4 đại gia Việt tuổi Thìn nức tiếng trên thương trường
Trong tử vi phương Đông, rồng tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Doanh nhân sinh năm Thìn cũng được cho rằng luôn tràn đầy năng lượng và sức mạnh, dễ đạt được giàu có và quyền lực.
Nhân dịp đầu năm mới Giáp Thìn 2024, Tri thức & Cuộc sống xin điểm qua một vài doanh nhân Việt tiêu biểu sinh năm Thìn:
Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Vicostone
Sinh năm 1964 (Giáp Thìn), ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Vicostone hiện là người giàu thứ 11 trên sàn chứng khoán Việt với 7.731 tỷ đổng. Ông Hồ Xuân Năng đang sở hữu gần 6 triệu cổ phiếu VCS, chiếm tỷ lệ 3,74%.
Ông Hồ vốn là một cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhưng sau đó, ông bước chân sang ngành kinh doanh, trở thành Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô Ford Việt Nam. Năm 1999, ông Năng đến với Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex với vị trí là Thư ký Chủ tịch HĐQT.
Năm 2004, ông Hồ Xuân Năng giữ vị trí Giám đốc Nhà máy Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (Vicostone) – một công ty thành viên của Vinaconex. Tháng 6/2014, ông Hồ Xuân Năng chính thức nắm giữ các chức vụ cao nhất tại Công ty cổ phần Vicostone – Chủ tịch HĐQT và kiêm Tổng Giám đốc trong nhiều năm trước khi nhường vị trí Tổng Giám đốc cho ông Phạm Anh Tuấn vào năm 2017.
Thời điểm ông Năng tiếp nhận Vicostone, công ty đang đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng nhờ sự thông minh, nhạy bén và tài quản lý của mình, doanh nhân Hồ Xuân Năng đã "nâng tầm" Vicostone từ một công ty nhỏ thành công ty có quy mô lớn hơn nhiều công ty mẹ ngày hôm nay.
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch KBC
Doanh nhân Đặng Thành Tâm sinh năm 1964 (Giáp Thìn) tốt nghiệp kỹ sư tại trường đại học Hàng Hải (Hải Phòng) và có bằng cử nhân luật, cử nhân quản trị kinh doanh, bằng Diploma of Business Management của Trường Henley - Anh Quốc.
Ông Đặng Thành Tâm hiện là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC). Ông sở hữu hơn 29 triệu cổ phiếu ITA, 138,6 triệu cổ phiếu KBC, hơn 35 triệu cổ phiếu SGT, tương đương 4.934 tỷ đồng, xếp thứ 26 trong danh sách người giàu thị trường chứng khoán Việt.
Trước đó, ông Đặng Thành Tâm được xếp hạng là người giàu nhất ở Việt Nam năm 2007 và thứ ba Việt Nam năm 2008, 2009 và 2010 dựa trên giá trị cổ phiếu sở hữu.
Không chỉ điều hành kinh doanh, ông Đặng Thành Tâm còn tham dự tích cực vào hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2006, ông là thành viên hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, thành viên tư vấn cao cấp chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO của Chính phủ Việt Nam, chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nhật.
Năm 2009, ông là chủ tịch câu lạc bộ CEO Việt Nam, chủ tịch câu lạc bộ Sao vàng Đất Việt. Từ năm 2010, ông là Ủy viên ban chấp hành Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam. Năm 2011, ông là thành viên tư vấn Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE
Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh sinh năm 1952 (Nhâm Thìn) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) đồng thời được mệnh danh là vị “nữ tướng” biểu tượng của doanh nghiêp này. Bà Thanh đang nắm giữ 49,8 triệu cổ phiếu REE, tương đương khối tài sản 2.768 tỷ đồng, giàu thứ 46 trên sàn chứng khoán Việt.
Năm 1973, bà Mai Thanh cùng em trai ra Bắc học tập rồi được tạo điều kiện du học tại CHDC Đức. Bà tốt nghiệp kỹ sư ngành Điện lạnh tại Đại học Kỹ thuật Karl-Marx-Stadt (Đức), rồi lập gia đình với một tiến sĩ hóa học người Việt tại Đức và cùng chồng về nước.
Đến năm 1984, nhờ thành công trong việc lắp đặt hệ thống lạnh lớn đầu tiên cho Nhà hát Hòa Bình (TP HCM), bà Mai Thanh ghi điểm trong mắt lãnh đạo xí nghiệp. Năm 1985, bà Thanh bất ngờ được ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Xí nghiệp khi ấy đề nghị "kế vị".
Ở tuổi 33, bà Mai Thanh quản lý 200 con người, chấp nhận đối mặt với một loạt khó khăn, trong đó có việc dàn nhân sự cấp trưởng, phó phòng đồng loạt xin nghỉ việc, kho hàng vật tư trống rỗng, tài khoản ngân hàng không có một đồng.
Năm 1992, Xí nghiệp của bà Mai Thanh là một trong những doanh nghiệp đầu tiên mạnh dạn xung phong thực hiện cổ phần hóa. Năm 1993, xí nghiệp thì trở thành công ty cổ phần có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh ra đời từ đó.
Năm 1993, bà Mai Thanh được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị REE. Từ đó đến nay, nữ doanh nhân đã lèo lái con thuyền này qua nhiều thăng trầm. REE đã trở thành doanh nghiệp ngành cơ điện lạnh với vốn sở hữu hơn 3.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch HĐQT LPBank
Ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch HĐQT LPBank, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thaigroup hiện là người giàu thứ 116 trên sàn chứng khoán Việt. Ông Thụy đang nắm giữ 61,62 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 1.121 tỷ đồng.
Ông Thụy sinh năm 1976 (Bính Thìn) tốt nghiệp Trường Đại học Bang Colorado (Colorado State University - Mỹ). Trước khi gia nhập ngành ngân hàng với cương vị Phó chủ tịch LPBank hồi tháng 5/2021, ông Nguyễn Đức Thụy từng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ tài chính đến thể thao, xi măng, năng lượng… Với tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm tích lũy từ quá trình lãnh đạo doanh nghiệp, trong thời gian lãnh đạo tại LPBank ông đã giúp ngân hàng có những bước phát triển mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Đức Thụy được bầu làm Chủ tịch LPBank từ ngày 9/2022.