4 doanh nghiệp cam kết thu mua kén từ 90 - 100 ngàn đồng/kg

Trước tình hình xuất khẩu tơ tằm ngưng trệ, giá kén xuống thấp, một số doanh nghiệp thu mua chính trong tỉnh đã thực hiện việc hỗ trợ cho người nuôi tằm ở Lâm Đồng bằng việc cam kết thu mua kén có chất lượng, có hợp đồng liên kết cho người dân với giá từ 90 - 100 ngàn đồng/kg.

Giá kén xuống thấp, nhiều nông hộ buộc phải tạm ngưng nuôi, đốn bỏ diện tích dâu thu hoạch chờ lứa mới

Giá kén xuống thấp, nhiều nông hộ buộc phải tạm ngưng nuôi, đốn bỏ diện tích dâu thu hoạch chờ lứa mới

Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết: Từ thời điểm giữa tháng 3 đến nay, giá kén tằm trên địa bàn huyện đã xuống thấp, thậm chí dưới giá thành sản xuất của người dân. So với các địa phương như Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng, giá kén tằm trên địa bàn huyện Đạ Tẻh thấp hơn từ 15 - 20%. Hiện, giá kén chỉ ở mức 70.000 đồng/kg.

Toàn huyện Đạ Tẻh hiện đang có diện tích trồng dâu đạt 1.527 ha, tăng 874 ha so với năm 2016 và năm 2020 ước đạt 1.700 ha với 8/11 xã, thị trấn xây dựng vùng sản xuất dâu tằm tập trung với diện tích từ 110 ha đến 250 ha. Trong đó, 98% diện tích sử dụng giống có năng suất cao, chất lượng tốt, năng suất đạt 25 tấn/ha, tăng 2 tấn/ha. Cùng với đó là 9 hợp tác xã, 23 tổ hợp tác dâu tằm, tăng 9 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác so với năm 2016. Tổng số hộ trồng dâu, nuôi tằm lên đến 3.054 hộ với sản lượng kén tằm đạt 1.800 tấn.

Tuy nhiên, những ngày này, tại nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện, nhiều nhà tằm trống hoang do người dân tạm ngưng nuôi. Trên các vườn dâu, người dân chủ động đốn bỏ, chờ lứa mới. Còn một số công ty ươm tơ, dệt lụa cũng phải hoạt động cầm chừng chờ diễn biến của thị trường.

Ông Nguyễn Đình Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Tơ lụa Minh Quân (huyện Đạ Tẻh) cho biết: Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của tơ tằm Lâm Đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện tại nước này đã đóng của biên giới nên việc xuất khẩu sản phẩm tơ tằm gặp nhiều khó khăn. “Một mặt, doanh nghiệp vừa chuyển sang trạng thái tái cấu trúc sản xuất, hoạt động cầm chừng. Mặt khác, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm thị trường khác thay thế” – ông Chiến nói.

Tương tự, tại Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà), thời điểm trước dịch, mỗi tháng Công ty xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ khoảng 7 tấn tơ thô. Thế nhưng, dịch bệnh đã làm cho doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn hơn, với giá trị và sản lượng giảm hơn một nửa. Trong khi đó, Công ty vẫn phải đảm bảo cung ứng nguyên liệu đầu vào và thu mua đầu ra cho nông dân. Hiện tại, sau 2 tháng dịch bệnh bùng phát tại Ấn Độ, Công ty đã tồn kho hơn 20 tấn tơ thô.

Sản lượng tồn kho lớn, Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh buộc phải hoạt động cầm chừng, cũng như chủ động tìm kiếm thị trường khác thay thế

Sản lượng tồn kho lớn, Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh buộc phải hoạt động cầm chừng, cũng như chủ động tìm kiếm thị trường khác thay thế

Ông Nguyễn Ngọc Huy - Giám đốc Công ty Huy Vạn Hạnh, cho biết: Để chủ động nguồn nguyên liệu kén, Công ty đã từng bước tổ chức sản xuất, liên kết với 500 hộ nông dân trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn với diện tích khoảng 75 ha, mỗi năm cung cấp cho Công ty khoảng 80 tấn kén chất lượng cao. Nếu hoạt động hết công suất, mỗi tháng công ty ươm được 4 tấn tơ thành phẩm.

Ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết: Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các hoạt động xuất kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp trong ngành tơ tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Do nhiều doanh nghiệp ở châu Âu và Mỹ tạm ngưng nhập khẩu hàng dệt may, thị trường Ấn Độ đóng cửa nên đã ảnh hưởng đến giá kén tằm và sản lượng tơ thô xuất khẩu sụt giảm khoảng 40% với giá trị xuất khẩu chỉ ước đạt khoảng 8 triệu USD.

Một số doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm các thị trường khác như Đài Loan, Thái Lan, Campuchia… nhưng sản lượng không đáng kể. Do đó, giá thu mua kén trên thị trường Lâm Đồng đã giảm mạnh một nửa chỉ còn khoảng 50 - 80 ngàn đồng so với trước khi xảy ra dịch Covid-19. Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp thu mua chính trong tỉnh đã thực hiện việc hỗ trợ cho người nuôi tằm ở Lâm Đồng bằng việc cam kết đảm bảo thu mua kén cho người dân có chất lượng kén đảm bảo, có hợp đồng liên kết với giá từ 90 - 100 ngàn đồng/kg, gồm 04 doanh nghiệp là Ba Minh - Lâm Hà, Suenphiuur - Đức Trọng, Minh Thành - Bảo Lộc, Minh Quân - Đạ Tẻh. Các đơn vị này đang thực hiện thu mua khoảng 30% sản lượng kén toàn tỉnh.

4 doanh nghiệp là Ba Minh - Lâm Hà, Suenphiuur - Đức Trọng, Minh Thành - Bảo Lộc, Minh Quân - Đạ Tẻh cam kết thu mua kén cho các hộ liên kết với giá 90 - 100 ngàn đồng/kg

4 doanh nghiệp là Ba Minh - Lâm Hà, Suenphiuur - Đức Trọng, Minh Thành - Bảo Lộc, Minh Quân - Đạ Tẻh cam kết thu mua kén cho các hộ liên kết với giá 90 - 100 ngàn đồng/kg

Một diễn biến khác, dịch Covid-19 tại Ấn Độ tiếp bùng phát mạnh với kỷ lục mới về số ca nhiễm trong ngày lần đầu tiên vượt 18.000. Như vậy, trong thời gian tới, các hoạt động xuất, nhập khẩu liên quan đến thị trường Ấn Độ khả năng rất cao sẽ tiếp tục bị đình trệ.

Để hạn chế gặp rủi ro, Sở Công thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Lâm Đồng cần lưu ý khi có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ tạm thời không chấp nhận các điều khoản thanh toán bất lợi như trả chậm, hoặc cho khách hàng nợ tiền hàng, ưu tiên áp dụng trả trước, nếu không thì có thể xem xét hủy đơn hàng.

HOÀNG SA - HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202006/4-doanh-nghiep-cam-ket-thu-mua-ken-tu-90-100-ngan-dongkg-3010233/