4 bộ sách giáo khoa mới lớp 1 có nhiều lỗi, vì sao Bộ không chỉ đạo công bố?
Liệu có tình trạng thừa nhận lỗi sai để trấn an dư luận ở thời điểm cao trào của việc tìm 'sạn' sách giáo khoa. Nhưng khi sóng gió qua đi mọi chuyện vẫn như cũ?
Lần đầu tiên ngành giáo dục, có tới 5 bộ sách giáo khoa được phép lưu hành.
Và, cũng là lần đầu tiên dư luận bắt lỗi những bộ sách đang được giảng dạy trong nhà trường nhiều đến thế. Trên các diễn đàn tràn ngập những văn bản lỗi của các bộ sách được bạn đọc chỉ ra.
Trong các cuộc trò chuyện thường ngày của nhiều người dân vào thời điểm đó cũng luôn xoay quanh chủ đề sạn trong các sách giáo khoa.
Trước những chứng cứ khá thuyết phục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các tác giả những bộ sách và nhà xuất bản kiểm tra, thẩm định lại.
Bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã thừa nhận có 12 bài đọc và 16 từ ngữ có nội dung chưa chuẩn, chưa phù hợp cần phải chỉnh sửa. Và, duy nhất bộ sách này đã có bản hiệu đính công bố rộng rãi trong toàn quốc.
Riêng 4 bộ sách còn lại, những văn bản lỗi chỉ được thể hiện trong báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 12/2020 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Báo cáo này đã thừa nhận bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có 37 trang; Bộ Chân trời sáng tạo có 7 trang; bộ Cùng học để phát triển năng lực 24 trang và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục một trang cần chỉnh sửa.
Hết năm học nhưng vẫn chưa thấy bản hiệu đính về trường
Dù cả 5 bộ sách đều vướng sạn cần phải chỉnh sửa, dù duy nhất Bộ sách Cánh Diều công bố luôn bảng hiệu đính thay thế những nội dung chưa phù hợp.
Thế nhưng, cho đến hết năm học 2020-2021, tại nhiều trường học trong trong cả nước vẫn chưa nhìn thấy bảng hiệu đính chỉnh sửa những lỗi sai trong bộ sách Cánh Diều.
Có thầy cô nhanh nhạy tự thay thế bài đọc phù hợp cho học sinh nhưng cũng có giáo viên trung thành với sách kiểu “sách viết sao thì dạy vậy”.
Bộ sách Cánh Diều những lỗi sai chủ yếu nằm ở học kỳ 1, vì thế chúng tôi nghĩ rằng những bộ sách giáo khoa năm học mới này sẽ được in lại sau khi các lỗi sai đã được sửa chữa.
Riêng 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục (nay còn lại 2 bộ sách) chúng tôi vẫn chỉ mới được nghe trên các phương tiện thông tin số lượng bài phải chỉnh sửa còn chỉnh sửa bài nào, từ ngữ nào, giáo viên vẫn chưa được đọc cụ thể.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ rà soát các lỗi và gửi sang Hội đồng thẩm định sách quốc gia xem xét trên nhiều yếu tố; thậm chí có cả những đối thoại với tác giả về các nội dung liên quan để thống nhất công bố những vấn đề cần điều chỉnh.
Nhưng, từ đó đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như hội đồng thẩm định sách đều vẫn chưa công bố lỗi trong bốn bộ (nay còn 2 bộ) sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Vì thế, bạn đọc vẫn chưa biết được những nội dung nào được chỉnh sửa và sẽ chỉnh sửa ra sao?
Năm học 2021-2022 liệu học sinh có được học sách mới sau khi đã chỉnh sửa?
Năm học 2020-2021 sắp hết, năm học mới cũng chỉ còn khoảng 5 tháng nữa là sẽ bắt đầu. Thế nhưng, thông tin về việc sẽ chỉnh sửa 2 bộ sách giáo khoa bị lỗi vẫn chưa được công bố rộng rãi.
Nhiều người thắc mắc: Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có 37 trang cần chỉnh sửa;
Bộ Chân trời sáng tạo có 7 trang cần chỉnh sửa, liệu các tác giả, các nhà biên tập có chỉnh sửa để in lại bộ sách mới hay không?
Liệu có tình trạng thừa nhận những lỗi sai của văn bản để trấn an dư luận trong thời điểm cao trào của việc tìm “sạn” sách giáo khoa. Nhưng khi sóng gió qua đi mọi chuyện vẫn sẽ đâu vào đấy?
Để những suy luận, phỏng đoán không phải là sự thật, chúng tôi nghĩ các tác giả sách cũng như Nhà xuất bản Giáo dục cần công bố bản hiệu đính trước khi chỉnh sửa sách giáo khoa như bộ sách Cánh Diều đã làm.
Tài liệu tham khảo:
http://www.quochoitv.vn/Videos/thoi-su/2020/12/ca-5-bo-sach-giao-khoa-can-chinh-sua/520167