4 cuốn sách hay nên đọc về dịch bệnh
4 cuốn sách hay về dịch bệnh, mang đến cái nhìn rõ ràng hơn về các căn bệnh và đại dịch từ trước tới nay, qua đó giúp độc giả bớt lo lắng và bảo vệ bản thân cũng như gia đình tốt hơn.
Những ngày gần đây, dịch Covid-19 bùng phát trở lại đúng vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán khiến nhiều người lo lắng. Tốc độ lây lan nhanh chóng cùng sự xuất hiện biến thể mới của virus khiến công tác kiểm soát và phòng chống dịch ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Vào thời điểm này, điều tốt nhất mọi người có thể làm là tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế ra ngoài và tụ tập đông người. Bên cạnh đó, việc trang bị cho mình những kiến thức sức khỏe cần thiết cũng giúp bảo vệ bản thân tốt hơn.
Với mong muốn đồng hành trong cuộc chiến đẩy lùi Covid, dòng sách chuyên về Y học Medinsights (Alpha Books) giới thiệu với độc giả 4 cuốn sách hay về dịch bệnh, mang đến cái nhìn rõ ràng hơn về các căn bệnh và đại dịch từ trước tới nay, qua đó giúp độc giả bớt lo lắng và bảo vệ bản thân cũng như gia đình tốt hơn trước những diễn biến khó lường của cuộc khủng hoảng sức khỏe mang tên Covid-19.
Nguồn gốc dịch bệnh
Nguồn gốc dịch bệnh: Động vật, con người và đại dịch toàn cầu tiếp theo (tên tiếng Anh: “Spillover: Animal Infection and the next human pandemics”) là một kiệt tác thu hút giới truyền thông thế giới của tác giả David Quammen, mang đến góc nhìn khoa học về các mầm gây bệnh trên động vật, và đôi khi lây truyền cho chính con người. Tác phẩm nằm trong Top 10 Sách Khoa học năm 2012 của Booklist, Top 11 Cuốn sách năm 2012 của Daily Beast và được New York Times Book Review bình chọn là Cuốn sách đáng chú ý năm 2012.
Trước khi xuất hiện cuộc khủng hoảng sức khỏe mang tên Covid hiện nay, nhà văn - nhà khoa học nổi tiếng David Quammen đã đi khắp thế giới để hiểu rõ hơn về khả năng tàn phá của các dịch bệnh có khả năng lây lan nhanh. Trong 5 năm, ông đã theo chân các nhà khoa học đến một sân thượng ở Bangladesh, một khu rừng ở Congo, một trang trại chuột của Trung Quốc, và một khu rừng ngoại ô ở New York, và các phòng thí nghiệm sinh học cao cấp. Ông đã phỏng vấn những người sống sót và thu thập câu chuyện về những người đã chết.
Từ những tài liệu có một không hai đó, Quammen đã dệt lên câu chuyện đặc biệt - một tiểu thuyết trinh thám với những kẻ sát nhân rất khác biệt, nhưng cũng rất chân thực. Chúng là virus, vi khuẩn và những sinh vật đơn bào gây bệnh trên động vật; nhưng đôi khi, chúng sẽ thay đổi mục tiêu – và nhảy sang loài người.
Chúng ta sẽ được thấy muôn vàn cách mầm bệnh có thể di chuyển từ vật chủ này sang vật chủ khác – qua phân, dịch tiết, chất nhầy và máu – và khám phá những hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến phơi nhiễm: leo cây, uống nhựa chà là, ăn hay chỉ đơn thuần là chạm vào động vật đã chết… Quammen cũng tìm kiếm cả những đồng phạm không cố ý: những loài động vật mang mầm bệnh trước khi truyền cho người: lợn, chim, khỉ, khỉ đột và dơi.
Sự xuất hiện của những căn bệnh lây truyền từ động vật – những mầm bệnh tìm đến chúng ta từ những loài sinh vật khác – không phải điều gì mới mẻ, nhưng đang có xu hướng tăng lên, và Quammen đi tìm lý do ẩn sau hiện tượng đó trong chương cuối cùng của cuốn sách: dân số khổng lồ của loài người, cùng với lượng gia súc vô cùng lớn, sự hủy diệt của môi trường sống tự nhiên, những hệ sinh thái bị phá vỡ – những thứ hoàn toàn có thể biến thành cuộc tranh cãi về sự trả thù của tự nhiên lên loài người.
Dịch bệnh – Kẻ thù nguy hiểm nhất
Dịch bệnh: kẻ thù nguy hiểm nhất (tên tiếng Anh “Deadliest enemy: Our war against killer germs”) là cuốn sách vô cùng thiết thực của hai tác giả Michael T. Osterholm và Mark Olshaker. Đây là tác phẩm viết về các bệnh truyền nhiễm, các đại dịch trong thời đại ngày nay từ góc nhìn của chuyên gia dịch tễ, được tổng hợp từ quá trình quan sát, điều tra các đại dịch, nghiên cứu cũng như sự phát triển của các chính sách chống lại những vấn đề y tế công cộng nổi cộm hiện đại.
