi vẫn trì hoãn kế hoạch có em bé, mặc cho gia đình và bạn bè liên tục hỏi thăm.
Cả hai đều là nhân viên làm công ăn lương. Mức thu nhập khá ổn so với mức sống cho hai người trưởng thành ở thành phố. Nhưng nếu thêm một em bé, vợ chồng tôi sẽ cần co kéo nhiều khoản.
Do đó, từ năm 2022, tôi và chồng đã đặt mục tiêu xây dựng quỹ tiết kiệm để nuôi con, bên cạnh việc tăng nguồn thu nhập. Chúng tôi đặt mục tiêu là tiết kiệm ít nhất 100 triệu đồng/năm.
Điều mà hai vợ chồng không mong muốn là để con cái phải chịu thiệt thòi trong quá trình trưởng thành. Như nhiều phụ huynh khác, tôi không quá dư giả, nhưng muốn cho con những điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mình.
Sắp tới chúng tôi sẽ lên kế hoạch kinh doanh để tăng thêm nguồn thu nhập, đẩy nhanh tiến độ tích góp quỹ. Nếu thành công, đến khi bước sang tuổi 30, chúng tôi mới tính đến chuyện đón thêm thành viên mới.
Nguồn Znews: https://znews.vn/4-ban-tre-va-ly-do-luoi-yeu-cuoi-muon-so-sinh-con-post1455571.html