4 bệnh viện tư ở TP.HCM chia lửa điều trị, chưa tính chi phí

'Chúng tôi quyết tâm chia lửa điều trị bệnh nhân Covid-19, chi phí tính sau, bởi tính mạng của người dân quan trọng hơn tất cả', Tổng giám đốc Bệnh viện Nam Sài Gòn chia sẻ.

Ngày 30/7, Bộ trưởng Y tế có công văn hỏa tốc đề nghị các địa phương huy động cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người mắc Covid-19 nhằm tăng cường nguồn lực chống dịch. Tuy nhiên, vấn đề nguồn lực và chi phí điều trị tại các đơn vị này như thế nào?

Không thể đứng ngoài cuộc

Ngày 24/7, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã gửi công văn đề xuất đến UBND TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM xin phép thành lập Trung tâm Điều trị Covid-19 đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức.

"Trong thời gian vừa qua, ngành y tế của chúng ta, đặc biệt là khối công lập đang phải oằn mình chiến đấu với đại dịch với diễn biến ngày càng phức tạp. Là hệ thống y tế tư nhân được thành lập lâu đời ở Việt Nam, chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc", lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức chia sẻ.

 Phòng điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa Khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức. Ảnh: Duy Hiệu.

Phòng điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa Khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức. Ảnh: Duy Hiệu.

Ngày 26/7, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ được UBND TP và Sở Y tế chấp thuận thành lập Trung tâm Điều trị Covid-19 đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức.

"Đây là một giải pháp thiết thực nhằm san sẻ gánh nặng với ngành y tế TP.HCM trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng, khi những cơ sở điều trị tuyến công lập gặp tình trạng quá tải", lãnh đạo bệnh viện nói thêm.

Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh) là đơn vị gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu dịch do Covid-19 xâm nhập, phải tạm đóng cửa thời gian dài. Sau khi bệnh viện hoạt động trở lại, đơn vị này tình nguyện tham chiến cùng y tế thành phố.

Ông Đặng Văn Thanh, Tổng giám đốc bệnh viện, cho biết đơn vị này có 109 giường bệnh. Nhân lực gồm 150 bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

 Xe cấp cứu xếp hàng chờ chuyển F0 đến các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Xe cấp cứu xếp hàng chờ chuyển F0 đến các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

TS.BS Nguyễn Văn Châu, Tổng giám đốc Bệnh viện Xuyên Á, cho biết đơn vị này sẽ xây dựng một bệnh viện dã chiến tách rời hẳn với hệ thống điều trị hiện hữu với quy mô 125 giường.

Với thế mạnh về khuôn viên mặt bằng rộng lớn, bệnh viện đủ khả năng hình thành một khu vực dã chiến dành cho Covid-19 mà không ảnh hưởng bệnh viện khác.

“Chúng tôi muốn cùng chung tay chia lửa với hệ thống y tế của TP.HCM”, bác sĩ Châu nói.

"Biết chắc sẽ lỗ nhưng chi phí tính sau"

Đây là nhận định của ông Đặng Văn Thanh, Tổng giám đốc Bệnh viện Nam Sài Gòn, khi chia sẻ với Zing về vấn đề chi phí cho việc vận hành cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực khi tham gia điều trị Covid-19.

"Hiện tại, Việt Nam chưa thu phí điều trị Covid-19 do đây là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Do đó, chắc chắn việc điều trị Covid-19 đối với tuyến y tế tư nhân là sẽ 'lỗ vốn'. Nhưng chúng tôi cũng quyết tâm chia lửa điều trị Covid-19, chi phí tính sau. Trước mắt là đồng hành cùng thành phố vì tính mạng của người dân là quan trọng hơn tất cả", ông Thanh nhấn mạnh.

Về chi phí điều trị, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cũng khẳng định chưa tính đến vấn đề này.

 Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á tách đôi để điều trị Covid-19. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á tách đôi để điều trị Covid-19. Ảnh: BVCC.

"Sinh mạng của người bệnh là quan trọng nhất nên không thể kéo dài thời gian, chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mọi kinh phí cho việc vận hành khu điều trị dã chiến do bệnh viện huy động nguồn lực sẵn có", bác sĩ Châu nói thêm.

TS Nguyễn Tuấn cũng khẳng định việc tham chiến Covid-19 cùng thành phố là tự nguyện nên vấn đề tài chính, chi phí điều trị, bảo hiểm y tế..., đơn vị này sẽ tuân thủ theo chủ trương của lãnh đạo thành phố và Sở Y tế.

Về khó khăn của khối y tế tư nhân, ông Đặng Văn Thanh cho biết Bệnh viện Nam Sài Gòn từ trước đến nay luôn nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mới đây là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC).

"Dù tư nhân hay công lập thì đều là ngành y nên trong lúc dầu sôi lửa bỏng, chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, hy vọng Chính phủ sẽ có nhiều chính sách thoáng cho hơn y tế tư nhân phát triển như giảm lãi suất ngân hàng, hỗ trợ mạnh mẽ về mặt chuyên môn. Nếu tình hình này kéo dài, nhiều cơ sở y tế tư nhân tại thành phố có nguy cơ gục ngã", ông Thanh nói.

Ngoài Hoàn Mỹ, Xuyên Á và Nam Sài Gòn, Bệnh viện Triều An cũng đăng ký theo mô hình bệnh viện tách đôi với 100 giường chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19. Thời gian qua, Bệnh viện Triều An đã tiếp nhận và điều trị một số trường hợp Covid-19 có triệu chứng tại khu cách ly của bệnh viện.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, tất cả bệnh viện trên đều đủ năng lực để tham gia ở tầng 3 trong hệ thống 5 tầng của thành phố (điều trị người mắc Covid-19 mức độ trung bình, có bệnh nền).

Trong công văn hỏa tốc ban hành ngày 30/7, Bộ trưởng Y tế đề nghị Chủ tịch các UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế huy động các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với năng lực chuyên môn và điều kiện của cơ sở khi có yêu cầu.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần quan tâm và có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia phòng, chống dịch như đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập; hỗ trợ các thiết bị phòng, chống dịch, ưu tiên tiêm vaccine và thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với nhân viên của cơ sở khám chữa bệnh tư nhân theo quy định hiện hành.

Bệnh viện tư nhân sẵn sàng điều trị Covid-19 ở TP.HCM Giai đoạn 1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ dự kiến có 100 giường (10 giường hồi sức cấp cứu). Công tác chuẩn bị đang được gấp rút hoàn thiện để sẵn sàng nhận bệnh nhân.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/4-benh-vien-tu-o-tphcm-chia-lua-dieu-tri-chua-tinh-chi-phi-post1245601.html