Cuốn sách gồm 21 chương được trình bày một cách tinh gọn, luôn khu trú vào mục tiêu là những kẻ thù nguy hiểm nhất, cùng cách khai thác các thông tin liên quan tới kẻ thù nguy hiểm đó bằng những câu hỏi kinh điển: Who (ai), What (cái gì), When (khi nào), Where (ở đâu), and Why (tại sao) và chữ How (như thế nào).
Các tác giả dẫn dắt người đọc tìm hiểu về các loại dịch bệnh tiêu biểu đã tác động lên nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử cho đến ngày nay như: Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918, dịch hạch ở London, dịch SARS ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á với những nguy cơ và thách thức cấp bách nhất, qua đó đề xuất những biện pháp có thể giải quyết các vấn đề của nhân loại.
Điểm đáng lưu ý là các tác giả ngay từ năm 2017 đã dự đoán sẽ xảy ra đại dịch toàn cầu liên quan đến coronavirus (Covid-19 hiện nay). Thực tế, sự biến đổi nhanh chóng của vi sinh vật để thích nghi với môi trường, việc gia tăng chóng mặt về mặt dân số và các loài động vật sống gần con người trên hành tinh; sự di chuyển nhanh chóng, dễ dàng bằng máy bay; sự vô tâm, tham lam… đang khiến con người phải đối mặt với nguy cơ bùng nổ các dịch bệnh nguy hiểm lớn hơn bao giờ hết.
Chẩn trị Covid-19 bằng Đông – Tây y
Chẩn trị Covid-19 bằng Đông – Tây y (tên tiếng Anh: “Traditional Chinese and Western Medicine for Diagnosis and Treatment of Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) là cuốn sổ tay giới thiệu các phương pháp chẩn đoán và điều trị Covid-19 trong y học cổ truyền Trung Quốc và phương Tây. Cuốn sách được biên soạn bởi hai tác giả Trương Bá Lễ và Lưu Thanh Tuyền - các chuyên gia có tiếng về Trung y truyền thống, đã trực tiếp tham gia quá trình chống dịch Covid-19.
Cuốn sách mang đến cái nhìn trực diện cho độc giả bằng cách tiếp cận căn bệnh trên nhiều khía cạnh, bao gồm: đặc điểm lâm sàng, cơ chế ủ bệnh và phát bệnh, nguồn và cách lây nhiễm, tiêu chuẩn và quy trình chẩn đoán bệnh, tiến triển của căn bệnh trên toàn thế giới.
Theo hai tác giả, điểm nổi bật của Tây y là phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus và kháng sinh, thuốc miễn dịch, thuốc điều chỉnh hệ sinh thái đường ruột, sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏe mạnh, áp dụng lọc máu liên tục ngoài thận… Tuy nhiên, cuốn sách cũng đề cao ưu điểm của Đông y trong cách dự phòng, chẩn đoán và hồi phục, dựa trên kinh nghiệm thực tế của tác giả khi làm việc ở bệnh viện dã chiến và các nghiên cứu lâm sàng về thuốc Đông.
Chính vì vậy, sách có riêng một chương hướng dẫn chi tiết cho các cá nhân khỏe mạnh về các biện pháp phòng ngừa khoa học như những lời khuyên chi tiết về thói quen sinh hoạt, những bài thuốc từ thảo dược kết hợp bấm huyệt hay châm cứu cho đến các bài tập luyện nhẹ nhàng, giúp mọi độc giả, không chỉ riêng các chuyên gia và nhân viên y tế, có thêm kiến thức để bảo vệ bản thân và gia đình tốt hơn trong thời điểm căng thẳng này.
Đừng ốm
Đừng ốm: Bí quyết sống khỏe trong thế giới đầy rẫy mầm bệnh (tên tiếng Anh: Don't Get Sick.: A Panic-Free Pocket Guide to Living in a Germ-Filled World) được biên soạn bởi nhóm biên tập tạp chí Prevention – tạp chí quy tụ các bác sĩ y tế cao cấp nhất, với hơn 60 năm dẫn đầu trong việc cung cấp các thông tin đáng tin cậy về sức khỏe.
Theo các bác sĩ của Prevention, việc tự chăm sóc bản thân thông minh là chìa khóa để ngăn chặn sự lây lan của bệnh truyền nhiễm. Mặc dù không thể tránh được 100% vi trùng, nhưng mọi người có thể làm rất nhiều điều để giảm tiếp xúc và củng cố khả năng phòng vệ tự nhiên của mình.
Trong Đừng ốm cho chúng ta biết: Những nơi trú ngụ của mầm bệnh mà bạn không ngờ tới; Những thói quen hàng ngày mà bạn chẳng bao giờ bận tâm lại có thể là những thói quen xấu khiến bạn dễ mắc các bệnh truyền nhiễm; Những việc bạn nên làm nếu chẳng may bạn nhiễm bệnh.