4 điều bạn nên làm mỗi ngày để hạnh phúc và kiên cường hơn, theo các chuyên gia tâm lý
Hạnh phúc và kiên cường hơn là điều ai cũng cần, đặc biệt là trong những giai đoạn căng thẳng, nhiều sức ép vì bất kỳ lý do gì. Những điều này đều không tự nhiên đến, tuy nhiên, ai cũng có thể 'luyện tập' được. Theo các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, việc luyện tập chẳng khó chút nào, và nếu bạn làm 4 điều này mỗi ngày, bạn sẽ vững vàng hơn rất nhiều trong cuộc sống, giảm đáng kể nguy cơ bị rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
Cuộc sống thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh, và điều đó có thể khiến hầu hết chúng ta ngày càng bận rộn, ngày càng “choáng”, nếu không có những cách sắp xếp phù hợp. Ở Mỹ, Anh, Úc… đều có báo cáo rằng số người trong lứa tuổi dậy thì và tuổi 18 - 24 bị trầm cảm tăng lên. Trên toàn thế giới, ít nhất 13% người ở lứa tuổi 10 - 19 đã được chẩn đoán bị một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần nào đó, theo báo cáo cuối năm 2021 do UNICEF đưa ra.
Vì vậy, trang CNBC mới đây đã hỏi ý kiến của các chuyên gia về cách nâng cao sức khỏe tâm thần - việc này quan trọng chẳng kém gì nâng cao sức khỏe thể chất. Cụ thể là làm sao để sống vui vẻ và kiên cường hơn.
Tiến sĩ tâm lý học Jessica Jackson của Modern Health, một tổ chức chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Mỹ, nói: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng sự kiên cường không phải là lúc nào cũng cứng rắn. Sự kiên cường cũng có nghĩa là nghỉ ngơi, là dễ bị tổn thương và sẵn sàng nhìn vào cảm xúc của mình, để có thể dễ vượt qua các tình huống khó khăn hơn”.
Tiến sĩ Jackson và Tiến sĩ tâm lý học Samantha Boardman đã đưa ra 4 việc mà bạn nên tập thành thói quen để củng cố sức khỏe tâm thần và sự kiên cường của mình trong cuộc sống hằng ngày:
1. “Check-in” 5 phút mỗi sáng
Chúng ta thường hay hỏi người khác: “Cậu ổn không?”, “Mọi việc tốt cả chứ?”, nhưng lần gần nhất bạn tự hỏi mình những câu này là khi nào?
Con người thường dễ quên mất cảm xúc của chính mình, cho đến khi đứng trên bờ vực của sự sụp đổ. Tiến sĩ Jackson nói: “Bạn hãy nghĩ đến một chiếc ô tô. Bạn có thể không để ý đến việc dầu bị rò rỉ vì nó lúc nào cũng chạy. Nhưng khi nó đỗ một lúc, rồi bạn dịch chuyển nó sang chỗ khác, bỗng nhiên bạn nhận ra rằng bên dưới nó có một vũng dầu. Sức khỏe tâm thần của chúng ta cũng vậy”.
Cho nên, bạn hãy dành 5 phút mỗi sáng để chú ý đến cảm xúc của mình, bắt đầu bằng những câu hỏi:
- Mình cảm thấy thế nào?
- Hôm nay mình cần gì?
- Mình muốn ngày hôm nay thế nào?
Cứ ngồi yên lặng và nghĩ về những câu hỏi này. Từ đó, bạn sẽ đối diện với những cảm xúc tiêu cực của mình và tìm những việc cần điều chỉnh để giảm căng thẳng, ví dụ đi dạo, đặt món ăn mình thích thay vì tự nấu...
2. Tạo những “khoảnh khắc nhỏ tích cực”
Não chúng ta được lập trình để tập trung vào các cảm xúc tiêu cực hơn là tích cực. “Thuốc giải” ở đây chính là tìm những người hoặc những việc khiến bạn thấy vui. Những điều này có vai trò như “vùng đệm” giữa chúng ta với sự căng thẳng (mà mỗi người đều không thể tránh khỏi trong cuộc sống của mình).
Hãy nghĩ xem làm sao để đưa những “khoảnh khắc nhỏ tích cực” này vào “lịch trình” hằng ngày, chẳng hạn như gọi điện cho người bạn thân, nghe bài hát yêu thích… Tiến sĩ Boardman gợi ý bạn nên đặt lời nhắc trên điện thoại cho những việc như thế, tránh để năng lượng tiêu cực tràn ngập trong đầu mình.
3. Xem lại thời gian tiếp xúc với công nghệ
Đã có nhiều nghiên cứu khẳng định mối liên hệ giữa mạng xã hội với chứng lo âu, trầm cảm, đặc biệt ở tuổi dậy thì.
Trong cuộc sống hiện đại thì chúng ta không thể hoàn toàn tách rời Internet được, nên bạn cần đánh giá thói quen dùng mạng của mình, xem có trang web/ nhóm Facebook/ người nào trên mạng xã hội mà thường đem lại cho bạn cảm xúc tiêu cực không. Nếu có, hãy giảm đọc những trang đó, hoặc bỏ theo dõi.
Marie Kondo - chắc hẳn bạn biết chuyên gia tổ chức cuộc sống rất nổi tiếng này - nói: “Nếu một điều không đem lại niềm vui ở mức độ nào đó, nếu nó khiến bạn cảm thấy tồi tệ, thì hãy tắt nó đi, hoặc giới hạn thời gian bạn dành cho nó”. Kondo cho rằng ngoài thời gian dùng mạng để học và làm việc, thì bạn chỉ nên online dưới 2 tiếng/ ngày.
4. Đặt ra các giới hạn
Đây là kỹ năng quan trọng để trở nên kiên cường hơn, vì nó giúp bạn tự lựa chọn những gì bạn cho phép ở lại trong cuộc sống của mình.
Tiến sĩ Jackson nói: “Sự kiên cường thường bị nhầm lẫn với sự độc lập, nhưng không phải. Kiên cường nghiêng về phía đặt ưu tiên cho những nhu cầu của chính mình”.
Ví dụ, nếu bạn đã hẹn đi ăn với một người bạn, nhưng rồi bạn lại cảm thấy mình cần ở nhà nghỉ ngơi, thì đừng cảm thấy tồi tệ khi phải gọi cho người bạn để xếp lại lịch. Hoặc nếu có hôm rất nhiều bài tập nhưng bạn bị đau đầu, hãy nhắn tin với thầy/ cô, xin phép làm bù sau (và thực hiện đúng lời hứa).
Việc đặt ra các giới hạn ban đầu có thể khiến bạn ái ngại, không thoải mái. Nhưng dần dần, bạn sẽ thấy rằng việc chia sẻ cảm xúc của mình mà không cảm thấy tội lỗi cũng có nghĩa là bạn không bị hao phí nguồn năng lượng (rất có hạn) của mình cho những việc sẽ gây tổn hại đến tinh thần.
Các chuyên gia tâm lý kết luận: “Cuộc sống là khá căng thẳng đối với hầu hết mọi người. Cho nên việc biết các “ngưỡng” của mình và tôn trọng các “ngưỡng” đó là rất quan trọng, trước khi bạn kiệt sức”.