4 câu hỏi xung quanh vụ phó công an phường ở Cao Bằng đánh phụ nữ

Vị bác sĩ có quan hệ ra sao với Phó công an phường Sông Bằng và ông Đoàn đã hòa giải với nạn nhân thì vụ việc có dừng lại là 2 trong số 4 câu hỏi độc giả đặt ra xung quanh vụ việc.

Công an TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã có báo cáo ban đầu về việc ông Đặng Đình Đoàn, Phó trưởng Công an phường Sông Bằng, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, đánh một phụ nữ, chỉ đạo bắt giữ người lúc 23h tại phường Đề Thám.

Trước khi có kết quả cuối cùng về việc xác minh và thực hiện quy trình kiểm điểm xử lý kỷ luật với ông Đoàn để báo cáo công an tỉnh trước ngày 10/5, nhiều độc giả đặt ra những câu hỏi xung quanh vụ việc.

Camera ghi cảnh cán bộ phường nửa đêm đến nhà bắt người, đánh phụ nữ Nửa đêm, nhóm người được cho là cán bộ và công an phường ở TP Cao Bằng đến nhà một người dân đòi bắt người rồi xô xát với phụ nữ. Công an tỉnh đang xác minh làm rõ sự việc.

Vị bác sĩ và phó công an phường có mối quan hệ ra sao?

Theo Công an TP Cao Bằng, vị bác sĩ trong vụ việc hiện công tác tại Phòng khám đa khoa Hữu nghị 103 Cao Bằng.

Ngày 6/5, trao đổi với Zing, lãnh đạo Sở Y tế Cao Bằng cho biết đây là một cơ sở y tế tư nhân, không thuộc quản lý của Sở.

Nhân chứng vụ việc kể tối muộn ngày 28/4, chị Triệu Mùi Khe nhận được nhiều lời "mời gọi" từ ông Nguyễn Văn Mạnh, rủ đến cơ sở y tế của ông để khám phụ khoa.

Sự việc xảy ra trước mặt bạn trai của chị Khe. Anh Nam (bạn trai chị Khe) sau đó đã nói chuyện với bác sĩ Mạnh và có lời qua tiếng lại. Hai người hẹn gặp nhau tại tiệm cắt tóc ở phường Đề Thám.

Công an TP Cao Bằng cho biết ông Đoàn và ông Mạnh có mối quan hệ quen biết từ trước nên lúc 22h30 cùng ngày, vị bác sĩ đã “nhờ” Phó công an phường Sông Bằng giúp đỡ, đến quán cắt tóc để gặp Nam.

 Ông Đoàn (áo trắng) tát chị Khe tại tiệm cắt tóc. Ảnh: Hải Nam.

Ông Đoàn (áo trắng) tát chị Khe tại tiệm cắt tóc. Ảnh: Hải Nam.

Hình ảnh từ camera giám sát tại tiệm cắt tóc cho thấy ông Đoàn chỉ đạo một cán bộ Công an phường Sông Bằng mặc quân phục nhưng không đeo bảng tên, bắt, khống chế anh Nam. Trước sự phản ứng của chị Khe, ông Đoàn đã 2 lần tát vào vùng đầu của người phụ nữ.

Nhiều độc giả đặt câu hỏi mối quan hệ giữa ông Mạnh và ông Đoàn thân thiết đến mức nào mà một vị bác sĩ của phòng khám tư nhân lại có thể "nhờ" một chỉ huy công an địa phương giải quyết, xử lý mâu thuẫn cá nhân?

Hành vi của bác sĩ có hợp lý?

Từng trao đổi với Zing, lãnh đạo Công an TP Cao Bằng cho biết cơ quan điều tra sẽ làm rõ mọi chi tiết trong vụ việc, kể cả lời cáo buộc của bị hại về hành vi “mời gọi” đến khám phụ khoa lúc nửa đêm của bác sĩ Mạnh.

“Nếu có vi phạm sẽ xử lý”, vị lãnh đạo công an TP khẳng định.

Bình luận về vụ việc dưới góc độ chuyên môn, một bác sĩ thuộc bệnh viện cấp Trung ương (xin giấu tên) nhận định nếu tình tiết bác sĩ Mạnh chủ động gọi cho một phụ nữ đến khám phụ khoa lúc 23h là có thật, thì điều này "hơi lạ".

"Thông thường, bệnh nhân có nhu cầu sẽ gọi cho bác sĩ để tư vấn, hẹn lịch đến khám... Việc bác sĩ chủ động gọi mời bệnh nhân đến khám là điều hiếm khi xảy ra, đặc biệt lại diễn ra vào ban đêm thì không có", vị bác sĩ nói với Zing.

 Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh. Ảnh: Cắt từ clip.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh. Ảnh: Cắt từ clip.

Ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng, cho biết trong ngành Y tế, quy tắc ứng xử giữa bác sĩ với người dân, người bệnh đều đã được quy định rõ trong Thông tư 07/2014/TT-BYT. Tuy nhiên, ông Phong từ chối bình luận về lời cáo buộc của bị hại trong vụ việc trên đối với bác sĩ Mạnh.

Ông Phong cũng cho biết đối với vụ việc trên, Phòng khám đa khoa Hữu nghị 103 Cao Bằng và bác sĩ Mạnh không thuộc quản lý của Sở. Vì vậy, việc xử lý, kiểm điểm đối với vị bác sĩ, Sở sẽ không can thiệp mà thuộc toàn quyền quyết định của phòng khám.

"Vụ việc không có yếu tố vi phạm về chuyên môn y tế nên việc xử lý sẽ dựa theo hợp đồng giữa bác sĩ và phòng khám", Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho hay.

