4 dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ cần xử trí nhanh
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ gây tử vong cao, dưới đây là 4 dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ cần xử trí nhanh ai cũng cần nắm rõ.
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là bệnh lý tổn thương một phần não, xảy ra đột ngột do các nguyên nhân như tắc nghẽn các mạch máu trên não, gây thiếu máu đến nuôi não… dẫn đến tình trạng hôn mê, liệt nửa người, thậm chí tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Vì vậy, việc phòng ngừa nguy cơ xảy ra đột quỵ rất quan trọng.
4 dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ
Bài viết của Bs.CK1 Đỗ Kiều Anh trên Báo Sức khỏe & Đời sống chỉ ra 4 dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ ai cũng không nên bỏ qua:
Bỗng dưng chóng mặt
Hệ thống tuần hoàn sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu tim quá yếu. Não không nhận đủ oxy cần thiết, khiến chúng ta luôn cảm thấy chóng mặt, thậm chí đau đầu. Do đó cần chú ý và đi chẩn đoán bệnh ngay khi có biểu hiện trên thường xuyên.
Nếu tự nhiên bị chóng mặt, buồn nôn hoặc gặp khó khăn về đi lại thì có thể nghĩ bản thân bị say, song thực tế đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
Đau đầu nặng
Cơn đau đầu nặng, đột ngột là triệu chứng hay gặp ở người bị đột quỵ. Vì vậy, khi thấy có biểu hiện đau đầu, uống thuốc không đỡ cần phải tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Yếu một bên cơ mặt
Yếu một bên cơ mặt, đột ngột có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Để kiểm tra, các nhân viên cấp cứu có thể yêu cầu bạn cười hoặc nhe răng. Nếu một bên mặt chùng xuống hoặc không cử động thì có thể bị tình trạng này.
Khó thở hoặc tim đập nhanh
Một nghiên cứu về những khác biệt giới trong đột quỵ cho thấy phụ nữ dễ bị các triệu chứng khó thở hoặc tim đập nhanh khi đột quỵ.
Cần làm gì khi có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, dù gặp phải bất cứ biểu hiện nào trong những dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ kể trên, người bệnh đều đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
Cụ thể, những việc người có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sớm cần làm là:
- Gọi cấp cứu 115 ngay lập tức
Thời gian là yếu tố quyết địnth đối với hiệu quả điều trị đột quỵ. Mỗi phút trôi qua và bỏ lỡ thời gian vàng đột quỵ là số lượng tế bào não chết đi tăng lên, tổn thương càng khó hồi phục.
- Đặt người bệnh nằm nghiêng
Hãy đặt người bệnh trong tư thế nằm nghiêng cao đầu 30 - 45 độ để đường thở được thông thoáng và tránh nguy cơ bị nghẹt thở.
- Giữ người bệnh ổn định
Giữ cho người bệnh được nằm trong không gian yên tĩnh và nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ.
Cho bệnh nhân mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi hoặc nới lỏng quần áo của họ. Trường hợp người bệnh bị co giật, cần dùng chiếc đũa bọc giẻ đặt ngang miệng để tránh cắn vào lưỡi.
- Quan sát để ghi nhớ đầy đủ triệu chứng
Ghi lại thời gian bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và bất kỳ thay đổi nào của người bệnh. Hãy cung cấp thông tin này cho nhân viên y tế thực hiện cấp cứu khi họ tới nơi.
- Không cho người bệnh ăn uống
Không cho người bệnh ăn uống để tránh tình trạng hít sặc hoặc ngạt thở.
- Cung cấp thông tin bệnh lý, sử dụng thuốc
Chuẩn bị sẵn sàng thông tin về tiền sử bệnh lý và thuốc đang sử dụng của người bệnh để cung cấp cho nhân viên y tế.
- Không tùy ý áp dụng các phương pháp dân gian (như lấy kim chích vào đầu ngón tay hoặc ngón chân, bấm huyệt, châm cứu, cạo gió, cắt lễ…) vì càng gây nguy hiểm hơn.
Hành động nhanh chóng và chính xác có thể tạo ra sự khác biệt lớn về khả năng hồi phục của bệnh nhân đột quỵ. Vì thế, ngay khi phát hiện ra bất cứ tín hiệu nào từ những dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ đừng lãng phí thời gian giúp người bệnh được hỗ trợ y tế kịp thời.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/4-dau-hieu-canh-bao-con-dot-quy-can-xu-tri-nhanh-ar886535.html