Phóng viên liên hệ với Phòng khám đa khoa Hữu nghị 103 Cao Bằng, một người xưng là cán bộ của phòng khám cho biết ban lãnh đạo của cơ sở y tế này đang trong quá trình xử lý và từ chối cung cấp thông tin.

Câu hỏi của độc giả đặt ra là nếu cáo buộc của người dân là có thật, thì vị bác sĩ có bị xử lý hay không?

Công an phường Sông Bằng sang phường Đề Thám để làm việc với công dân có đúng quy định?

Bước đầu, lãnh đạo Công an tỉnh Cao Bằng nhận định ông Đặng Đình Đoàn đã có một số vi phạm về quy trình công tác, quy tắc ứng xử của lực lượng công an. Vị phó trưởng công an phường thiếu kiềm chế, có hành vi xâm hại đến sức khỏe công dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của lực lượng công an và cần bị xử lý nghiêm.

Nhiều độc giả đồng tình với kết luận ban đầu của Công an tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, nhiều người muốn cơ quan chức năng làm rõ hành vi "vi phạm về quy trình công tác" của ông Đoàn là như thế nào?

Độc giả Minh Anh đưa ra câu hỏi ông Đoàn là cán bộ Công an phường Sông Bằng nhưng sang địa bàn phường Đề Thám để làm việc, bắt giữ người dân lúc 23h là đúng hay sai?

Với câu hỏi trên, vị chỉ huy Công an phường Đề Thám từ chối trả lời.

 Trong khi cán bộ công an phường khống chế anh Nam (áo xanh nhạt) thì ông Đoàn (áo sơ mi trắng) tát chị Khe. Ảnh: Cắt từ clip.

Trong khi cán bộ công an phường khống chế anh Nam (áo xanh nhạt) thì ông Đoàn (áo sơ mi trắng) tát chị Khe. Ảnh: Cắt từ clip.

Dưới góc độ pháp lý, tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, cho biết để quyết định bắt giữ bất kỳ ai thì việc đầu tiên phải xác định họ có thuộc trường hợp được bắt giữ hay không.

"Đối với quyết định bắt giữ người khẩn cấp chỉ dành cho đối tượng phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã", luật sư Cường nói.

Ông Cường cho biết yếu tố thứ 2 khi bắt giữ người là thẩm quyền bắt giữ.

Theo đó, luật sư phân tích nếu trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, thì bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng, đơn vị nào cũng được quyền bắt tội phạm nhưng nếu bắt giữ người theo công vụ, chuyên án hay kế hoạch thì phải do người có thẩm quyền quyết định.

"Cơ quan tố tụng ở địa phương này bắt người ở địa phương khác thì phải có trách nhiệm báo cho chính quyền địa phương đó phối hợp", ông Cường nói.

Đối với vụ việc này, tiến sĩ Cường nhận định hành vi của anh Nam không thể bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp. Nếu anh Nam có chửi bới, nhục mạ, lời qua tiếng lại với ông Mạnh thì cũng chưa đến mức bị xử lý hình sự.

"Như vậy, có thể khẳng định không một ai có quyền bắt giữ công dân trong trường hợp này, kể cả cơ quan tố tụng ở địa phương chứ chưa nói đến cơ quan tố tụng ở địa phương khác", Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhấn mạnh.

Xử lý ra sao khi bị hại đã đồng ý hòa giải?

Trước thông tin bị hại đã đồng ý hòa giải với ông Đoàn và bác sĩ Mạnh, độc giả đặt câu hỏi liệu vụ việc có dừng lại ở đây?

Trả lời vấn đề này, chỉ huy Công an TP Cao Bằng khẳng định với Zing cơ quan chức năng vẫn sẽ xử lý nghiêm ông Đoàn tùy vào mức độ vi phạm. Vị lãnh đạo nhấn mạnh quyết định hòa giải của hai bên không ảnh hưởng đến quyết định xử lý, kỷ luật.

Hiện, ông Đặng Đình Đoàn đã bị cho tạm đình chỉ công tác để cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc.

Còn dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường nhận định hành vi của ông Đoàn đủ căn cứ cấu thành tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015.

“Đối với tội danh này, nếu cơ quan điều tra có đủ chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can mà không cần phụ thuộc vào việc bị hại có đơn yêu cầu hay không”, ông Cường cho hay.

Trong khi đó luật sư Nguyễn Văn Quyết (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng ông Đoàn là một chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn, như vậy, người này có thể bị xử lý theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 với tình tiết định khung lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc theo Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật.

Khung hình phạt áp dụng theo Điều 157 là 2-7 năm tù, còn Điều 337 quy định khung hình phạt sẽ là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nói về việc đôi bên đồng ý hòa giải, luật sư Quyết cho biết căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, kết quả hòa giải không có giá trị trong việc có khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp này hay không.

"Theo Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những tội quy định tại Khoản 8 Điều này mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Trong số này, không có tội danh quy định tại Điều 157 và 337 Bộ luật Hình sự 2015. Do đó, kết quả hòa giải không có giá trị trong giải quyết vụ việc này", ông Quyết phân tích.

Luật sư Quyết cũng đưa nhận định nếu vụ án này cơ quan điều tra kết luận có vi phạm hình sự thì bác sĩ Mạnh cũng có thể bị khởi tố với vai trò đồng phạm, giúp sức tích cực.

Hải Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/4-cau-hoi-xung-quanh-vu-pho-cong-an-phuong-o-cao-bang-danh-phu-nu-post1315090.html